(VEF.VN) - Ngay sau khi tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ công bố, Petrolimex lãi tới 780 đồng/lít xăng dầu chưa kể 300 đồng/lít lợi nhuận định mức, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Petrolimex Bùi Ngọc Bảo khẳng định: Tôi hoàn toàn không biết gì về con số này!


Tin liên quan:

Bộ Tài chính kiểm tra giá vốn 4 DN xăng dầu

Clip Bộ trưởng Tài chính hỏi vặn về giá xăng

Hai bộ tranh cãi nảy lửa chuyện giảm giá xăng dầu


Như Diễn đàn kinh tế Việt Nam, báo VietnamNet đã đưa tin, đỉnh điểm của sự tranh cãi nảy lửa tại hội thảo về xăng dầu hôm 20/9 là việc trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã thẳng thắn đưa ra con số lãi lớn của Petrolimex theo tính toán từ số liệu của cơ quan hải quan.
 

Chiều 21/9, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Petrolimex, người bị Bộ trưởng Vương Đình Huệ dồn hỏi về lãi lỗ ngày hôm trước đã có cuộc gặp gỡ với báo chí để nói lại cho rõ thông tin.

Để minh bạch về giá xăng dầu, ông Bảo đã dẫn ra 2 loại giá gồm giá cơ sở, là giá định hướng của cơ quan quản lý theo mẫu công thức như Nghị định 84 qui định, giá vốn là giá tính theo chi phí thực tế dựa trên cơ sở tồn kho cụ thể của doanh nghiệp. Đồng thời, vị TGĐ này cũng so sánh các mức lãi- lỗ theo công thức giá cơ sở và mức lãi- lỗ trên thực tế để thấy sự khác nhau.

Cụ thể, trước thời điểm giảm giá gần đây nhất là 21h ngày 26/8, theo bảng giá cơ sở của Bộ Tài chính thì xăng A92 lãi 122 đồng, dầu diesel 0, 05S lãi 441 đồng/lít. Theo thực tế kinh doanh của Petrolimex, giá vốn đủ để hòa so với giá bán lẻ thì xăng A95 lỗ 58 đồng/lít, xăng A92 lãi 219 đồng/lít, dầu DO 0,05 lãi 540 đồng/lít, DO 0,25 lãi 289 đồng/lít.

Sau khi giảm giá 500 đồng/lít đối với xăng, 300 đồng/lít đối với dầu diesel và giảm 100 đồng/lít mức trích quỹ bình ổn giá ở mặt hàng xăng thì các tính toán giá vốn của Petrolimex cho thấy, xăng A95 của Petrolimex lỗ 412 đồng/lít, xăng A92 lỗ 135 đồng/lít, dầu diesel 0,05S tiếp tục có lãi nhưng giảm so với trước là lãi 267 đồng/lít, dầu diesel 0,25S chỉ còn lãi 17 đồng/lít.

Lãi lỗ tính theo giá tạm tính khai với hải quan sẽ không chính xác

Trả lời các câu hỏi của PV Diễn đàn kinh tế Việt Nam, ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ thêm.

 

Tổng Giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo nói lại cho rõ thông tin lỗ lãi xăng dầu
(ảnh: Phạm Huyền)

 

-Thưa ông, vậy, ông nói gì về con số lãi 780 đồng/lít mà chính Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố sáng 20/9 tại hội thảo về xăng dầu? Trước đó, ông đã được bộ trưởng Tài chính thông báo về con số này chưa?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Tôi  hoàn toàn không biết gì về con số lãi tới 780 đồng/lít như vậy. Nếu hiểu như thế, cộng thêm 300 đồng/lít lợi nhuận định mức thì Petrolimex lãi to, trong khi đó, chúng tôi lại kêu lỗ.

Không có chuyện trước khi giảm giá, Petrolimex lại lãi lớn tới, lại siêu lợi nhuận đến như vậy. Nếu đúng như chúng tôi lãi lớn như thế, tôi sẽ xin giảm hẳn 1000 đồng/lít.

Cũng không có chuyện Tổng công ty báo cáo không đúng tình hình để làm rối quản lý  kinh doanh xăng dầu.

Từ trước tới nay, Tổng công ty luôn thực hiện theo chỉ đạo của Nhà nước, của Liên bộ, của Chính phủ. Chúng tôi nghiêm túc trong việc thông tin, báo cáo, thể hiện trong kết quả kinh doanh của mình đều được kiểm toán.

