- “Tự cường và sáng tạo” là hai mặt của một vấn đề. Muốn Tự cường thì phải hòa nhập với cộng đồng, với sự thay đổi của thế giới và bảo đảm rằng có thể đi theo xu hướng chung mà không bị tác động trở lại.
Mời quý vị xem video:
LTS: Qua 51 năm trưởng thành, các quốc gia thành viên vượt qua được những rào cản về thể chế, chính trị, văn hóa…để phát triển thành một cộng đồng chung mang tên ASEAN. Qua thời gian, các quốc gia thành viên ngày càng chứng tỏ vai trò, trách nhiệm của mình cũng như tính tự cường, sáng tạo trong việc phối hợp các vấn đề chung còn tồn tại trong khu vực.
Năm 2018 Singapore đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên.Chủ đề được chọn là "ASEAN tự cường và sáng tạo". Theo đó, cộng đồng ASEAN tiếp tục phát triển, hợp tác trong 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội.
Không muốn đứng ngoài xu thế phát triển của thời đại, các quốc gia ASEAN sẽ đứng trước những thách thức như thế nào trong thời đại mới? phải làm gì để cộng đồng ngày càng vững mạnh và phát huy chủ đề “Tự cường và sáng tạo”?.
Chương trình tọa đàm hôm nay có cuộc trao đổi với các khách mời sau:
1. Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN – Bộ Ngoại giao
2. Ông Nguyễn Mạnh Cường –Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Lao động Thương binh và xã hội.
3. Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương.
Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình:
MC Mỹ Hạnh: Câu hỏi đầu tiên, xin được hỏi Vụ trưởng Vụ ASEAN, theo ông, bối cảnh nào dẫn tới quyết định của Singapore về lựa chọn chủ đề của năm Chủ tịch “Tự cường và sáng tạo”?
Ông Vũ Hồ: Trước hết là cách tiếp cận của các nước ASEAN đối với hiệp hội, với khu vực, và đối với quốc tế thì sau 50 năm tồn tại và phát triển, đối với ASSEAN, chủ đề về Tự cường đã trở thành một trong những đòi hỏi.
Trước hết nó là đòi hỏi của cả hiệp hội về một hiệp hội có thể tồn tại một cách vững vàng, độc lập trong thế giới đầy biến động hôm nay. Để phát huy được tính “Tự cường” thì đây là sức mạnh của cả tập thể 10 nước ASEAN chứ không phải của bất cứ nước nào để bảo đảm rằng ASEAN không bị lôi kéo, dẫn dắt bởi bất kỳ một quốc gia, thế lực nào bên ngoài. Đó là nội hàm của ASEAN, tinh thần “Tự cường” ASEAN năm 2018.
Ông Vũ Hồ - Vụ trưởng Vụ ASEAN – Bộ Ngoại giao. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trên thực tế cũng xin phép bổ sung thêm một điểm nữa là tinh thần tự cường của Asean đã tồn tại rất lâu và được nhắc tới trong năm 1976 và càng ngày càng thấy rằng ASEAN càng phát huy “Tự cường” và chỉ có với tinh thần tự cường của mình thì ASEAN mới có thể tồn tại, đứng vững và xây dựng thành công cộng đồng ASEAN vừa qua.
Chủ đề năm nay của Singapore rất phù hợp. Thứ nhất, đã nhắc tới một trong những giá trị căn bản của ASEAN đó là độc lập, linh hoạt, sẵn sàng hợp tác với bên ngoài, đồng thời duy trì được bản sắc riêng của hiệp hội trong quá trình phát triển của mình.
MC Mỹ Hạnh: Chủ đề của ASEAN trong năm 2018 được Singapore đưa ra là một ASEAN tự cường và sáng tạo, theo ông Vũ Hồ, nên hiểu nội hàm và ý nghĩa của chủ đề “Tự cường và sáng tạo” trong bối cảnh và xu hướng phát triển của thế giới và khu vực hiện nay?
Ông Vũ Hồ: Trên thực tế, theo tôi “Tự cường và sáng tạo” là hai mặt của một vấn đề. Muốn Tự cường thì phải hòa nhập với cộng đồng, với thế giới, với sự thay đổi của thế giới và bảo đảm rằng có thể đi theo xu hướng chung đó mà không bị xu hướng chung đó tác động trở lại.
