Đề tài “Nghiên cứu hiện trạng và các giải pháp phục hồi, phát triển diện tích rừng ngập mặn bị suy thoái tại Thái Bình” do Chi cục Kiểm lâm Thái Bình chủ trì thực hiện từ năm 2021 – 2025. Đây là đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm.

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài tại địa điểm xã Đông Long, huyện Tiền Hải (Thái Bình).

{keywords}
Rừng ngập mặn ở Thái Bình. 

Đến thời điểm kiểm tra, đề tài đảm bảo theo thuyết minh đã được phê duyệt; đã nghiên cứu, tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, phương pháp quản lý bảo vệ và sử dụng rừng ngập mặn cũng như nghiên cứu về quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng ngập mặn tại tỉnh Thái Bình. Xây dựng bản đồ hiện trạng rừng ngập mặn bị suy thoái tại Thái Bình. Tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng và nguyên nhân suy thoái. Đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển rừng ngập mặn bị suy thoái như: Làm tường mềm giảm sóng, thay thế các loại cây đang bị suy thoái bằng một loài cây khác có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi hơn với điều kiện thực tại...

Giai đoạn tới, nhóm nghiên cứu tích cực triển khai, hoàn thiện các nội dung công việc đảm bảo đúng tiến độ, đúng yêu cầu đề ra để khi đề tài được nghiệm thu sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giảm thiểu thiệt hại do tác động của thiên tai và ô nhiễm môi trường.

Việc bảo vệ, phát triển rừng vùng ven biển được Chính phủ cũng như tỉnh Thái Bình chú trọng.  Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Mục tiêu Đề án nhằm quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính. Tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh. Giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển. Bên cạnh đó, khôi phục và phát triển rừng.

Cụ thể, trồng mới 20.000 ha rừng, gồm: 9800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 10.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát). Riêng giai đoạn 2021 - 2025, trồng mới 11.000 ha. 

Trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000 ha, gồm: 6.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 8.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng đối với 9.000 ha…

Ngoài thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ về trồng rừng, bảo vệ rừng ngập mặn, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cũng như ban hành các chính sách để thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.

Minh Phúc