Thời gian qua, mặc dù cũng ảnh hưởng lớn từ những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, song tỉnh Thái Bình vẫn là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là với dòng vốn FDI.
Theo quan sát, Thái Bình có rất nhiều lợi thế từ tình hình an ninh chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Điểm sáng lạc quan
Vừa qua, Thái Bình đã thu hút 5 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD.
Thái Bình chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh |
Theo UBND tỉnh Thái Bình, 5 dự án này bao gồm: Dự án đầu tư nhà máy Lotes, Dự án nhà máy Greenworks Thái Bình, Dự án nhà máy sản xuất phụ kiện gia đình, phòng tắm, đèn chiếu sáng và đồ nội, ngoại thất của Công ty Jeanson Industrial Limited, Dự án khu nhà ở thương mại Lê Hồng Phong - Eden Garden của Công ty cổ phần Bidgroup, Dự án trồng và chế biến rau củ quả hữu cơ tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư của Tập đoàn TH.
Cụ thể, Dự án đầu tư nhà máy Lotes tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Khu Kinh tế Thái Bình) của Công ty TNHH Lotes Việt Nam với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD là dự án sản xuất chân kết nối ram máy tính, cáp nối (cable) dùng cho máy tính và thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện, cấu kiện kim loại dùng cho máy móc lắp ráp chân nối Ram và thiết bị đầu nối. Sản phẩm của dự án được bán cho các Tập đoàn lớn như: Itel, Samsung, Sony...
Dự án nhà máy Greenworks Thái Bình của Công ty TNHH Greenworks tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Khu kinh tế Thái Bình) với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD sản xuất thiết bị làm vườn, 100% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU.
Dự án nhà máy sản xuất phụ kiện gia đình, phòng tắm, đèn chiếu sáng và đồ nội, ngoại thất của Công ty Jeanson Industrial Limited tại Khu công nghiệp Tiền Hải có tổng vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD, để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ, EU.
Dự án khu nhà ở thương mại Lê Hồng Phong - Eden Garden của Công ty cổ phần Bidgroup, tổng mức đầu tư khoảng 1.428 tỉ đồng (tương đương khoảng 62 triệu USD) là dự án đầu tư, phát triển đô thị hiện đại trên địa bàn TP.Thái Bình.
Dự án trồng và chế biến rau củ quả hữu cơ tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư của Tập đoàn TH, là dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất và cung cấp nguồn nông sản sạch cho thị trường, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Để các dự án sớm đi vào hoạt động, tại hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình và các nhà đầu tư dự án trên địa bàn huyện, thành phố chiều 1.9, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - ông Nguyễn Khắc Thận, cho biết: Chủ tịch tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đề nghị các nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ đã đăng ký, chú trọng bảo vệ môi trường, phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh và có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư dự án trong tương lai.
Thu hút đầu tư được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
Năm ngoái, dù ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19 nhưng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người tại tỉnh đạt 53.523 tỷ đồng, tăng gần 3,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 40,9%, khu vực dịch vụ chiếm 32,4%, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 26,7%.
Ngoài ra, quỹ đất tại Thái Bình rất dồi dào và dân số trong độ tuổi lao động tới hơn 1 triệu người cũng là yếu tố giúp Thái Bình là điểm đến có sức hút đối với các nhà đầu tư.
Cho đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 130.000 tỷ đồng. Trong đó có 90 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 800 triệu USD. Trên hết, tỉnh Thái Bình đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 21,4%, cao gấp 1,65 lần so với năm 2015.
Ngay sau khi Nghị quyết số 50-NQ/TW được ban hành, tỉnh Thái Bình đã quán triệt chủ trương cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh. Trước hết, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc; tích cực tuyên truyền, phổ biến đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm trong giải quyết công việc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất về các thủ tục cho nhà đầu tư.
Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới là thu hút các dự án FDI theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có suất đầu tư lớn, giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Hàng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư với quan điểm huy động các nguồn lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra qua các nhiệm kỳ; đồng thời, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư như: hội nghị gặp gỡ Nhật Bản - Thái Bình (tổ chức cuối tháng 11/2020), tọa đàm kết nối xúc tiến đầu tư thương mại giữa tỉnh Thái Bình và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (tổ chức cuối tháng 4/2021)..., trên cơ sở đó thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư của các nước vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là Khu kinh tế Thái Bình.
Các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ thu hút đầu tư cũng được tỉnh chú trọng ban hành và tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm động viên kịp thời nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh như: cơ chế, chính sách hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; chính sách khuyến khích đầu tư một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030...
Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI hàng năm của Thái Bình trong những năm qua có sự cải thiện về thứ hạng.
Chính từ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, phân tích thực trạng và tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân cùng với lợi thế về năng lượng điện, khí mỏ, khu kinh tế và hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ kết nối thuận lợi với tam giác kinh tế Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình đang trở thành điểm sáng trong thu hút nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn sắp tới và là điểm đến thu hút làn sóng đầu tư mới của khu vực phía Bắc và của cả nước.
Vũ Thư