Nghệ sĩ lồng tiếng Trường Tân (còn có nickname là Đậu Phộng) sinh năm 1987, theo đuổi nghề từ năm 2009. Khi học đại học năm thứ 3 chuyên ngành Quản trị khách sạn, anh thử sức casting công việc lồng tiếng tại kênh HTV3 Đài truyền hình TP.HCM.
Đảm nhận lồng tiếng cho nhân vật Jake Sully trong phim bom tấn Avatar 2 phát hành tại Việt Nam, cái tên Trường Tân được khán giả quan tâm.
Được Disney chọn cho 'Avatar 2' lẫn những phần sau
Trường Tân chia sẻ với VietNamNet, cơ duyên anh tham gia lồng tiếng cho phim Avatar 2 rất đặc biệt.
Khi nhận đề nghị hợp tác từ Disney, hai đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi và Việt Quỳnh nghĩ tới Trường Tân đầu tiên bởi chất giọng "dày, ấm của người đàn ông từng trải".
Sau 3 vòng casting, Trường Tân vượt qua 5 người ứng tuyển khác. Disney nhận định anh là người phù hợp nhất lồng tiếng cho nhân vật Jake Sully của diễn viên Sam Worthington.
Quá trình thu âm vất vả, nhiêu khê. Nếu những phim điện ảnh khác, Trường Tân chỉ thu âm khoảng 7-8 lớp (reel) thoại thì Avatar 2 là 16 lớp. Nhân vật Jake Sully có gần 2.000 dòng thoại, nhiều nhất phim.
Sáu lớp thoại đầu, Trường Tân chật vật thu âm với bản phim thô trắng đen có duy nhất nhân vật của mình trên màn hình. Anh hoàn toàn không biết bối cảnh là gì, có nhân vật nào khác hay bạn diễn của mình là ai.
Đôi lúc, trước mắt anh là màn hình tối đen. Nhờ sự chuẩn bị chu toàn cùng lần vô tình xem lại phim Avatar 1, Trường Tân có thể mò mẫm thu âm.
Disney đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc lồng tiếng. Trường Tân phải thể hiện đúng đồ thị sóng âm của Sam Worthington. Mỗi lớp thoại hoàn thành sẽ được gửi cho Disney thẩm định.
Màu - phần âm thanh ngoài thoại của nhân vật như tiếng lấy hơi, hét, gầm gừ... - khá thách thức Trường Tân. Đôi lúc vì mải quan sát khuôn miệng của Jake Sully, anh quên tạo tiếng lấy hơi như bản gốc, phải thu lại.
Đạo diễn âm thanh Đạt Phi và Việt Quỳnh đề nghị Trường Tân sử dụng cascadeur thu phần màu gào thét, gầm gừ... kéo dài nhưng anh từ chối. "Tôi đã chờ vai này quá lâu nên muốn chơi 'khô máu'", anh kể.
Phần thoại tiếng Navi của các nhân vật trong Avatar 2 đều do các diễn viên lồng tiếng Việt Nam tự thực hiện. Trường Tân và các đồng nghiệp nhận được tài liệu, bản thu hướng dẫn cách phát âm tiếng Navi.
"Áp lực của tôi là thể hiện vai diễn tốt nhất có thể. Những lớp thoại sau có bản phim đẹp, tôi thu dễ hơn. May mắn, Disney đều đánh giá tốt các lớp thoại của tôi, chỉ phải chỉnh sửa vài chỗ", Trường Tân kể.
Trailer 'Avatar 2' bản lồng tiếng
Nghỉ lồng tiếng đi du học rồi bỏ dạy để đi lồng tiếng
Năm 2017, vì cảm thấy cuộc sống đơn điệu và thiếu trải nghiệm, Trường Tân quyết định dừng công việc lồng tiếng để du học thạc sĩ tại trường Blue Mountains International Hotel Management School (Australia) trong 2 năm.
Người xung quanh cho rằng việc Trường Tân gián đoạn công việc ổn định để học một chuyên ngành không liên quan đến lồng tiếng là lãng phí, song anh không nghĩ vậy.
Với Trường Tân, 2 năm du học trước hết làm thay đổi cuộc sống lặp đi lặp lại "đi làm rồi về nhà" của mình. Anh có trải nghiệm sống mới, làm dày vốn sống bản thân - điều vun đắp cho giọng nói của nghệ sĩ có chiều sâu hơn.
Ngoài ra, Trường Tân có thêm bằng cấp và thông thạo tiếng Anh. Khi TP.HCM bùng dịch Covid-19, anh từng dạy trực tuyến môn Chăm sóc khách hàng tại trường cũ là Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM giai đoạn ngắn.
