Ngày 6/6/2023, tại trụ sở UNESCO, Paris (Pháp), kỳ họp lần thứ 9 Đại hội đồng Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa diễn ra với sự tham gia của đại diện các quốc gia thành viên, quan sát viên, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội-nghề nghiệp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Ernesto Ottone, trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO nhắc lại tuyên bố chung của các quốc gia thành viên tại hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững MONDIACULT 2022, công nhận văn hóa là một loại hàng hóa công toàn cầu.
Ông Ernesto Ottone cũng nhấn mạnh những thách thức mà ngành văn hóa và sáng tạo phải đối mặt, trong đó có sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, việc giải quyết những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. UNESCO kêu gọi các bên tham gia triển khai hành động cụ thể để phát triển hệ sinh thái văn hóa bao trùm và bền vững, tích cực thảo luận để đưa ra tầm nhìn chiến lược cho tương lai của Công ước.
Tại kỳ họp, Ban Thư ký Công ước báo cáo một số hoạt động nổi bật: Việc xuất bản Báo cáo toàn cầu (phiên bản số 3) về “Tái định hình chính sách về sáng tạo: Công nhận văn hóa là một hàng hóa công toàn cầu” – một công cụ nhằm thông tin việc xây dựng các chính sách hiệu quả, thực tiễn và đề xuất sự thay đổi thông qua chia sẻ những thực hành tốt ở cấp độ quốc tế; Thực hiện khảo sát toàn cầu về vị thế của các nghệ sĩ; Xuất bản báo cáo “Công nghiệp điện ảnh Châu Phi: Xu hướng, thách thức và cơ hội vì sự phát triển”...
Phát biểu tại kỳ họp, bà Trần Hải Vân - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) đánh giá cao nỗ lực của Ban Thư ký trong việc triển khai các hoạt động của Công ước.
Bà Trần Hải Vân khẳng định, nhằm hưởng ứng các hoạt động thực thi Công ước, Việt Nam đã ban hành Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025.
Các chương trình được xây dựng với mục tiêu ưu tiên, đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa nghệ thuật thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Việt Nam đã hoàn thành Dự án triển khai thí điểm bộ Chỉ số Văn hóa 2030 của UNESCO và đang lên kế hoạch xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia của Việt Nam để đưa vào hệ thống thống kê quốc gia, làm cơ sở cho việc thực thi và đề xuất các chính sách, biện pháp phát triển ngành văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.
Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia các sáng kiến, hội nghị về bảo vệ quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh thế giới về văn hoá và nghệ thuật lần thứ 9 do Liên đoàn các hội đồng nghệ thuật và cơ quan văn hoá (IFACCA) phối hợp với Hội đồng nghệ thuật Thuỵ Điển tổ chức tại Stockholm tháng 5/2023.
Tại phiên làm việc về thực hiện Công ước trong môi trường số, đoàn Việt Nam đã cung cấp thông tin về nỗ lực của Việt Nam, trong đó có việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ với một số điểm mới về quyền tự bảo vệ, trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thúc đẩy hoạt động thực thi quyền trên môi trường số.
Đây là một trong những quy định cần thiết nhằm bảo đảm quyền, sinh kế của những nhà sáng tạo và việc khai thác các sản phẩm văn hóa, sáng tạo một cách hợp pháp trên môi trường số.
Nhân dịp này, Việt Nam giới thiệu cuốn sách Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa và con đường phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam của TS. Nguyễn Phương Hòa. Vấn đề về đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển văn hóa số là một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong cuốn sách.
Bên cạnh đó, tác giả đã đề xuất một loạt các giải pháp nhằm tạo nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo. Trên tinh thần đó, Việt Nam kêu gọi thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên, các đối tác liên quan trong việc thực hiện Công ước trong môi trường số.
Về vai trò của Việt Nam tại kỳ họp, bà Lê Thị Hồng Vân - Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO cho biết, Việt Nam được các quốc gia nhóm nước châu Á-Thái Bình Dương tín nhiệm, bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng thể hiện uy tín, vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong việc tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động của Công ước.