Mô hình an toàn sinh học đang trở thành xu hướng của ngành chăn nuôi bởi nhiều ưu điểm như: Chất lượng sản phẩm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp, ổn định kinh tế cho người nông dân…
Ngành chăn nuôi cả nước đang tích cực đẩy mạnh, tuyên truyền và hướng dẫn bà con nông dân chuyển sang mô hình này. Ngoài việc thực hiện các mô hình thí điểm, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật… công tác tập huấn, đào tạo đóng vai trò quan trọng.
Huyện Vũ Thư tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học cho nông dân. |
Trong 3 ngày, từ ngày 5 - 7/10, Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Vũ Thư (Thái Bình) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò và an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn cho 250 hộ chăn nuôi tại địa bàn.
Tại lớp tập huấn, học viên được cán bộ Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện giới thiệu một số giống trâu, bò phổ biến tại Việt Nam như bò vàng, bò Brahman, bò BBB, trâu Murrah, trâu Việt Nam; Khái niệm, lợi ích và nguyên tắc trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Đặc biệt, học viên được hướng dẫn 3 phương pháp kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh: làm đệm lót sinh học, phun rửa khử mùi chuồng trại, bổ sung men Emina vào thức ăn, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh cho đàn trâu, bò và đàn lợn, sử dụng chế phẩm vi sinh trộn thức ăn….
Huyện Vũ Thư hiện có hơn 92.000 con lợn, gần 8.000 con trâu, bò. Thông qua lớp tập huấn giúp các hộ chăn nuôi trang bị thêm kiến thức, chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để nâng cao chất lượng vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong thời gian tới, toàn huyện sẽ tập trung phát huy mọi tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động và để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng vệ sinh, an toàn sinh học, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh.
Huyện đã đề ra một số giải pháp, cụ thể: Mở rộng, chuyển một phần diện tích trồng màu sang trồng cỏ, thức ăn xanh tại các xã trọng điểm chăn nuôi trâu, bò. Sử dụng tinh bò phân ly giới tính nhập ngoại chất lượng cao để nâng cao chất lượng đàn bò. Bình tuyển, chọn lọc những bò sữa tốt để làm giống và sản xuất sữa. Chú trọng biện pháp tăng đàn theo phương pháp tự nhiên kết hợp với tăng cơ học. Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ cho lực lượng dẫn tinh viên, cung cấp đủ vật tư thụ tinh nhân tạo cho đàn gia súc…
Bên cạnh đó, kuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới áp dụng trong chăn nuôi như máy trộn thức ăn hỗ hộp, máy cắt cỏ, máy thái cỏ, máy rửa chuồng, bình phun thuốc khử trùng và một số dụng cụ thay thế, hóa chất tẩy rửa... từ đó làm giảm tải thời gian lao động của hộ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Thành Huế