Đại hội 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (năm 2012), Trung Quốc đã đặt quyết tâm trở thành một cường quốc biển.
Thách thức an ninh khu vực
Theo giới quan sát, để thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc biển thì ý đồ độc chiếm Biển Đông càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, và việc làm này của Trung Quốc đặt ra thách thức nhiều mặt với cộng đồng quốc tế.
Theo đó, thứ nhất, đó là việc Trung Quốc đang tìm cách thay đổi nguyên trạng để từ đó thay đổi tính chất các yêu sách, các đòi hỏi trong tranh chấp chủ quyền của mình trong khu vực này.
Thứ hai, việc làm của Trung Quốc đe dọa cả an ninh – an toàn hàng hải. An ninh – an toàn hàng hải đi qua khu vực này là vô cùng quan trọng. 40% khối lượng thương mại thế giới phụ thuộc vào an ninh – an toàn của con đường hàng hải trọng yếu này. Nếu thương mại quốc tế đi qua khu vực này bị ảnh hưởng thì rõ ràng là nó tác động đến thịnh vượng và an ninh toàn cầu.
Thứ ba, đó là thách thức với luật pháp quốc tế. Hành động của Trung Quốc thách thức các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước quốc tế về luật biển năm 1982 về quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở; đó là sự vi phạm điều 5 Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển đông về việc giữ nguyên trạng.
Từ đó có thể thấy, nếu Trung Quốc hiện thực hóa được các yêu sách chủ quyền của mình thì sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đến an ninh của chúng ta, đến việc phát triển kinh tế biển, đến tương lai, cũng như vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới.
Theo các nhà phân tích, những hành động bành trướng đó tác động đến Việt Nam trên hai phương diện sau:
Đầu tiên là ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, tác động đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Thêm vào đó, điều này còn tác động đến cả đối ngoại của Việt Nam, là quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Thách thức đặt ra rất lớn và bài toán đối ngoại mà Việt Nam phải xử lý là hết sức khó khăn.
Vai trò cầu nối ASEAN
Vai trò cầu nối ASEAN |
ASEAN đang trên con đường hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính là Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng an ninh - chính trị và Cộng đồng văn hóa - xã hội vào ngày 31/12/2015.
Khi sống trong cùng một cộng đồng, coi nhau như thành viên của một đại gia đình lớn thì ASEAN phải coi thách thức an ninh đặt ra với mỗi quốc gia thành viên như thách thức với chính mình và với cả khối.
Việc Trung Quốc tạo ra các thách thức an ninh với VN thì không nên coi là vấn đề song phương trong quan hệ Việt-Trung, hay chỉ ảnh hưởng đến an ninh của VN mà ASEAN phải coi việc này ảnh hưởng và thách thức trực tiếp đến cả cộng đồng ASEAN, ảnh hưởng đến vị thế ASEAN.
ASEAN sẽ bị đặt nghi vấn về cam kết với an ninh khu vực, về vai trò trung tâm và về cam kết với an ninh của các nước thành viên nếu như ASEAN không đề cập thỏa đáng đến thách thức an ninh lớn nhất khu vực, là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Vai trò, vị trí của ASEAN bắt đầu từ yếu tố địa - chính trị, địa - chiến lược của ASEAN, đó là nằm chắn cửa ngõ, lối ra châu Á – Thái Bình Dương của TQ. ASEAN còn được xem là trung gian kết nối giữa các trung tâm quyền lực, giữa các khu vực trọng yếu ở châu Á - Thái bình dương.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, do sự nghi kỵ chiến lược, nên chắc chắn Nhật Bản và Mỹ không bao giờ muốn Trung Quốc đóng vai trò trung gian xử lý các vấn đề khu vực. Các ông lớn khác như Nga và Ấn Độ cũng vậy. Điểm chung của họ là cho rằng, cách tốt nhất là “giao” cho một anh yếu hơn nằm ở giữa, có khả năng đóng vai trò trung tâm, kết nối các trung tâm quyền lực trong và ngoài khu vực, nơi các cường quốc khó đối thoại được với nhau.
Vai trò cầu nối của ASEAN là ở chỗ đó. Khả năng kết nối giữa các trung tâm quyền lực như Nhật, TQ, Mỹ, Nga và Ấn Độ của ASEAN trong thời gian qua đã chứng minh điều này. Không ai khác, chính ASEAN là phù hợp nhất để điều phối, tổ chức bàn cờ an ninh tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Cho dù nội bộ ASEAN còn nhiều vấn đề và bị giằng xé bởi các cường quốc bên ngoài, nhưng để tồn tại và phát huy vai trò của mình thì ASEAN chỉ có con đường duy nhất là đoàn kết. Nếu không làm cho các cộng đồng này hoàn chỉnh thì ASEAN sẽ đánh mất vai trò kết nối, đánh mất uy tín.
Bảo Linh - Phương Cúc