Là cán bộ nguồn cho vị trí Phó Giám đốc Trung tâm NCPT Giống cây trồng, anh Quả bỏ viện nghiên cứu để trồng rau sạch. Anh bị gia đình phản đối, có người còn nói thẳng với vợ anh là nên đi tìm thầy cúng về giải. Họ nghĩ chắc vợ chồng anh bị ma nhập.
Đang có một công việc ổn định và nhiều cơ hội thăng tiến ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ cùng một cuộc sống đáng mơ ước tại thành phố biển Quy Nhơn, đôi vợ chồng ấy quyết định từ bỏ tất cả để trở về quê hương Quảng Bình, hiện thực hóa đam mê trồng rau sạch. Họ gọi đó là một bước ngoặt cuộc đời, mà dẫu khó khăn đến mấy cũng không bao giờ dễ dàng từ bỏ.
“Gia đình từng khuyên đi gặp thầy cúng”
Trong câu chuyện của mình, đôi vợ chồng trẻ Lê Đình Quả và Lê Thị Thanh Thủy, ở xã Hải Trạch (Bố Trạch) cứ nhắc mãi những ngày tháng khó khăn họ đã trải qua khi quyết định thay đổi cuộc đời mình.
Đôi vợ chồng thạc sỹ, kỹ sư trồng rau sạch. |
Cách đây chừng nửa năm, khi vợ chồng anh chị có ý tưởng bỏ việc nhà nước, trở về quê xây dựng mô hình trồng rau sạch, phần lớn người thân, bạn bè và đồng nghiệp đều hết mực phản đối. Cứ nghĩ đó chỉ là những ý tưởng thoáng qua trong phút chốc, nên khi anh chị quyết định viết đơn nghỉ việc thật và sửa soạn về quê, những người quen thân đều sốc.
Bất ngờ bởi đôi vợ chồng ấy đang có một cuộc sống mơ ước với một công việc ổn định, một ngôi nhà vững chãi bên bờ biển Quy Nhơn, nhất là khi anh Quả đang là cán bộ nguồn cho vị trí Phó Giám đốc Trung tâm NCPT Giống cây trồng bán khô hạn.
Trước đó, trong chuyến công tác ra Hà Nội, anh Quả ghé quê vợ ở Bố Trạch, rồi cố công tìm hiểu thị trường rau sạch tại đây. Anh nhận ra khi người tiêu dùng vẫn mãi loay hoay trong ma trận thực phẩm bẩn thì rau theo đúng chuẩn Vietgap vẫn còn khá hiếm hoi tại mảnh đất này. Anh quyết tâm lặn lội, tìm mua được một mảnh đất chừng 2,5ha thôn Kéc, xã Hòa Trạch.
Khi mọi sự chuẩn bị đã hòm hòm, vợ chồng anh quyết định rời Quy Nhơn về quê lập nghiệp. Bạn bè, đồng nghiệp tỏ ra ái ngại, có người còn bảo họ khùng, “sướng không muốn lại muốn cực thân”. Gia đình hai bên nội ngoại cũng lắc đầu ngao ngán.
“Nói thật, có người bà con còn nói thẳng với vợ mình là nên đi tìm thầy cúng về giải đi, họ nghĩ chắc vợ chồng mình bị ma nhập mất rồi. Không ai hiểu, để có được quyết định táo bạo đó, vợ chồng mình đã trăn trở rất nhiều”, anh Quả thật thà kể. Một lẽ thường tình, việc đi ngược với số đông thường bị cho là lập dị, khác thường, nhất là tại quê nhà, việc cán bộ nhà nước nghỉ việc về quê trồng rau lại còn quá hiếm hoi.
Thạc sỹ, kỹ sư làm nông
Trở về quê vào tháng 6.2016, hai vợ chồng anh Quả, chị Thủy phải đối diện với một khối lượng công việc khổng lồ và ngồn ngộn những khó khăn. Một người là thạc sỹ, một người là kỹ sư hơn 10 năm chuyên công tác nghiên cứu, giờ phải lao động chân tay như một nông dân thực thụ, quả là một thử thách quá lớn với họ.
Sản phẩm rau mầm sử dụng xơ dừa làm giá thể. |
Cùng một lúc, anh chị vừa thuê máy làm đất, giải phóng mặt bằng, vừa dựng một căn nhà nhỏ, quyết tâm bám trụ lại mảnh đất heo hút này. Vốn liếng cạn dần, họ bắt đầu vay mượn và quyết định đánh cược với bước ngoặt cuộc đời mình. Những ngày đầu cầm cuốc chưa quen, đôi bàn tay chị Thủy phồng rộp, không ít lần chị rơi nước mắt. Anh Quả lại động viên vợ vững tâm, kề vai bước tiếp.
Tận dụng những mối quan hệ quen biết trong quá trình làm việc tại Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, anh chị đi khắp nơi thu thập những giống rau tốt, có thể phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại Quảng Bình. Vậy là sau hai tháng cật lực làm việc, từ làm đất, chọn giống đến gieo hạt, tưới rau... những mầm xanh đầu tiên đã nhú lên ngay trên mảnh đất vốn ngổn ngang đá sỏi. Công việc cứ thế kéo từ ngày này qua ngày khác, vất vả cũng vì thế nhân lên gấp bội. Nhưng đất không phụ công người, một vườn rau sạch rộng lớn đã bắt đầu xanh tốt.
