Ông Nguyễn Hoài Giang -
TGĐ Cty Lọc Hóa dầu Bình Sơn - người trực tiếp chỉ huy xây dựng dự án
trước đây cũng như vận hành nhà máy hiện nay đã có buổi trò chuyện rất
thẳng thắn và cởi mở với báo DĐDN." itemprop="description" />
Ông Nguyễn Hoài Giang -
TGĐ Cty Lọc Hóa dầu Bình Sơn - người trực tiếp chỉ huy xây dựng dự án
trước đây cũng như vận hành nhà máy hiện nay đã có buổi trò chuyện rất
thẳng thắn và cởi mở với báo DĐDN.
Ngày
6/1/2011, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN sẽ khánh thành Nhà máy Lọc dầu
Dung Quất (NMLDDQ). Nhân dịp này, ông Nguyễn Hoài Giang - TGĐ Cty Lọc
Hóa dầu Bình Sơn - người trực tiếp chỉ huy xây dựng dự án trước đây cũng
như vận hành nhà máy hiện nay đã có buổi trò chuyện rất thẳng thắn và
cởi mở với DĐDN xung quanh những vấn đề mà dư luận quan tâm về tính hiệu
quả cũng như quy trình hoạt động của nhà máy.
Ông Nguyễn Hoài Giang
Ông Giang khẳng định: NMLD Dung Quất là dự án lọc dầu đầu tiên của đất
nước và là sở hữu toàn dân, do người dân đóng thuế để xây dựng, nên ông
phải có trách nhiệm giải trình chân thành, trung thực và thẳng thắn nhất
để người dân, dư luận và các cơ quan quản lý có thể hiểu thấu đáo và
chi tiết về bức tranh tổng thể hiện tại của nhà máy, qua đó có những
cách nhìn đúng đắn, thực tế và khách quan hơn về dự án.
- Thưa ông, ngày khánh thành NMLDDQ đã đến. Vậy đến thời điểm này,
việc khắc phục các sự cố và an toàn vận hành nhà máy còn có gì khiến các
ông phải bận tâm hay không?
Tôi cho rằng, bất cứ một sản phẩm nào dù nhỏ hay lớn, khi mới đưa vào sử
dụng cũng đều có những trục trặc nhất định và phải khắc phục trong thời
gian đầu, huống chi NMLDDQ, một dự án có quy mô lớn, trải dài gần 14 km
với công nghệ hiện đại, phức tạp vào bậc nhất Châu Á, chắc chắn cũng
không là ngoại lệ. Trước đây, các dự án như nhà máy Đạm Phú Mỹ, các dự
án của PV Gas hay dàn khoan dầu khí ngoài khơi mặc dù nhỏ hơn rất nhiều
lần, nhưng phải hai đến ba năm sau mới đi vào hoạt động ổn định. Vì vậy,
chúng ta cần phải đối mặt với một thực tế là không thể đi tìm một siêu
nhân nào đó để có thể khắc phục hết các sự cố của NMLDDQ ngay lập tức và
chắc chắn những khó khăn, vướng mắc vẫn sẽ xảy ra trong thời gian đầu,
khi nhà máy mới đi vào khai thác.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây chính là chúng ta nên đánh giá, nhìn
nhận và giải quyết các sự cố đó như thế nào. Hướng mà chúng tôi đang đi
chính là làm chủ công nghệ càng sớm càng tốt, ngăn ngừa sự cố từ xa, kịp
thời khắc phục sự cố một cách chủ động, an toàn, hiệu quả và nhanh
nhất. Có thể khẳng định rằng, đến thời điểm này chúng tôi hoàn toàn có
thể kiểm soát được mọi việc và đang vận hành nhà máy với trạng thái tốt
nhất. Minh chứng rõ nét cho điều này đó là kể từ khi nhận bàn giao vào
cuối tháng 5/2010 đến nay, nhà máy luôn vận hành với 100% công suất
thiết kế, thậm chí hơn một tháng qua, do nhu cầu thị trường nên chúng
tôi đã nâng lên 105% công suất cực đại mà vẫn không hề xảy ra sự cố nào
ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
- Thời gian qua, trên diễn đàn Quốc hội cũng như trong dư luận đã có
nhiều ý kiến nghi ngờ về tính hiệu quả của NMLDDQ. Vậy với tư cách một
người chỉ huy thực hiện dự án trước đây cũng như điều hành dự án hiện
nay, ông có ý kiến thế nào về vấn đề này ?