-Tuy nhiên, bộ trưởng bộ Tài chính có nhấn mạnh, thông tin 780 đồng/lít tiền lãi là dựa trên số liệu giá nhập từ cơ quan hải quan. Ông có ý kiến gì?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Đối với xuất nhập khẩu xăng dầu, theo tập tục quốc tế, tất cả các doanh nghiệp  ngành xăng dầu khi mua hàng thì một tháng sau mới thanh toán tiền. Vì thế, mặt hàng này chịu tác động của tỷ giá rất lớn.

Tại hải quan, có 2 loại giá cần lưu ý. Thứ nhất là giá tạm tính. Khi tàu về đến Việt Nam, chúng tôi phải làm tờ khai hải quan thì chỉ kê khai với hải quan giá tạm tính để hải quan tạm tính số thuế. Một tháng sau, khi thanh toán thực tế, chúng tôi lại kê khai với hải quan lại mức giá thực tế phải trả cho đối tác và hải quan cũng tính lại mức thuế.

Vì thế, nếu lấy giá tạm tính ở hải quan để tính toán thì có thể cho ra kết quả rất khác và đó đương nhiên không phải là giá thực. Trong khi thông thường, giá tạm tính này thường có chênh lệch thấp hơn so với giá thanh toán thực tế, tùy vào từng tình hình thời điểm.

Nhiều người không am hiểu lĩnh vực này thì thấy u u minh minh, nhìn vào giá trị khai hải quan và giá trị thực tế trả người bán hàng lại rất khác nhau, thấy tàu về rồi, hàng bán rồi mà lại chưa biết giá phải trả như thế nào. Nhưng thực tế phương pháp mua bán xăng dầu là như thế.

-Như ông nói, dầu diesel lãi tới 540 đồng/lít. Tại thời điểm đó, Petrolimex có xin giảm giá không?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi không có lần nào xin tăng giá mà cũng không xin giảm giá xăng dầu. Vì lúc này, Tổng công ty và tất cả các đầu mối kinh doanh xăng dầu đều đang hoạt động theo sự điều hành chặt chẽ của Chính phủ và Liên bộ về giá. Nghĩa là, toàn bộ đơn vị xăng dầu hiện nay đang thực hiện nhiệm vụ chính trị. Toàn bộ giá bán đều do cơ quan liên bộ xác định, các doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm thực thi.

Khi hội tụ đủ điều kiện thì mới có cơ hội giảm giá xăng dầu

-Vậy, xin ông nói rõ hơn về thông tin rằng, vì lãi nên ông đã rất đồng ý việc giảm giá khi Bộ trưởng bộ Tài chính hỏi trước khi ban hành quyết định yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá?

Xăng dầu luôn gây nóng dư luận (ảnh: Phạm Huyền)

Ông Bùi Ngọc Bảo: Trong một số cuộc gặp với bộ trưởng bộ Tài chính, tôi có báo cáo hai ý, một là thời điểm hiện nay tương đối tốt cho việc công bố hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84, ý thứ hai là cần có hướng dẫn để xử lý đối với tồn tại lỗ của doanh nghiệp trong suốt từ đầu năm đến thời điểm có công bố kinh doanh xăng dầu chuyển sang đẩy đủ theo Nghị định 84. 

Tôi chỉ có bình luận rằng, bản thân Nghị định 84 đã quy định công thức giá, với xu hướng giá thế giới đang có đi xuống, khi hội tụ đủ điều kiện thì có cơ hội hạ giá là hoàn toàn bình thường. Đến thời điểm này, giá do cơ quan quản lý Nhà nước  xác định, quyết định.

-Vậy, ông nghĩ sao về việc bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp kêu lỗ và đừng dọa nhà nước, nếu cần thì sẽ công bố gian lận?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Tại hội thảo hôm qua, tất cả các doanh nghiệp phát biểu gồm có tôi, có GĐ Xăng dầu Quân đội, có PVoil, không ai than phiền về lỗ, đòi tăng giá hoặc nói rằng không đủ sức nhập khẩu xăng dầu, không đảm bảo nguồn cung cho thị trường cả. Chúng tôi chỉ nói về cơ chế điều hành theo nghị định 84 thôi.

Nhìn chung, thực tế, các doanh nghiệp đầu mối đều phát sinh lỗ với các mức độ rất khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi đều hiểu các mức giá bán hiện nay là nhằm mục tiêu chính là giảm lạm phát và đó là nhiệm vụ số 1 nên không ai kêu ca gì.

