Xây dựng chính quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Thái Bình đang hướng tới. Xác định là động lực và hướng đi mới để giải quyết những điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, Thái Bình đã tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ.

thai binh 1.jpg
Người dân tới giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh đã quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng, ứng dụng chính quyền số như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); nền tảng phục vụ chỉ đạo, điều hành ba cấp (tỉnh, huyện, xã) thông qua mạng văn phòng điện tử liên thông tỉnh Thái Bình; nền tảng họp trực tuyến VNPT Meeting triển khai tại ba cấp và nền tảng camera giao thông thông minh giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Các nền tảng phục vụ chính quyền số đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy mọi hoạt động được tiến hành nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả và minh bạch hơn. Từ đó giúp người dân và doanh nghiệp có cơ hội tương tác trực tiếp với chính quyền.

Ông Phạm Đình Tùng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chia sẻ: Hiện nay, Trung tâm giải quyết TTHC trên nền tảng hệ thống thông tin giải TTHC, được kết nối, theo dõi trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, Trung tâm đang thí điểm giải quyết TTHC cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.

Công dân chỉ cần đăng nhập thông tin bằng số CCCD và mật khẩu trùng khớp với tài khoản VNeID hoặc quét mã QRcode thông qua việc truy cập ứng dụng thì tài khoản được định danh và đăng nhập.

Điều này giúp những người dân chưa có tài khoản trên dịch vụ công không phải thực hiện thêm bước đăng ký với nhiều yêu cầu thông tin khác nhau, các bước thao tác được rút ngắn, nhanh chóng và đơn giản hơn với một chạm.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh cung cấp thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng "Công dân số Thái Bình" và qua các kênh số trên zalo như: "Công dân số Thái Bình", "Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp" được đông đảo người dân quan tâm theo dõi, sử dụng.

Cùng với các nền tảng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết các TTHC, Trung tâm triển khai tổng đài hỗ trợ và giải đáp thắc mắc cho người dân có nhu cầu trong việc giải quyết các TTHC. Hệ thống Tổng đài tiếp nhận và xử lý mọi thông tin, yêu cầu của tổ chức/cá nhân.

Mọi cuộc gọi của tổ chức/cá nhân gọi đến đều được cán bộ tại Trung tâm nghe và giải đáp kịp thời, từ đó tăng tỷ lệ hài lòng của các tổ chức, cá nhân đối với chính quyền.

Ngoài ra, Trung tâm triển khai hệ thống nhắn tin qua số điện thoại di động. Tổ chức, công dân theo dõi tiến độ giải quyết TTHC qua tin nhắn SMS.

Tổ chức, cá nhân có thể thanh toán lệ phí bằng hình thức trực tuyến, qua đó giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

thai binh 2 ok.jpg
Người dân chỉ cần thao tác các bước trên điện thoại hay máy tính có kết nối internet là có thể kê khai hồ sơ và thực hiện thanh toán phí cung cấp thông tin.

Nếu như trước đây anh Nguyễn Viết Diệu (Quỳnh Phụ) phải lặn lội đến tận Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để xin cấp lý lịch tư pháp thì nay anh chỉ cần thao tác các bước ngay trên chính điện thoại thông minh của mình. 

Anh Diệu chia sẻ: Sau khi được nhân viên hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, tôi cảm thấy rất thuận tiện, nhanh chóng, các thông tin chính xác, đặc biệt là giúp giảm thời gian và chi phí đi lại.

Chỉ cần sử dụng ứng dụng VneID mức độ 2 là tôi có thể kê khai hồ sơ và thực hiện thanh toán phí cung cấp thông tin ngay trên ứng dụng.

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi thực hiện các TTHC qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, các doanh nghiệp đã giảm được thời gian đi lại, chờ đợi tại địa điểm thực hiện thủ tục, từ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí.

Đồng thời khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các hồ sơ TTHCcũng được số hóa, giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí về hồ sơ, giấy tờ, in ấn.

Anh Nguyễn Công An, Công ty Tư vấn đầu tư thương mại Phúc Thịnh (Vũ Thư) cho biết: Để giải quyết các TTHC, hiện tại công ty chúng tôi đang sử dụng phần mềm dịch vụ công của tỉnh.

Trước đây khi cần thẩm định một bộ hồ sơ thì chúng tôi cần phải đem đến trực tiếp Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh để giải quyết các thủ tục công việc hành chính nhưng bây giờ thay vì phải đến tận nơi để giải quyết các TTHC, chúng tôi chỉ cần tra cứu trên phần mềm cổng dịch vụ công của tỉnh là có thể nhập trực tiếp thông tin tại trụ sở công ty mà không cần đến tận nơi.

Xác định được tầm quan trọng của chính quyền số, thời gian vừa qua thông qua các ứng dụng, nền tảng đã giúp cải thiện hiệu quả các hoạt động của các cơ quan nhà nước, từ đó từng bước thay đổi tư duy hành động từ mô hình truyền thống tiến tới một nền hành chính minh bạch, hiện đại và chuyên nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Cán bộ phụ trách bộ phận một cửa của Sở Tư pháp chia sẻ: Từ ngày 18/11/2024, Sở Tư pháp đã triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID đối với công dân đã định danh điện tử mức độ 2, số công dân đến Trung tâm hành chính công tỉnh đã giảm đến 80%.

Với những tính năng trên ứng dụng VneID, các thông tin của người dân đã được tích hợp trên ứng dụng và người dân chỉ cần điền một số những thông tin cơ bản là có thể yêu cầu cấp lý lịch tư pháp mà không phải đến trực tiếp điểm giao dịch.

Là một cán bộ cấp lý lịch tư pháp, tôi nhận thấy trong quá trình chuyển đổi số, số lượng công dân đến đây đã giảm đi và điều này cũng thuận tiện cho chúng tôi có thể tra cứu hồ sơ và trả kết quả nhanh nhất tới công dân.

Hệ thống camera giao thông thông minh là một trong những nền tảng số được triển khai trên địa bản tỉnh Thái Bình nhằm phục vụ công tác quản lý và giám sát tình hình trật tự an toàn giao thông.

Đây cũng là một trong các ứng dụng, dữ liệu cơ sở để làm nền tảng triển khai đô thị thông minh của tỉnh, phục vụ các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Thượng tá Giang Thị Hà, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh thôn tin: Qua 3 năm triển khai và thực hiện, hiện nay hệ thống camera giám sát giao thông đang phát huy được những ưu điểm, giảm thiểu được những lỗi vi phạm về trật tự an toàn giao thông và đồng thời nâng cao được ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Trong thời gian tới đây, để mở rộng quy mô camera giám sát giao thông; UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và Phòng CSGT, Công an tỉnh phối hợp để đưa vào sử dụng một số các camera giám sát trên các tuyến đường phức tạp về tình hình trật tự an toàn giao thông để vấn đề về trật tự an toàn giao thông thời gian tới được kiểm soát tốt hơn và giảm thiểu được các vụ tai nạn giao thông.

Phát triển các nền tảng số được coi là một trong những nhiệm vụ thiết yếu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, trong thời gian tới, Thái Bình tiếp tục phát triển, nâng cấp và đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, thiết bị, máy móc, hệ thống phần mềm, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Theo Thành Công (Báo Thái Bình)