Trước tiên, tôi xin khẳng định lại rằng: NMLDDQ được đầu tư xây dựng với
mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo thế chủ động năng
lượng trong mọi hoạt động của nền kinh tế.
Còn về hiệu quả của nhà máy lọc dầu, tôi cho rằng bất cứ dự án nào dù
lớn hay nhỏ thì những năm đầu tiên cũng khó có lãi ngay. hơn nữa, từ
trước tới nay dư luận luôn kỳ vọng về một mức lợi nhuận cao do NMLDDQ
đem lại là hoàn toàn chưa xác đáng. Bởi trên thế giới, không có bất cứ
quốc gia nào lại chỉ trông chờ nhiều vào nguồn lợi nhuận do việc đầu tư
xây dựng mỗi nhà máy lọc dầu không thôi. Cái sẽ mang lại lợi nhuận vô
cùng to lớn đó chính là hóa dầu, tức là việc tận dụng sản phẩm đầu ra
của lọc dầu để làm nguyên liệu sản xuất ra những sản phẩm có giá trị
kinh tế cao như: sản phẩm nhựa, các loại sợi nhân tạo, hóa chất, chất
dẫn xuất... Và hiện nay cũng không có quốc gia nào trên thế giới chỉ đầu
tư xây dựng mỗi nhà máy lọc dầu không thôi, mà bao giờ cũng đi kèm cụm
lọc, hóa dầu.
Tại VN, trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng NMLDDQ, chúng tôi đã
song song triển khai thêm nhà máy sản xuất Polypropylen để sản xuất ra
các sản phẩm nhựa tiêu dùng và nhựa dùng trong các ngành CN phụ trợ và
bước đầu đã tạo ra lợi nhuận lớn. Chính điều đó đã dẫn đến kết quả hết
sức thần kỳ là tuy mới đưa vào khai thác nhà máy hơn 6 tháng, nhưng cụm
CN lọc hóa dầu Dung Quất đã có lãi hàng trăm tỷ đồng. Hiện chúng tôi
đang tiếp tục triển khai thêm các nhà máy hóa dầu khác và tôi tin rằng
trong thời gian không xa, đây chính là những “con gà đẻ trứng vàng” cho
cụm CN lọc hóa dầu Dung Quất.
Bên cạnh những hiệu quả trực tiếp do NMLDDQ đã tạo ra thì không thể
không kể đến những lợi thế gián tiếp đã làm thay đổi bộ mặt đời sống, xã
hội của địa phương. Trước khi có NMLDDQ thì Quảng Ngãi không hơn gì một
thị trấn, đời sống người dân cực kỳ khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn.
Nhưng khi nhà máy lọc dầu ra đời, bộ mặt thành phố đã đổi thay từng
ngày. Nhiều trường học, bệnh viện, được mở rộng và nâng cấp, đường sá
được đầu tư xây dựng, khách sạn, nhà hàng, siêu thị đua nhau mọc lên để
phục vụ đời sống người dân... Ngoài ra, sự ra đời của NMLDDQ đã kéo theo
sự xuất hiện nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước
như: nhà máy CN Doosan (Hàn Quốc), cảng nước sâu Gemadept, nhà máy thép
Quảng Liên (Trung Quốc), các dự án của Vinashin và hàng loạt dự án hóa
dầu đã và đang được triển khai... tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc
làm, đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia và tạo nên một bức tranh
kinh tế - xã hội hết sức sống động cho Quảng Ngãi nói riêng và khu vực
miền Trung nói chung.
Nói những điều trên, tôi mong muốn mọi người hãy nhìn nhận khách quan và
tổng thể về những lợi thế mà NMLDDQ đem lại chứ không chỉ nhìn qua
những con số trên sổ sách để đánh giá về hiệu quả nhà máy.
- Vài tháng trước, nhiều người rất lo lắng khi biết tin sản phẩm
xăng dầu của NMLDDQ làm ra bị tồn đọng. Vậy ông có thể cho biết vấn đề
này đã được giải quyết ra sao?
Đúng là vào thời điểm cuối tháng 9/2010, việc tồn đọng sản phẩm của
NMLDDQ là có thật, và nguyên nhân của nó là hết sức khách quan:
Theo kế hoạch, vào cuối tháng 5/2010 NMLDDQ mới được bàn giao và đi vào
hoạt động. Tại thời điểm đó, tất cả những người lạc quan nhất cũng chỉ
dám ước đoán, nếu suôn sẻ, nhà máy sẽ vận hành với 80% công suất thiết
kế. đây cũng là con số chung của các nhà máy lọc dầu khác trên thế giới
khi mới đưa vào vận hành.
