Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, Thái Bình đã nỗ lực phủ sóng ứng dụng CNTT trên nhiều lĩnh vực. Cách làm này đã và đang vừa bảo đảm duy trì hiệu quả công việc thông suốt, kịp thời, vừa hạn chế tối đã nguy cơ lây nhiễm và phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương một cách hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, tính đến hết ngày 15/8/2021, Tổng đài AI đã nhận được tổng số 2.195 lượt  gọi, trung bình 210 lượt/ngày. Tổng số câu hỏi được cài đặt hệ thống: 65 câu. Sở Thông tin và Truyền  thông đang tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Công  thương và Ủy ban nhân dân các huyện thành phố để cập nhật các câu hỏi, câu trả  lời lên hệ thống tổng đài AI nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tìm hiểu thông tin  của người dân.

{keywords}
Thái Bình: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để bảo vệ người dân, bảo đảm mục tiêu kép

Tổng đài AI là tổng đài áp dụng trí tuệ nhân tạo để trả lời các thông tin liên  quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tổng đài đã được cài đặt trên số điện thoại 1800.9402, chính thức đưa vào sử  dụng từ 11 giờ ngày 05/8/2021. Toàn tỉnh triển khai tổng số 9445 điểm có QR-code, tính đến 15/8/2021 có tổng số 294.422 lượt quét đến 15/08/2021.

Tính đến 23/8/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 331.908 lượt cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone (chiếm 17,84% dân số của tỉnh, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về số lượng thuê bao di động cài đặt ứng dụng Bluezone). Từ 20/8 đến 23/8 có thêm 651 lượt người dân cài đặt ứng dụng (Trung bình 217 lượt cài đặt mới/ngày).

Về quét mã QR, thống kê mới nhất của Thái Bình cho biết, tổng số các điểm có QR code: 9.995 điểm, thêm 248 điểm so với thời điểm ngày 20/8/2021. Như vậy, tổng cộng toàn tỉnh đã có 332.981 lượt quét, tính riêng từ 20/8 đến 23/8/2021 có 12.578 lượt quét.

Đặc biệt Hệ thống phần mềm Quản lý tiêm chủng Covid 19 và Sổ sức khỏe điện tử đã phát huy hiệu quả tích cực. Theo đó, ngày 17/8/2021 Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Y tế tập huấn, triển khai phần mềm Quản lý tiêm chủng Covid 19 cho toàn bộ 323 điểm tiêm trên toàn tỉnh. Đến ngày 23/8/2021, tổng số mũi tiêm vacxin được cán bộ ngành y tế cập nhật trên hệ thống: 58.588 mũi (Chiếm 57% tổng số mũi vacxin đã được tiêm, xếp thứ 48/63 tỉnh thành trên cả nước về tỷ lệ cập nhật mũi tiêm chủng lên hệ thống). Đã cập nhật thêm 15.995 mũi tiêm lên hệ thống so với ngày 20/8/2021. Tổng số người dân cài đặt phần mềm Sổ tay sức khỏe điện tử: 11.920 lượt. Thêm 2.486 lượt cài đặt so với ngày 20/8/2021 (trung bình có thêm trên 800 lượt cài đặt 1 ngày).

Phần mềm quản lý di biến động của người dân ra vào vùng dịch đuộc Công an tỉnh triển khai tại các chốt kiểm dịch ra vào tỉnh từ ngày 12/8/2021. Theo đó, những người dân đi từ “vùng đỏ” và “vùng vàng” khi vào tỉnh Thái Bình thuộc đối tượng bắt buộc phải khai báo y tế trên phần mềm này.

Đặc biệt trong công tác truy vết, ứng dụng Công nghệ thông tin đã giúp các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình kịp thời phát hiện, khoanh vùng và hạn chế tối đa sự lây lan mầm bệnh. Không những thế ứng dụng này còn giúp các cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời những phần tử xấu, đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch bệnh COVID-19 gây hoang mang cho người dân, làm mất trật tự xã hội.

Các tiện ích của công nghệ thông tin còn được tỉnh Thái Bình ứng dụng nhằm đẩy mạnh trong các hoạt động thông tin và truyền thông nhằm phổ biến, chia sẻ, cung cấp kiến thức và những thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh đến cho người dân giúp họ chủ động hơn trong cách phòng, chống dịch bệnh.

Chỉ trong thời gian ngắn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội tỉnh triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 11 cơ sở cách ly tập trung và Sở Y tế kết nối với hệ thống giám sát của Bộ Y tế. VNPT và Viettel hiện đang hỗ trợ miễn phí toàn bộ đường truyền Internet và phủ sóng Wifi tại 9 chốt kiểm soát để phục vụ ngành Công an triển khai phần mềm và phục vụ người dân quét mã QR, khai báo y tế điện tử

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình cũng đã có văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo về việc đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong tỉnh nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp, triển khai các ứng dụng.

Trong bối cảnh, tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đây là việc làm cấp thiết. Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng các tiện ích của công nghệ thông tin là giải pháp khả thi, tích cực góp phần bảo vệ người dân, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

Vũ Thư