Trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình thế giới và trong nước thay đổi nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng vẫn chịu áp lực lớn từ bên ngoài, có thể tác động xấu đến tăng trưởng, làm giảm nguồn thu và tăng chi NSNN.
Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững; kinh tế tuần hoàn; kinh tế số; ứng phó biến đổi khí hậu và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết trung ương, đặc biệt là Trung ương 5, 6 về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng… đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy các thế mạnh, huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới” được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận với mục tiêu đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - NSNN trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và các giải pháp tài chính - NSNN cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Gửi bài tham luận đến Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022, TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, ở trong nước, hệ thống tài chính cũng đối mặt nhiều khó khăn thách thức, rủi ro đến từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường tài chính.
Trong đó, các động lực tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng. Mặc dù đã đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong bối cảnh suy thoái toàn cầu (tăng trưởng 2,58% năm 2021 và dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,5 - 7% trong giai đoạn 2021 - 2025), song nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với những thách thức nội tại, ảnh hưởng tới chất lượng, tốc độ tăng trưởng và qua đó tác động tới thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều thách thức, đặc biệt áp lực lạm phát gia tăng cũng ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính. Quy mô và mức độ phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam ngày càng được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Tổng tài sản của các định chế tài chính năm 2021 (bao gồm các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ) tăng 10,4% (năm 2020 tăng 12,3%), tương đương 189,3% GDP. Ngoài ra, khu vực ngân hàng đối mặt nhiều khó khăn, rủi ro; thị trường vốn còn nhiều hạn chế. Việc thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường còn nhiều thách thức do các tiêu chí nâng hạng thị trường chậm cải thiện. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mất cân đối, còn nhiều rủi ro. Phát hành chủ yếu là riêng lẻ, tập trung vào các ngành bất động sản, ngân hàng.
TS. Vũ Nhữ Thăng nhấn mạnh, hậu quả của các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy thể chế giám sát tài chính thường chưa theo kịp so với sự phát triển ngày càng sâu, rộng của thị trường tài chính. Các mô hình kinh doanh mới, phương thức liên kết mới, sản phẩm tài chính mới, xuất hiện ngày càng nhiều và gia tăng rủi ro đan xen giữa các thị trường, các khu vực và các định chế trong hệ thống tài chính nói riêng và đến nền kinh tế nói chung. Điều đó đặt ra thách thức phải tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế giám sát thị trường tài chính.
Thu Hằng, Bình Minh, Hà Sơn