Chị Thủy bảo, đôi khi nghĩ lại, chị không biết mình vì sao có thể bước qua được những ngày tháng đầu ngồn ngộn những khó khăn ấy. Nhiều khi chở rau đi khắp nơi, gặp lại người quen cũ, họ thoáng giật mình khi nhìn chị trong bộ quần áo lao động lấm tấm mồ hôi, phía sau lại chở một xe đầy rau.
“Nhiều khi cũng chạnh lòng, chỉ nửa năm trước thôi, ngày nào cũng xúng xính áo quần đẹp, đến cơ quan ngồi phòng máy lạnh. Giờ lại cặm cụi với công việc chân tay, đến mình còn không kịp nhận ra sự thay đổi của chính mình, huống gì người khác. Phụ nữ mà, quyết tâm nhiều, nhưng đôi khi lại hay tủi thân bởi những tiểu tiết ấy”, chị Thủy cười hiền.
Ngồi ngay cạnh, anh Quả tiếp lời vợ: “Đôi khi mình cũng nghĩ, mình cũng là thạc sỹ hẳn hoi, vợ cũng là kỹ sư nhưng giờ lại toàn lao động chân tay, nghe có vẻ trái khoáy. Nhưng đường mình tự chọn và quyết tâm bám nó thì khó khăn mấy cũng phải vượt qua, nhất là khi làm theo đam mê của mình”.
Vườn rau sạch của anh Quả, chị Thủy. |
Quyết tâm chống thực phẩm bẩn
Đam mê trồng trọt nhưng ý tưởng trồng rau sạch lại xuất hiện khi trong những chuyến công tác, anh chị tận mắt chứng kiến người nông dân trồng rau phun đủ thứ thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc diệt cỏ. Tần suất phun của họ không theo một nguyên tắc nào, cứ thế, một vườn rau không biết phải gánh bao nhiêu thứ hóa chất. Và đương nhiên, những thứ độc hại ấy cũng theo cả vào bữa ăn từng gia đình, ngấm ngầm gieo rắc bệnh tật cho chính cộng đồng. Những điều “mắt thấy, tai nghe” ấy khiến họ ám ảnh, lo sợ và kèm theo đó là quyết tâm làm chủ một vườn rau sạch, ít nhất là cung cấp cho chính gia đình mình.
Điều may mắn là mảnh đất anh chị mua đã lâu năm không sử dụng phân hóa học. Ngay cạnh đó là một mương nước lớn, nhưng vì sợ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật từ đồng ruộng hay chai lọ vứt vào đó, nên đôi vợ chồng trẻ quyết định bỏ ra 20 triệu đào luôn một ao lớn để tận dụng nguồn nước ngầm. Không sử dụng phân bón hóa học, vườn rau của anh chị sử dụng nguồn phân chuồng ngay tại địa phương, ngoài ra còn đặt mua bánh dầu đậu phộng để làm đạm thực vật.
Bằng những kiến thức có được trong những năm công tác tại Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, anh chị đã tìm nhiều phương pháp nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại cho rau như: tự chế chế phẩm từ gừng, ớt và tỏi ngâm rượu; trồng cây dẫn dụ sâu bệnh hay nghiên cứu độ che phủ như thế nào có hiệu quả nhất...
Đến nay, vườn rau sạch của đôi vợ chồng trẻ có đủ loại như rau muống, rau đay, rau mồng tơi, rau dền, rau cải, măng tây... Tất cả đều được bảo đảm sạch từ khâu làm đất, đến khâu chăm bón. Điều khiến những ai đến đây đều cảm thấy thú vị là mô hình trồng rau mầm trong thùng xốp, sử dụng xơ dừa làm giá thể, vừa bảo đảm đủ độ dinh dưỡng cần thiết mà không cần dùng đến những loại thuốc kích thích độc hại.
Chị Thủy bảo, rau sạch thường không tươi tốt, đẹp mắt được như những vườn rau sử dụng hóa chất và cũng luôn phải đối diện với các loại sâu bệnh, năng suất vì thế cũng giảm. Thế nhưng, một khi đã quyết tâm theo đuổi mục tiêu này thì dù bất cứ giá nào cũng kiên quyết không từ bỏ.
Điều khiến anh Quả, chị Thủy cảm thấy ấm lòng là sản phẩm rau sạch của mình đã bắt đầu được sự đón nhận của người tiêu dùng. Nhiều trường mầm non, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện Bố Trạch và các vùng lân cận đã tin tưởng ký hợp đồng dài hạn với vườn rau của đôi vợ chồng trẻ.
Sản phẩm rau sạch mang thương hiệu An Nông của đôi vợ chồng kỹ sư, thạc sỹ cũng đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ chứng nhận tiêu chuẩn Vietgap. “Tương lai, chúng mình sẽ không dừng lại ở việc chỉ cung cấp rau sạch mà sẽ là thịt lợn sạch, cá sạch... Mình tin không riêng gì vợ chồng mình mà sẽ có nhiều bạn trẻ cũng cùng chung chí hướng, cùng chung tay kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn”, anh Quả cười hy vọng.
(Theo báo Quảng Bình)