Theo số liệu từ cơ quan chuyên môn tỉnh Thái Bình, đến hết tháng 9/2021, tổng đàn lợn toàn tỉnh ước đạt 684 nghìn con (tăng 5,6 so với cùng kỳ năm 2020); tổng đàn trâu bò ước đạt 57 nghìn con (tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020).
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển ổn định. Mặc dù những tháng đầu năm đã xảy ra một số ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, song các dịch bệnh đã được kiểm soát và khống chế kịp thời nên sản xuất chăn nuôi vẫn phát triển, đạt được kết quả khá. Tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 159,8 nghìn tấn.
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Bình phát triển ổn định trong 9 tháng đầu năm. |
Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng vắc xin, giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Hiện nay toàn tỉnh có 2.390 trang trại và khoảng 250 nghìn nông hộ chăn nuôi, trong đó có 96,1% cơ sở chăn nuôi áp dụng ít nhất một biện pháp để xử lý chất thải chăn nuôi như xây, lắp bể biogas, sử dụng đệm lót sinh học, ủ phân hoặc công nghệ vi sinh kết hợp với thu gom vệ sinh hàng ngày sẽ hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra.
Để đạt được kết quả này, từ đầu năm tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh gia súc như tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học…
Tháng 7/2021, tỉnh triển khai Tháng vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi trên diện rộng và Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời cấp hỗ trợ các đơn vị 20.000 lít hóa chất thực hiện. Việc hỗ trợ hóa chất của Ủy ban nhân dân tỉnh đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, động viên người chăn nuôi và các địa phương vào cuộc, tự mua thêm hóa chất vôi bột để thực hiện.
Việc triển khai thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đã giúp tiêu diệt các mầm bệnh nguy hiểm tồn tại ngoài môi trường, trên đàn gia súc, góp phần khống chế thành công các bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò, bệnh dịch tả lợn châu Phi,...
Đến nay các dịch bệnh gia súc cơ bản được kiểm soát, hiện chỉ còn 01 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Bệnh truyền nhiễm lở mồm long móng không phát sinh, giúp người chăn nuôi yên tâm tái đàn thúc đẩy phát triển chăn nuôi của tỉnh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
Hiện tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó trọng tâm là giám sát chặt chẽ tình hình tại các cơ sở. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển quá cảnh xuất nhập ra vào tỉnh; kiểm soát giết mổ, kinh doanh gia súc các sản phẩm gia súc.
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh gia súc. Tiếp tục cấp hóa chất hỗ trợ các địa phương xử lý các ổ dịch bệnh nguy hiểm thường xảy ra trên gia súc. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi; thường xuyên thực hiện vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi.
Các địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi tự bảo vệ đàn gia súc; thực hiện khai báo với cơ quan chức năng khi phát hiện bệnh dịch, để tổ chức khoanh vùng dập dịch, tránh tình trạng lây lan.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các địa phương chấn chỉnh hình thức hoạt động, tăng cường giám sát dịch bệnh đến từng xã, thôn, hộ chăn nuôi, xác định vùng có nguy cơ cao, nơi mang mầm bệnh để tập trung lực lượng giúp hộ nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật tiêu độc, khử trùng.
Trần Hảo