“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể.
Trong đó, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động điều hành của chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phát triển môi trường số an toàn trong nhân dân.
Hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn là mục tiêu quan trọng, được tỉnh Thái Bình triển khai mạnh mẽ.
Thái Bình đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. |
Toàn tỉnh hiện có hơn 7.300 doanh nghiệp, trong đó khoảng 40% doanh nghiệp có website để quảng bá thông tin, hình ảnh sản phẩm, 90% doanh nghiệp sử dụng email và các ứng dụng hỗ trợ giao tiếp như Viber, Facebook Messenger, Zalo để trao đổi, giao dịch với khách hàng. 50% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh để phát triển giao dịch TMĐT mô hình B2B và B2C.
100% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong khai báo thuế, hải quan và một số hệ thống chuyên ngành như ecosys... Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong quá trình số hóa và khai thác dữ liệu số phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thời gian qua, Sở Công Thương tích cực hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh.
Từ nguồn ngân sách trung ương và của tỉnh, Sở đã hỗ trợ 55 doanh nghiệp xây dựng website riêng, bộ thương hiệu trực tuyến, phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng và xúc tiến bán hàng trực tuyến, hệ thống quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trực tuyến.
Đặc biệt, hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, thông tin của các doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử uy tín. Sở cũng hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp kết nối sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, hỗ trợ xây dựng website, xây dựng và hỗ trợ các giải pháp công nghệ số cho doanh nghiệp như mã vạch, mã QR Code, chíp NFC, công nghệ blockchain... phục vụ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh ecthaibinh.com, Sở Công Thương xây dựng 232 gian hàng quảng bá miễn phí cho 1.969 sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh và liên kết quảng bá trên sàn TMĐT của các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An..., góp phần giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian, chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển quan hệ, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, quản lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực.
Chính dịch Covid-19 đang và sẽ tiếp tục tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước, nhất là phát triển các mô hình kinh doanh phi tiếp xúc truyền thống, hội họp trực tuyến, điều hành từ xa, thương mại điện tử…
Với những thay đổi nhanh chóng về hạ tầng công nghệ và tích cực ứng dụng công nghệ trong các hoạt động quản lý điều hành, nên chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT (ICT-index) hàng năm của Thái Bình đều tăng, cụ thể năm 2018 xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố; năm 2019 xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố.
Minh Phúc