-Vậy tại sao khi bị vặn hỏi về tách bạch lỗ từng mặt hàng, ông tỏ ra lúng túng và không công bố ngay các con số giá vốn như trên?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Tôi được mời dự sự kiện đó là một hội thảo khoa học chứ không phải là một cuộc họp. Vì lẽ đó, trước một hội thảo khoa học, chúng tôi có cách chuẩn bị khác, chỉ phát biểu về cơ chế. Còn nếu là cuộc họp bàn về giá xăng dầu với lãnh đạo Bộ thì chúng tôi sẽ phải chuẩn bị thông tin đầy đủ theo cách khác. Vì thế, ngay tại thời điểm được hỏi, tôi không có ngay bảng giá vốn để công bố tại hội thảo.

Năm 2006-2008, chúng tôi có bóc tách hết việc lỗ lãi xăng dầu trên nguyên tắc phân bổ, khi có bù lỗ.

Về kinh doanh, khi mà xăng và dầu đều có chung một chi phí lưu thông định mức chỉ được 600 đồng/lít thì chúng tôi không bóc tách ra. Với giá như thế, sau khi hợp nhất thì ra hạch toán lỗ lãi chung. Về góc độ quản trị thì hoàn toàn bóc tách ra được.

 

Từ 21h ngày 26/8 , xăng A92 giảm 500 đồng/lít, từ 21.300 đồng/lít xuống 20.800 đồng/lít, xăng A95 từ 21.800 đồng/lít còn 21.300 đồng/lít. Dầu diesel giảm 300 đồng/lít, do đó, loại 0,05S từ mức giá bán 21.100 đồng/lít giảm còn 20.800 đồng/lít, dầu diesel 0,25S từ mức giá 21.050 đồng/lít giảm còn 20.750 đồng/lít.

Cụ thể, trước khi giảm giá, theo công thức chung, giá cơ sở xăng A92 cao hơn giá bán lẻ 178 đồng/lít. Tuy nhiên, trong kết cấu tính giá cơ sở đã bao gồm cả khoản 300 đồng lợi nhuận định mức. Vậy, lấy 300 đồng lợi nhuận này trừ đi 178 đồng chênh lệch thì bảng tính chung này cho thấy doanh nghiệp có lãi 122 đồng/lít.

Thực tế tại Petrolimex, giá vốn xăng A92 để hòa vốn là 21.081 đồng/lít, so với giá bán lẻ thì Petrolimex có lãi là 219 đồng/lít.

Đối với xăng A95, giá để hòa vốn của Petrolimex phải là 21.858 đồng/lít. So với giá bán thì Petrolimex lỗ 58 đồng.

Tương tự đối với dầu diesel 0,05, giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ 141 đồng/lít. Cộng 300 đồng lợi nhuận định mức, theo công thức chung, doanh nghiệp lãi 441 đồng.

Tuy nhiên, thực tế mức giá để hòa vốn của Petrolimex chỉ là 20.560 đồng/lít nên Petrolimex lãi 540 đồng/lít.

Đối với DO 0,25, giá vốn của Petrolimex là 20.760 đồng/lít so với giá bán hiện, đơn vị thực tế có lợi nhuận 289 đồng/lít.

Sau khi giảm giá và giảm mức trích Quỹ từ 21h ngày 26/8/2011, giá cơ sở xăng A92 cao hơn giá bán lẻ mới (20.800 đồng/lít) là 568 đồng/lít. Trừ 300 đồng/lít lợi nhuận định mức trong kết cấu giá cơ sở,  theo công thức, doanh nghiệp lỗ 268 đồng/lít.

Tại Petrolimex, giá xăng A92 để hòa vốn phải là 20.935 đồng/lít, Tổng công ty lỗ 135 đồng/lít. Đối với xăng A95, giá để hòa vốn lại là 21.712 đồng/lít trong khi giá bán lẻ mới là 21.300, Petrolimex lỗ 412 đồng/lít.

Đối với dầu diesel 0,05, sau khi giảm 300 đồng giá bán lẻ từ thời điểm trên, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ mới là 131 đồng. Trừ đi 300 đồng lợi nhuận định mức, các doanh nghiệp tiếp tục có lợi nhuận theo công thức là 169 đồng/lít.

Còn thực tế ở Petrolimex, dầu diesel 0,05S có giá bán hòa vốn là 20.533 đồng/lít, so với giá bán 20.800 đồng thì đơn vị tiếp tục có lãi 267 đồng/lít, diesel 0,25S có giá bán hòa vốn phải là 20.733 đồng/lít, so với giá bán là 20.750 đồng/lít, Petrolimex còn có lãi 17 đồng/lít.


  • Phạm Huyền