Rạn nhân tạo được hiểu là một cấu trúc đặt dưới nền đáy biển, luôn chìm dưới nước hoặc nhô lên một phần khi triều xuống. Các rạn nhân tạo mô phỏng lại một số chức năng của rạn tự nhiên nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi hoặc tăng cường quần thể của các sinh vật biển cũng như góp phần bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái biển. Rạn nhân tạo hoạt động như một phần của hệ sinh thái tự nhiên.
Cho đến năm 2015, trên 500.000 khối rạn nhân tạo thuộc 3.500 dự án của 48 nước trên thế giới đã được thống kê.
Tuy nhiên, rạn nhân tạo vẫn chưa được áp dụng phổ biến ở Việt Nam. Từ năm 2003 đến nay, tại Việt Nam mới triển khai một số dự án tại: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Cà Mau. Tuy nhiên, hầu hết các dự án có tính thử nghiệm, nghiên cứu.
Ở góc nhìn chuyên môn, bàn về câu chuyện này, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Kỹ thuật biển, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho biết: Các rạn nhân tạo được thiết kế căn cứ theo độ sâu, địa hình, chế độ sóng, dòng chảy và nền đáy, đảm bảo điều kiện ổn định, phù hợp với mục đích của dự án thả rạn.
“Không chỉ có tác dụng làm nơi cư trú cho sinh vật biển, gia tăng đa dạng sinh học, một số dự án đã ứng dụng rạn nhân tạo cho các mục đích khác như gây bồi, tạo bãi, tiêu tán năng lượng sóng, phòng chống xói lở bờ biển”, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, một số dự án rạn nhân tạo phục hồi hệ sinh thái san hô và khu cư trú cho thuỷ sản đã bắt đầu được triển khai ở Việt Nam như: Thử nghiệm trồng phục hồi san hô ở đảo Cô Tô; Phục hồi và quản lý rạn san hô ở Nam vịnh Quy Nhơn; Sử dụng rạn nhân tạo trồng phục hồi san hô và bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản ở Cà Mau; Sử dụng rạn nhân tạo trồng thử nghiệm phục hồi san hô ở Côn Đảo; Xây dựng rạn nhân tạo và trồng phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang (đề tài khoa học cấp tỉnh); Một số đề tài, dự án thử nghiệm khác…
Một trong những dự án lớn nhất, đáng chú ý nhất là Thả rạn nhân tạo phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình. Tại địa phương này, nguồn lợi thủy sản đa dạng đã bị suy giảm sau sự cố ô nhiễm Formosa năm 2016 cùng với các hoạt động khai thác trái phép như tàu giã cào cũng như hoạt động khai thác ven bờ của ngư dân.
Đầu tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 476 về việc đầu tư các dự án: “Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá” và dự án “phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” tại 4 tỉnh miền Trung; thời gian thực hiện trong 3 năm, nhằm mục tiêu phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thuỷ sản và nguồn lợi thuỷ sản tại vùng ven bờ tại 2 xã Ngư Thuỷ và xã Ngư Thuỷ Bắc thuộc huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.
“Đây là dự án có quy mô lớn, 2 khu vực, mỗi khu vực 2km2. Dự án đang trong quá trình thực hiện. Chiều sâu mực nước thả rạn khoảng 20m, phạm vi thả cách bờ 1km. Kết quả tính toán mô phỏng đánh giá hiệu quả cho thấy, các khối rạn nếu xếp thành các lớp ven bờ có thể tăng chiều cao và giảm vận tốc dòng chảy, đây cũng là cơ sở để phòng chống sạt lở bờ biển. Thời gian tới, cần thực hiện nhiều hơn nữa các đề tài nghiên cứu liên quan đến việc kết hợp đa mục tiêu giữa rạn nhân tạo phục hồi thuỷ sản kết hợp với chống sạt lở bờ biển”, ông Tuấn nhận xét.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng lưu ý, rạn nhân tạo nếu áp dụng kết hợp đa mục tiêu sẽ cho hiệu quả tốt theo hướng bền vững. Đây là một tiềm năng cần tiếp tục được khai thác và nhân rộng.
Tuy nhiên, “hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn ứng dụng rạn nhân tạo trong phòng chống sạt lở bờ biển. Vì vậy, đề nghị trong các tiêu chuẩn thiết kế công trình bảo vệ bờ biển cần có mục quy định quy cách thiết kế thả rạn nhân tạo (vật liệu, định mức sản xuất, thi công, đơn giá, kết cấu điển hình..). Mặt khác, cần ban hành các sổ tay hướng dẫn liên quan đến thả các rạn nhân tạo đa mục tiêu”, ông Tuấn khuyến nghị thêm.