Ở đây, nội hàm Tự cường được hiểu trên mấy điểm:
Tự cường trong nội khối tức là tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên với nhau, thúc đẩy hợp tác, xây dựng cộng đồng ASEAN.
Thứ hai, mở rộng quan hệ bên ngoài.
Thứ 3, đi theo xu hướng chung, ví dụ như CMCN 4.0 là xu hướng của thời đại ngày nay.
Với việc đưa ra chủ đề “Tự cường, sáng tạo”, sáng tạo ở đây là tham gia tất cả các sự việc, diễn biến tình hình trong khu vực cũng như quốc tế mà vẫn duy trì được bản sắc của mình, duy trì được bản sắc của ASEAN, đoàn kết của ASEAN thì đó là hai mặt của một vấn đề.
Tôi cho rằng sáng tạo không phải chỉ áp dụng các công nghệ mới, cách làm mới mà nó còn là sáng tạo trong việc ứng phó với các thách thức chung của khu vực cũng như quốc tế.
MC Mỹ Hạnh: Như ông Vũ Hồ vừa nói, trong xu thế giao thoa, hội nhập không chỉ trong khu vực mà còn của cả thế giới, xin dành câu hỏi cho ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương Việt Nam, về mặt kinh tế như tăng cường thuận lợi hóa thương mại, đẩy mạnh giao thương nội khối, và tăng cường hợp tác ngoại khối, thúc đẩy thương mại điện tử, ASEAN đã đạt được kết quả thực chất như nào trong nỗ lực hiện thực hóa nội dung Tự cường, Sáng tạo?
Ông Lương Hoàng Thái: Chủ đề Singapore lựa chọn ở đây được sự thống nhất đồng thuận của 10 nước ASEAN. Nó tập trung vào 2 chuyện.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thứ nhất, tăng cường tính tự cường của ASEAN. Trong bối cảnh kinh tế hiên nay, chúng ta đều biết, không một nền kinh tế nào có thể tồn tại độc lập, đứng ngoài dòng chảy của quá trình toàn cầu hóa. Mặt khác, khi tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa, các nước ASEAN cùng nhận thức cần tránh bị quá lệ thuộc vào một thị trường hoặc một đối tác nhất định mà ta có những tương tác mang tính đa dạng và tương tác đó có lợi cho các bên. Đây là một trong những trọng tâm để ASEAN thúc đẩy.
Để thúc đẩy tính tự cường thì đầu tiên bản thân trong nội khối ASEAN phải mạnh. Mạnh ở đây thể hiện, ASEAN thành công trong việc thúc đẩy các chương trình hợp tác và sự hợp tác này có hiệu quả tích cực và mang tính thiết thực, cụ thể.
ASEAN có sáng kiến về dỡ bỏ rào cản trong nội khối với nhau. Các nước ASEAN đã hoàn thành việc dỡ bỏ rào cản thuế quan. Trong năm vừa qua, ASEAN tập trung mạnh vào việc dỡ bỏ những rào cản phi thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại .
Ví dụ, có sáng kiến thay vì việc Chính phủ các nước cấp giấy phép hay chứng nhận về xuất xứ sản phẩm thì doanh nghiệp làm việc đó. Tức, có nhiều sáng kiến như vậy để dỡ bỏ rào cản phi thuế quan, tạo điều kiện thông thoáng nhất.
Thứ hai của tự cường không phải chỉ có trong nội bộ ASEAN mạnh mà chúng ta phải biết cách liên kết dựa vào sức mạnh của các đối tác. Chính vì vậy, những sáng kiến về thúc đẩy quan hệ với các đối tác của ASEAN rất mạnh trong năm nay, đặc biệt những sáng kiến như đàm phán những hiệp định đối tác toàn diện khu vực hay những chương trình hợp tác lớn với ASEAN đều được thúc đẩy.
