Toàn huyện đã triển khai 16 dự án phát triển sản xuất cộng đồng (mô hình chăn nuôi gà, bò) tại 16 xã; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với 6 dự án ở 6 xã; mở 2 lớp đào tạo nghề cho 70 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo; tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực người làm công tác giảm nghèo và đối thoại các chính sách giảm nghèo…
Huyện cũng tạo mọi điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Thạch Hà đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho 1.940 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng kinh phí gần 90 tỷ đồng.
Huyện cũng phối hợp với Bảo hiểm Xã hội, UBND các xã, thị trấn cấp 44.522 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó 1.783 thẻ BHYT hộ nghèo; 3.625 cận nghèo. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, vận động xã hội hóa hỗ trợ xây dựng 43 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng.
Đến nay, hàng loạt giải pháp đồng bộ đó đã giúp số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 13 hộ còn 1.301 hộ so với đầu năm 2024.
Trong các xã của huyện Thạch Hà, Thạch Thắng là điểm sáng trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững.
Nhìn đàn gà có quy mô lên tới 200 con, bà Hà Thị Xanh (ở thôn Trung Phú, xã Thạch Thắng) vui mừng chia sẻ nhờ có sự tiếp sức kịp thời từ chính sách, gia đình bà đã có điểm tựa để vượt lên hoàn cảnh, nâng cao thu nhập gia đình.
Tháng 8/2024 là tròn 1 năm hộ cận nghèo này chính thức nuôi 90 con gà giống từ nguồn hỗ trợ sinh kế giảm nghèo. Không chỉ được cấp giống, bà còn được cấp 3 tháng thức ăn cho gà. Tròn 1 năm sau, đàn gà được xuất bán 3 lứa, bà Xanh cũng có thêm nguồn tiền để mua thêm gà giống tái đàn. Lấy ngắn nuôi dài, từ mô hình gà ban đầu 90 con, đến nay, gia đình bà đã nâng quy mô lên 200 con và nhanh chóng thoát hộ cận nghèo.
Mô hình nuôi gà từ nguồn ngân sách Nhà nước theo chương trình giảm nghèo bền vững cũng được xã Thạch Thắng triển khai tại 44 hộ nghèo khác. Nhờ được kiểm tra, hỗ trợ, giám sát chặt chẽ, đến nay mô hình này đã phát huy hiệu quả cao.
Hiện tại, xã Thạch Thắng đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ 18 mô hình chăn nuôi bò. Đây là một trong những địa bàn triển khai được nhiều mô hình giảm nghèo bền vững nhất của huyện Thạch Hà.
Bên cạnh đó, mô hình hỗ trợ nuôi ngan sinh sản cũng đang mang lại nhiều tín hiệu khả quan ở xã Thạch Thắng. Gia đình chị Bùi Thị Hiếu ở thôn Hòa Bình là hộ nghèo thí điểm được hỗ trợ giống ngan sinh sản và 3 tháng thức ăn. Tháng 2, từ mô hình ban đầu với 400 con ngan bố mẹ, đến nay, đàn ngan của gia đình chị Hiếu sinh trưởng tốt, dự kiến ấp trứng và bán ngan giống trong vài tháng tới.
Cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế, MTTQ và các ngành, đoàn thể huyện Thạch Hà cũng tích cực thực hiện hỗ trợ xây, sửa nhà cho hộ nghèo.
Đầu tháng 9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạch Hà phối hợp với Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Hà Tĩnh, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - chi nhánh Hà Tĩnh đã khởi công xây dựng nhà ở cho gia đình bà Nguyễn Thị Ninh, một hộ nghèo ở xã Thạch Long.
Việc làm ý nghĩa đã động viên, thúc đẩy gia đình bà Ninh nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Mục tiêu của huyện Thạch Hà là từ nay đến cuối năm 2024 là tiếp tục thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định các chính sách về giảm nghèo; đảm bảo người dân tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện điều kiện sống, thụ hưởng các chính sách giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục triển khai và tổ chức giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo kế hoạch đề ra.