“Văn minh, hiện đại” là điều dễ thấy nhất ở nhiều làng quê Thái Bình, đặc biệt là sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 4/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM, coi trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Với nhiều cách làm riêng, sáng tạo, sau hơn 10 năm nỗ lực, bền bỉ phấn đấu, phong trào thi đua xây dựng NTM của Thái Bình đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và trở thành phong trào sâu rộng, nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Nhiều gia đình đã tình nguyện hiến đất, ủng hộ tiền và ngày công lao động để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn. Toàn tỉnh đã huy động trên 25.349,65 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó ngân sách nhà nước các cấp 18.409,105 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 3.989,547 tỷ đồng, con em xa quê ủng hộ tinh thần, vật chất chung sức cùng quê hương xây dựng NTM, đưa Thái Bình trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong phong trào này.
Kế thừa thành tựu xây dựng NTM từ các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Thái Bình tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, NTM nâng cao là nhiệm vụ quan trọng. Phong trào xây dựng NTM giai đoạn này chú trọng phát triển về chất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, chú trọng chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác, liên kết, hình thành các HTX kiểu mới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững.
Nếu như ở giai đoạn trước, nông thôn Thái Bình có sự thay đổi lớn về diện mạo thì nay việc phát triển đã đi vào chiều sâu. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá đồng bộ, tạo nên diện mạo mới của nhiều xã, thôn khang trang, sạch đẹp. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, khu xử lý rác thải tập trung, hạ tầng thương mại nông thôn... từng bước được đầu tư hoàn thiện. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng. Toàn tỉnh hiện có 14.070 hộ nghèo (chiếm 2,14%), 14.854 hộ cận nghèo (chiếm 2,26%). Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa được nâng lên; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được tăng cường, văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy. Quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Thành tựu trong xây dựng NTM, NTM nâng cao không chỉ tạo diện mạo mới, sức sống mới theo hướng văn minh, hiện đại cho các làng quê mà còn tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Kết quả này là tiền đề quan trọng để Thái Bình tiếp tục nỗ lực vươn lên, huy động các nguồn lực thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra: đến năm 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 10% số xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 1 huyện trở lên được công nhận huyện NTM nâng cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020.