Cuối cùng, tính sáng tạo trong hợp tác kinh tế để đáp ứng bối cảnh chuyển biến mạnh của cuộc CMCN 4.0. ASEAN năm nay nhấn mạnh những sáng kiến hướng đến tương lai như vậy. Ví dụ, ASEAN thành công trong việc đàm phán. Lần đầu tiên có một thỏa thuận giữa các nước ASEAN với thương mại điện tử , thúc đẩy trong các lĩnh vực hợp tác dịch vụ hay vụ tài chính là những lĩnh vực rất cần thiết cho môi trường mới trong bối cảnh hội nhập mở hiện nay.
MC Mỹ Hạnh: Như ông nói thì đó là những hoạt động chung trong cộng đồng ASEAN. Vậy Việt Nam chúng ta có vị trí như thế nào trong tất cả các hoạt động như vậy ?Nỗ lực trong triển khai tính Sáng tạo, Tự cường?
Ông Lương Hoàng Thái: Việt Nam chúng ta là một trong những nước hưởng ứng cao những sáng kiến về ưu tiên năm nay của ASEAN.
Thứ nhất, dỡ bỏ những rào cản đối với thương mại và đầu tư. Việt Nam chúng ta là một trong những nước được hưởng lộ trình dài hơn để dỡ bỏ, vì vậy các nước đã mở cửa cho chúng ta. Trong năm vừa qua, Việt Nam tiếp tục khẳng định quyết tâm hội nhập và thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ ASEAN dỡ bỏ những hàng rào đó.
Chúng ta cũng thúc đẩy mạnh những sáng kiến tạo thuận lợi. Chúng ta là một trong những nước đi đầu trong việc tạo nên chương trình 1 cửa ASEAN, tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu chuyển. Chúng ta cũng đã tham gia chương trình tự chứng nhận xuất xứ của ASEAN và chúng ta cùng các nước đưa ra các sáng kiến để đi đến kết thúc đàm phán những hiệp định quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ. Về cơ bản chúng ta tham gia hội nhập ở mức độ sâu, ở những diễn đàn khác.
Ví dụ, Quốc hội vừa phê chuẩn hiệp định CPTPP với tiêu chuẩn rất cao về thương mại điện tử và chúng ta đem sáng kiến bên đó đưa sang để cùng thúc đẩy hợp tác ASEAN trong những lĩnh vực tương đối mới này.
MC Mỹ Hạnh: Thưa ông Nguyễn Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Lao động Thương binh và xã hội. Theo ông, việc thực hiện mục tiêu ASEAN tự cường và sáng tạo có nội hàm và ý nghĩa như thế nào với từng nước thành viên, trong đó có Việt Nam? Việt Nam có sáng kiến và triển khai hoạt động cụ thể nào để hiện thực hóa chủ đề năm 2018 trong ASEAN?
Ông Nguyễn Mạnh Cường –Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Lao động Thương binh và xã hội. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Tôi nhất trí với hai khách mời khi nói về nội hàm của Tự cường và Sáng tạo. Theo tôi, đây là 2 từ rất đắt. Tự cường là cái gốc của ổn định và nếu nói đến sáng tạo thì đây là nền tảng, nguồn lực của phát triển. Khi nói ASEAN “Tự cường và sáng tạo”, điều đó có nghĩa, hướng tới một ASEAN phát triển trên cơ sở một sự ổn định.
Thế nhưng, khi nói tự cường, phải phân biệt tự cường ở đây nói đến sự độc lập nhưng độc lập không có nghĩa là biệt lập. Chúng ta phải phân biệt khéo bởi xu hướng thế giới một số nơi biệt lập. Tự cường ở đây không nói đến sự biệt lập mà ngược lại, nói đến tính độc lập đa dạng của ASEAN.
Trong 3 trụ cột mà anh Vũ Hồ vừa chia sẻ, từ trụ cột Chính trị - an ninh, chúng ta thấy ASEAN rất mở, là một khối, một thực thể nhưng rất mở trong đối tác, với bên ngoài và với các nước lớn, các trung tâm, với các tổ chức quốc tế. Hay về thương mại như anh Thái chia sẻ cũng rất mở. ASEAN là một khối nhưng mở với các đối tác bên ngoài.
