Năm 2024, gia đình chị Nguyễn Thị Dung, là hộ cận nghèo ở thôn Kim Châu 1, xã An Châu và gia đình anh Lại Duy Nghĩa, là hộ nghèo ở thôn Tây Thượng Liệt, xã Đông Tân thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, đã được đón Tết trong ngôi nhà mới, khang trang, kiên cố.
Đây là hai căn nhà tình thương được xây tặng cho hộ nghèo, cận nghèo ở Đông Hưng. Tổng kinh phí 2 căn nhà là 370 triệu đồng, trong đó có 120 triệu đồng được một doanh nghiệp hỗ trợ.
Còn ở xã Phong Châu, bà Đào Thị Tĩnh, thôn Khuốc Tây, cũng rất vui mừng khi được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết năm nay. Bà cho biết bản thân thường xuyên đau ốm, lại sống một mình nên không đủ điều kiện để xây nhà khang trang, tươm tất. Nay đã có nhà mới, bà Tĩnh đã gác lại nỗi lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.
Tại xã Phong Châu, 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc xã phối hợp vận động hơn 114 triệu đồng vào quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn quỹ này, Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức thành viên hỗ trợ xây mới, sửa chữa 8 nhà đại đoàn kết, 1 nhà tình nghĩa.
Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống người nghèo như tặng quà cho hơn 440 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, Tết... cũng được thực hiện nhờ nguồn quỹ này. Mặt trận Tổ quốc xã cũng kết nối với doanh nghiệp hỗ trợ 300.000-500.000 đồng/tháng cho 5 người già neo đơn, học sinh mồ côi học giỏi.
Tại huyện Đông Hưng, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 1,8%. Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp huy động gần 7 tỷ đồng đóng góp vào quỹ “Vì người nghèo”; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 142 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ khám chữa bệnh, giúp học sinh nghèo vươn lên trong học tập.
Thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, 10 năm qua, huyện Đông Hưng có gần 52.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi của Chính phủ, với tổng doanh số cho vay đạt hơn 1.400 tỷ đồng.
Ở xã Hồng Việt thuộc huyện Đông Hưng, gia đình ông Nguyễn Thái Định nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ có vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Định đã đầu tư chăn nuôi và phát triển sản xuất bằng việc trồng cây cảnh với cây trồng chủ lực là cây mộc hương.
Chịu khó chăm bẵm nên cây trồng phát triển tốt, nhiều thời điểm xuất hàng gặp giá bán thuận lợi, gia đình ông cải thiện thu nhập, thoát nghèo.
Tại Thái Bình, theo kết quả rà soát cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo giảm từ 15.739 hộ năm 2021 (tỷ lệ 2,4%) xuống 11.925 hộ (tỷ lệ 1,82%). Tổng số hộ cận nghèo giảm từ 16.218 hộ (tỷ lệ 2,47%) xuống 12.587 hộ (tỷ lệ 1,92%). Như vậy, trung bình mỗi năm tỉnh này giảm tới hơn 1.900 hộ nghèo và hơn 1.800 hộ cận nghèo.
Để giúp người nghèo không chỉ nâng cao thu nhập mà còn đảm bảo các chiều dịch vụ xã hội cơ bản, thời gian qua, các cấp có thẩm quyền tại Thái Bình đã ban hành nhiều chính sách về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo sinh kế...
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, Sở phối hợp với các đơn vị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo và cận nghèo bảo đảm đầy đủ, kịp thời.
Để trẻ em hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện cần thiết, tối thiểu khi học tập, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ miễn học phí cho học sinh thuộc hộ nghèo và giảm học phí cho học sinh thuộc hộ cận nghèo bảo đảm đúng, đủ, kịp thời.
Kết quả thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng hỗ trợ giảm nghèo được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 5/2024, đã có 2.549 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với số tiền 137 tỷ đồng. Có 3.473 hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ 186 tỷ đồng.
Mới nhất, tại huyện Kiến Xương, ngày 22/8, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức bàn giao 68 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Dự án nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Ngoài ra, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Thái Bình cũng được thụ hưởng nhiều chương trình khác như nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà ở...
Năm 2024, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu giảm từ 1.000-1.500 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo...