Thái Bình nằm ở khu vực phía Nam Sông Hồng, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh của cả vùng; nằm trọn trong tứ giác phát triển, gồm Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Thanh Hóa.
Để khai thác lợi thế mà vị trí địa lý mang lại, Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XX (nhiệm kỳ 2021 -2025) xác định, phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng với mục tiêu tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021- 2025 khoảng 15,9%/năm; xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng hàng đầu của tỉnh trong cả nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Trên tinh thần đó, Thái Bình đã xác định, đến năm 2025 ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng theo chiều sâu, giá trị tăng thêm tăng nhanh và tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt trên 50%.
Đối với công nghiệp nặng, tập trung vào công nghiệp khai thác khí thiên nhiên tại vùng biển Thái Bình và xây dựng đường ống dẫn khí vào Thái Bình. Đóng mới, sửa chữa và hoán cải các tàu vận tải thủy.
Thái Bình sẽ tập trung sản xuất vải cao cấp, phụ liệu may, các sản phẩm may mặc, giày da cao cấp... |
Đối với công nghiệp nhẹ, tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; sản xuất bia, rượu, nước giải khát, nước khoáng, công nghiệp dược. Sản xuất gạch không nung, gạch bloc, gạch ceramic, granite, sứ vệ sinh. Sản xuất vải cao cấp, phụ liệu may, các sản phẩm may mặc, giày da cao cấp. Sản xuất, lắp ráp một số thiết bị điện tử, tin học, máy văn phòng, điện lạnh, sản xuất cáp quang, các thiết bị thông tin viễn thông...
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp khu kinh tế biển. Hình thành mạng lưới cụm công nghiệp sản xuất, trong đó mỗi cụm phục vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho nhóm các xã lân cận. Bố trí các dự án công nghệ cao, nộp nhiều ngân sách, sử dụng ít lao động. Phát triển làng nghề theo chiều sâu và hướng về xuất khẩu. Bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, du nhập nghề mới có giá trị cao, thân thiện với môi trường. Hạn chế nghề chế biến nông sản thực phẩm thủ công không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, làng nghề tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm
Với mục tiêu và định hướng như vậy, tỉnh Thái bình có ưu tiên trọng tâm như: Tập trung phát triển công nghiệp hướng về phía biển; phát triển công nghiệp phải đảm bảo quy hoạch, ưu tiên phát triển trong các khu, cụm công nghiệp; thu hút nhà đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đầu tư kinh doanh hạ tầng; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ nhu cầu cho cả nước và xuất khẩu; đầu tư có chọn lọc, không thu hút đầu tư bằng mọi giá; chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên; khuyến khích thu hút các dự án sử dụng tiết kiệm đất, có hiệu quả.
Trong đó một số ngành, lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong giai đoạn đến 2025 như ngành cơ khí chế tạo; ngành thiết bị điện, điện tử; ngành dệt may, da giầy; ngành chế biến nông sản, thực phẩm; ngành năng lượng; ngành vật liệu xây dựng; ngành công nghiệp hỗ trợ…
Nhờ sự chuyển hướng có trọng tâm, trọng điểm, đến nay Thái Bình không chỉ khoác chiếc áo mới, hòa nhịp với bước tiến của cả nước mà còn định vị là tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển công nghiệp.
Cùng với Khu kinh tế Thái Bình, Đề án phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2025, Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình sẽ là những điểm tựa vững chãi để hành trình trở thành tỉnh công nghiệp của Thái Bình sớm trở thành hiện thực.
Vũ Thư