Lĩnh vực văn hóa xã hội cũng như vậy. ASEAN là một thực thể, một khối của các cộng đồng quốc gia Đông Nam Á - là một cụm độc lập nhưng mở. Ở đây có tính linh hoạt.
Về văn hóa, xã hội, ASEAN vẫn theo đuổi một mục tiêu bảo vệ được bản sắc văn hóa của khối nhưng lại cũng hòa đồng, hội nhập với thế giới với giá trị văn hóa mang tính phổ quát của nhân loại. Đây là những tiếp cận sáng tạo.
Trong trụ cột văn hóa ASEAN, trong những năm vừa qua, đặc biệt trong năm 2018, với những điều này, ASEAN có rất nhiều sáng kiến để tạo ra sự liên kết khối cũng như liên kết của ASEAN với bên ngoài. Ví dụ, sáng kiến thành lập mạng lưới thành phố thông minh mà ở Việt Nam có như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng tham gia mạng lưới này.
Về sáng kiến của Việt Nam trong trụ cột văn hóa xã hội ASEAN, Việt Nam với tư cách là một thành viên, chúng ta luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo và hiệu quả trong hội nhập và hợp tác ASEAN trong lĩnh vực văn hóa xã hội.
Tháng 10/2018, Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức hội nghị bộ trưởng phụ nữ ASEAN. Tại đó, chúng ta đã đưa ra những sáng kiến được các bạn quốc tế đánh giá rất cao. Đó là việc trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là quyền năng về kinh tế và coi phụ nữ là động lực, ngọn nguồn của sự phát triển và họ cần được tiếp tục trao những quyền năng mạnh mẽ hơn trong cộng đồng ASEAN. Đây là một sáng kiến của Việt Nam đưa ra taị hội nghị này và được đưa vào tuyên bố chung của hội nghị Bộ trưởng và được các nước ASEAN cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
MC Mỹ Hạnh: Xin mời ông Thái - Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương Việt Nam, ông có bổ sung ý kiến gì không ?
Ông Lương Hoàng Thái: Tôi cũng nhất trí với các ý kiến đó. Tôi chỉ nhấn mạnh ASEAN về mặt kinh tế thì chúng ta Tăng cường hợp tác. Còn nói đên tính tự cường ở đây, tôi so sánh như chiếc lò xo. Chúng ta không chỉ mạnh, vững mà bất kể biến động bên ngoài thế nào, có bất ổn xảy ra nhưng chúng ta có sức bật trở lại để phát triển trong thời gian tới. Đây là điều quan trọng, thể hiện tính hợp tác ASEAN xuyên suốt trong nhiều năm qua và đặc biệt là năm 2018 - năm trên thế giới có nhiều biến động nhiều về kinh tế thương mại.
Ông Lương Hoàng Thái và MC Mỹ Hạnh. Ảnh: Lê Anh Dũng |
MC Mỹ Hạnh: Về phía chính trị, an ninh, ông Vũ Hồ có ý kiến bổ sung gì không ạ?
Ông Vũ Hồ: Chúng ta có thể thấy rằng tính tự cường của ASEAN phản ánh lịch sử phát triển của cả khu vực. Nếu trước đây, khu vực Đông Nam Á trong hàng trăm năm chỉ là nơi để các nước lớn, các cường quốc đến để trao đổi, cạnh tranh, coi là chiến trường thì sau khi có ASEAN thành lập và đặc biệt sau khi có cộng đồng ASEAN thì thái độ, cách tiếp cận của các cường quốc trong khu vực đã hoàn toàn thay đổi.
Trên thực tế, họ coi tất cả những nước trong khu vực là một thực thể để trao đổi bình đẳng. Tính tự cường của ASEAN thể hiện ở chỗ là sẵn sàng trao đổi, sẵn sàng đối thoại và hợp tác với tất cả các nước lớn trên tất cả các lĩnh vực kể cả chính trị, an ninh, văn hóa xã hội.
MC Mỹ Hạnh: Làm thế nào để tăng cường sự tham gia của Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, tối ưu các thỏa thuận, hiệp định tự do thương mại đã ký kết?
Ông Lương Hoàng Thái: Một trong những mục tiêu quan trọng của ASEAN là tạo nên một không gian sản xuất chung đồng nhất giữa các nước để cùng hợp tác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chúng ta nhìn trên bình diện quốc tế thì tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu có nhiều cách. Ví dụ, ở một số nước có nền kinh tế đặc biệt phát triển họ nắm công nghệ nguồn, thị trường nên tự họ quyết định chuỗi cung ứng.
Ở các nước ASEAN có nền kinh tế quy mô nhỏ hơn, phần lớn trình độ phát triển mức thấp hơn. Quy mô thị trường mặc dù kết hợp với các nước ASEAN với nhau thì khá lớn nhưng về cơ bản vẫn còn nhỏ so với một số thị trường hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, chúng ta cùng tập hợp với nhau hợp tác tạo sức mạnh, tạo không gian sản xuất chung.
Để làm được chuyện này, quan trọng là phải tham gia được chuỗi cung ứng trên toàn cầu vì chúng ta biết ASEAN không tự tạo ra được chuỗi cung ứng mới. Đầu tiên, phải mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, khi đặt một chân vào chuỗi cung ứng thì các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam sẽ cố phấn đấu bước lên những bước tiếp theo của chuỗi cung ứng. Đây là xu hướng quan trọng trong ASEAN và hợp tác kinh tế ASEAN thể hiện mạnh ở điểm này.
Cho nên chúng ta và các nước ASEAN cần tập trung đến là chuỗi cung ứng dạng phức tạp, tức chuỗi cung ứng có sự phát triển như vũ bão trong thời gian vừa qua. Ví dụ, một linh kiện có thể đi qua biên giới một số nước, sau đó được lắp ráp nên sản phẩm và đưa đến thị trường cuối cùng. Đây gọi là chuỗi cung ứng phức tạp.
Trong báo cáo vừa qua của Tổ chức Thương mại thế giới thì người ta cũng đặt trọng tâm là tất cả các nước đều đặt trọng tâm vào chuỗi cung ứng này và ASEAN cũng như vậy. Việt Nam theo báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới là một trong những số ít nước tăng được sự tham gia vào chuỗi cung ứng này. Để tham gia thì phải mở của cho đầu tư nước ngoài vào.
Thứ hai, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng đó. Cách tham gia thế nào thì mỗi nước có cách làm khác nhau nhưng cơ bản nhất ASEAN sau khi mở cửa tập trung vào những lĩnh vực mà từ đó có thể đi lên được. ASEAN cũng tìm cách để hợp tác với nhau thông qua các hiệp định như hiệp định thương mại dịch vụ được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới hay có những hợp tác trong tài chính – ngân hàng phù hợp.
Để chuỗi cung ứng đó vận hành hoàn hảo thì thông tin rất quan trọng, bởi chúng ta đều biết, hiện nay đang phát triển mạnh CMCN 4.0. Vì vậy hiệp định thương mại điện tử ASEAN cũng đặt ra những nền tảng ban đầu để giải quyết những rào cản trong đó.
Tóm lại, trọng tâm vẫn là đi vào chuỗi cung ứng nhưng để làm được thì cách tiếp cận của ASEAN mở rộng ra hơn so với cả cách đơn thuần đối với những mặt hàng đơn giản trước đây. Với mỗi nước sau đó cũng có những sáng kiến cùng hợp tác để đi dần lên mức cao hơn, chiếm giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng. Tất nhiên mỗi nước có thể có những cách khác nhau. Ví dụ, cải thiện môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp có thể đi lên, có những chương trình hỗ trợ, tăng cường nguồn nhân lực. Tất cả đều hướng đến mục tiêu đầu tiên tham gia miếng bánh nhưng khi tham gia rồi thì hưởng giá trị tốt hơn từ việc tham gia đó.
MC Mỹ Hạnh: Nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo để tận dụng tối đa cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0 cũng như đem lại các lợi ích thiết thực nhất cho người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ các sáng kiến của Việt Nam về kết nối nền tảng dữ liệu số, hài hòa giá cước di động, thành lập Đại học Công nghệ ASEAN. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Việt Nam với lực lượng lao động trẻ, sáng tạo, nhanh nhạy về mặt công nghệ thì có thể tận dụng ưu thế CMCN 4.0 như thế nào để góp phần phát triển đất nước, tăng cường kết nối trong cộng đồng ASEAN?
