Công tác chuẩn bị lập quy hoạch tỉnh Thái Bình được đặt ra từ rất sớm

Trong quy hoạch nông thôn mới, tỉnh Thái Bình đã chú trọng tích hợp quy hoạch thu nhỏ của nhiều ngành, lĩnh vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai xây dựng nông thôn theo hướng có chiều sâu, nâng cao và có tầm nhìn xa.

Kết quả thu được sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thái Bình đã phát triển bứt phá, thay đổi từng ngày, tạo nên một nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới, những làng quê như phố phồn vinh.

{keywords}
Diện mạo đô thị Thái Bình ngày một khang trang.

Từ những nền tảng đó, ngay khi quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã lập tức bắt tay triển khai qui hoạch tỉnh một cách bài bản, có chiều sâu.

Bí thư tỉnh ủy Ngô Đông Hải quán triệt, phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh, phải thực hiện ngay các hợp phần chuyên môn, để góp phần vào quy hoạch tập trung. Trong đó, các vấn đề liên quan đến sử dụng đất, các phương án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, thủy lợi, xử lý môi trường… đến các thiết chế văn hóa, thiết chế y tế - giáo dục… tất cả các lĩnh vực cần phải được rà soát, đánh giá, làm rõ.

Quy hoạch để sớm trở thành một cực tăng trưởng mới

Hồi giữa năm, trong báo cáo đầu kỳ Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, căn cứ vào thực tế, các đề xuất được đặt ra là một sự phát triển cao hơn của quy hoạch nông thôn mới của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các trục giao thông kết nối các đô thị trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng và tỉnh, thành phố lân cận;…

Cùng với đó, thương mại, dịch vụ từng bước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống Nhân dân. Kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Một số trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn cao cấp đã hoàn thành đưa vào khai thác có hiệu quả. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng. Phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được chú trọng. Dịch vụ vận tải, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm phát triển khá mạnh cơ bản đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thành phố Thái Bình sẽ trở thành đô thị loại I và xây dựng một số đô thị loại III, loại IV, phục vụ Khu kinh tế Thái Bình theo hướng phát triển đô thị xanh, hiện đại, thông minh. Quy hoạch bám sát mục tiêu phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong Khu vực đồng bằng sông Hồng. 

Đặc biệt, điểm nhấn sẽ được tập trung vào xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, nhằm tạo đột phá mới cho tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế ven biển để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị hướng biển trong những năm tới. 

Cuối tháng 9 vừa qua, phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Công tác lập quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp tỉnh tạo định hướng phát triển, sắp xếp không gian, phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn các huyện, thành phố; đồng thời, làm cơ sở để xây dựng và phát triển tỉnh trong giai đoạn tới.

Chặng đường từ nay tới năm 2030 không quá dài và sẽ có khó khăn, thách thức, song với những thành tựu đạt được sau 10 năm xây dựng nông thôn mới bài bản, cùng với sức mạnh từ sự hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân... Thái Bình sẽ sớm trở thành một cực tăng trưởng mới trong Khu vực đồng bằng sông Hồng như nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đặt ra.

Minh Phúc