"Tôi nhận rất nhiều giá trị, bài học sau 2 năm du học. Đặc biệt, sau 2 năm ở Australia và không làm công việc lồng tiếng, tôi nhận ra mình rất yêu quê hương và thuộc về nghề này", nghệ sĩ cho hay.
Trở lại công việc sau hơn 2 năm gián đoạn, Trường Tân khá chật vật. Anh may mắn được một số đồng nghiệp giúp đỡ. Ngoài ra, 8X chủ động quảng cáo bản thân trên các nền tảng số.
Trường Tân tại phòng thu.
13 năm trong nghề, cái tên Trường Tân chỉ được khán giả biết đến nhiều khi trở thành diễn viên lồng tiếng cho nhân vật Jake Sully trong bom tấn Avatar 2 phát hành tại Việt Nam.
Trường Tân hiểu rằng đây là thực trạng chung trong nghề. Ngoài một số nghệ sĩ lồng tiếng gạo cội, anh và nhiều đồng nghiệp hầu như "đứng trong bóng tối", thầm lặng cống hiến cho nghề.
"Chúng tôi hay có câu đùa cửa miệng là: Nghệ sĩ lồng tiếng vừa vào nghề đã 'nổi tiếng', tức chỉ nổi phần tiếng chứ không nổi phần hình", nghệ sĩ hóm hỉnh.
Trường Tân tin rằng khi đã chọn nghề lồng tiếng, không ai mưu cầu hào quang, danh vọng. Anh cũng không buồn hay so sánh với những công việc khác dễ thu hút hào quang trong showbiz.
Theo anh, với tình hình phát triển của thị trường giải trí Việt Nam hiện tại, việc các nghệ sĩ lồng tiếng chưa được biết nhiều khá dễ hiểu.
"Khi thị trường giải trí Việt Nam phát triển, nhu cầu của công việc lồng tiếng sẽ tăng lên, chúng tôi sẽ được khán giả biết đến nhiều hơn", nghệ sĩ bày tỏ.
Tôi đồng cảm với Thang Duy
Trường Tân cũng biết nghề lồng tiếng đang chịu nhiều định kiến, ác cảm. Khi phim Avatar 2 thông báo có bản lồng tiếng, anh đã đọc nhiều phản hồi tiêu cực, phản đối từ khán giả.
"Tôi hơi buồn nhưng không trách ai cả. Việc của nghệ sĩ là lồng tiếng là làm tốt nhất công việc của mình ngay cả khi không được ai biết đến", 8X nói.
Với Trường Tân, điều vui nhất là anh đã đưa cha mẹ ra rạp phim sau hơn 10 năm. Bản lồng tiếng giúp nhiều khán giả lớn tuổi, trong đó có cha mẹ anh, thưởng thức bộ phim trọn vẹn.
Anh chia sẻ thêm, phát biểu của diễn viên Thang Duy khi đoạt Ảnh hậu tại Giải thưởng điện ảnh Rồng Xanh của Hàn Quốc truyền cảm hứng cho mình rất nhiều.
Nghệ sĩ lồng tiếng Trường Tân đời thường.
"Giống câu nói của Thang Duy, tôi đã chờ đợi 13 năm để có cơ hội tham gia lồng tiếng cho phim Avatar 2. Khi chăm chỉ làm việc, cống hiến hết mình cho nghề, chúng ta sẽ nhận lại những quả ngọt tương xứng", 8X chia sẻ.
Trường Tân tự hào có thể sống được bằng giọng nói của mình. Theo anh, người theo nghề lồng tiếng nói riêng và giọng đọc nói chung có thể không giàu nhưng đủ sống với đam mê.
Ngoài công việc chính, Trường Tân có thử sức với công việc đạo diễn âm thanh và tham gia đầu tư để ổn định tài chính cá nhân. Anh hiện chưa nghĩ đến việc mở lớp dạy lồng tiếng như đồng nghiệp.
Để giữ giọng nói Trời cho, Trường Tân không hút thuốc hay đồ uống có cồn, sinh hoạt lành mạnh. Thời trẻ, anh từng rất nóng nảy, hay la hét. Theo thời gian, anh điều chỉnh tâm tính để giữ giọng, nhờ đó mà giọng nói thêm sự thâm trầm, điềm đạm.
Đón đọc Bài 2: Hôn nhân viên mãn của 'phù thủy lồng tiếng’ Bích Ngọc và diễn viên Công Hậu