Các khách mời trong chương trình. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nguyễn Mạnh Cường: Đây là một cơ hội vàng cho sự phát triển của Việt Nam. Tôi nói như vậy bởi thế giới đang bước vào thời kỳ CMCN 4.0, trùng vào thời điểm dân số ta đang đạt đỉnh của dân số vàng. Đây là thời điểm rất thuận lợi cho Việt Nam trong việc phát triển.
Trong bối cảnh CMCN 4.0, việc phát triển nhân lực, đặc biệt tận dụng những cơ hội của CMCN 4.0 là điều then chốt cho sự phát triển đất nước. Bây giờ vấn đề đặt ra, với một dân số trẻ như thế thì chúng ta phải đặt câu hỏi là không thể tự ngồi im chờ cơ hội tự đến mà phải biết tận dụng cơ hội và biết khai thác cơ hội, biết làm ra cơ hội.
Chúng ta phải nuôi dưỡng khát vọng làm cho tuổi trẻ Việt Nam có khát vọng vươn lên, phát triển. Khi có điều kiện đó, con người phải có ý thức về học và tự học. Tất nhiên ở đây, việc học của thời đại ngày nay không chỉ có việc lên lớp, lên trường, mà thế giới học đa dạng thì con người phải rèn văn hóa học, tự học, học mọi nơi, mọi lúc.
Trở lại chủ đề của ASEAN năm nay Tự cường, Sáng tạo là ở đây. Nếu chúng ta tự tin vào sức mạnh của bản thân và tạo ra được khát vọng cháy bỏng, biết cách tiếp cận phải học, tự học thì sẽ là nhân tố thúc đẩy phát triển.
Tiếp theo chúng ta phải tạo ra môi trường - môi trường cho sự sáng tạo. Chúng ta kêu gọi khởi nghiệp sáng tạo. Đây là điều rất hay, ý nghĩa và đáng khích lệ với giới trẻ.
Ở đây cách tiếp cận về khởi nghiệp sáng tạo không chỉ bị bó hẹp trong công nghệ mà tư tưởng khởi nghiệp sáng tạo cần được hun đúc, đưa vào trong giới trẻ ở mọi lĩnh vực kể cả văn hóa, xã hội. Đây là nguồn động lực và tôi nghĩ, chúng ta chỉ cần kích vào nó đúng chỗ, đúng lúc sẽ tạo ra xung lực, cộng hưởng rất lớn cho sự phát triển đất nước. Tôi tin vào giới trẻ, lực lượng trẻ của Việt Nam sẽ làm được điều này.
Xin cảm ơn các khách mời tham gia cuộc trò chuyện hôm nay.
Cảm ơn quý vị, các bạn quan tâm theo dõi. Xin chào, hẹn gặp lại!
Thực hiện: Hữu Khôi – Hạnh Thúy
Video: Đức Yên, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Thúy Hồng
Thiết kế: Quốc Dũng
Ảnh: Lê Anh Dũng
email: [email protected]
Thủ tướng thành lập UB Quốc gia chuẩn bị vai trò Chủ tịch ASEAN 2020
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2021.
Các nước ASEAN họp bàn cách phát triển nội dung số bản địa
Đây là một hướng đi mới nhằm thúc đẩy sựu phát triển lĩnh vực nội dung số tại các nước ASEAN, góp phần thu hẹp khoảng cách số và thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0 tại khu vực.
Các nước ASEAN họp bàn cách phát triển nội dung số bản địa
Đây là một hướng đi mới nhằm thúc đẩy sựu phát triển lĩnh vực nội dung số tại các nước ASEAN, góp phần thu hẹp khoảng cách số và thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0 tại khu vực.
ASEAN tăng hợp tác để tận dụng cơ hội từ cách mạng 4.0
Tối 13/11/2018 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Suntec (Singapore), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN dự phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33.
Thủ tướng gặp một số lãnh đạo đối tác của ASEAN
Ngày 14/11/2018, tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến tham dự hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị Cấp cao liên quan tại Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Thủ tướng Australia Scott Morrison.