Nhưng, ngay tại thời điểm cuối năm 2009, các DN kinh doanh xăng dầu
trong nước đã buộc phải chốt khối lượng với các đối tác cung ứng nước
ngoài. Do phải chủ động nguồn hàng phân phối cả năm nên các DN đã trừ đi
khối lượng sản phẩm của NMLDDQ theo ước tính ban đầu là 80% công suất
và ký với đối tác nước ngoài với khối lượng khá lớn. Tuy nhiên, khi bắt
đầu đi vào hoạt động, do làm chủ công nghệ nên nhà máy đã ngay lập tức
hoạt động hết sức ổn định ở 100% công suất, dẫn đến thừa khoảng 20% công
suất còn lại nên dẫn đến lượng tồn kho tăng.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng đã tác động đến lượng tồn kho lúc bấy giờ
đó là sản phẩm xăng máy bay của NMLDDQ lúc đó tuy đã được các cơ quan
kiểm nghiệm quốc tế và trong nước cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn để
sử dụng, nhưng do đây là mặt hàng hết sức nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp
đến an toàn cho các chuyến bay nên phía Vietnam Arlines và Vinapco buộc
phải thận trọng và tuân thủ nghiêm túc các thủ tục nội bộ nên đã xảy ra
chậm trễ một thời gian ngắn. Và ngay sau đó, do đã đầy đủ các điều kiện
cộng với việc tỷ giá ngoại tệ đang rất bất lợi cho các nhà nhập khẩu nên
các DN kinh doanh xăng dầu đã quay lại mua sản phẩm của chúng tôi. Và
vì thế hiện nay mặc dù đã vận hành với 105% công suất cực đại nhưng
chúng tôi vẫn không đủ sản phẩm để bán.
- Một số ý kiến cho rằng địa điểm đặt nhà máy là chưa hợp lý, tổng
mức đầu tư tăng lên quá cao, và thời gian thực hiện dự án quá dài. Vậy
quan điểm của ông về các vấn đề này như thế nào?
Về địa điểm đặt nhà máy, tôi cho rằng đây là phương án tối ưu bởi ba yếu
tố sau: thứ nhất Dung Quất có cảng biển nước sâu rất thuận tiện cho
việc XNK hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm xăng dầu thường vận chuyển bằng
đường biển. Thứ hai, Dung Quất là một vùng còn khá hoang sơ, dân cư thưa
thớt nên rất thuận lợi cho việc triển khai xây dựng nhà máy với quy mô
lớn và phát triển các khu CN phụ trợ sau này. Và một nguyên nhân vô cùng
ý nghĩa nữa đó là: Quảng Ngãi cũng như miền Trung là một khu vực phát
triển kinh tế còn khá chậm do không có những điều kiện và động lực, nên
việc đặt nhà máy ở đây sẽ có tác dụng vô cùng to lớn trong việc kích
thích kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm và đóng góp vào ngân sách
địa phương, góp phần thay đổi bộ mặt và đời sống người dân nơi đây.
Về vấn đề tổng mức đầu tư tăng cao so với dự toán ban đầu là điều khách
quan và đương nhiên xảy ra bởi để xây dựng một nhà máy quy mô lớn, phức
tạp như NMLDDQ thì chắc chắn thời gian sẽ phải kéo dài trong vài năm.
Hơn nữa đây lại là một dự án công nghệ cao, đầu tiên được thực hiện ở VN
nên thiết bị máy móc đa phần nhập ngoại, nguồn vốn lớn và không chủ
động do phải đi vay với lãi suất cao, và do vậy chúng ta không thể chủ
động được về giá cả nên phải chấp nhận việc trượt giá theo quy luật
chung của thế giới. Tôi cho rằng việc trượt giá đã làm ảnh hưởng chung
đến tất cả các dự án đầu tư trong mọi lĩnh vực chứ không chỉ riêng
NMLDDQ, và đây là nguyên nhân khách quan, buộc chúng ta phải chấp nhận.
Còn về thời gian thực hiện dự án quá dài lên đến gần 10 năm, tôi cho
rằng chúng ta phải thẳng thắn rút kinh nghiệm bởi nguyên nhân của việc
này là do những rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý, các nguồn vốn
đầu tư cho những dự án lớn chúng ta chưa có tiền lệ nên đã có sự bối
rối. Ngay việc ban đầu thiếu vốn đầu tư nên chúng ta buộc phải hợp tác
với Nga, rồi do bất đồng về quan điểm đầu tư chúng ta phải tự chủ động
nên mất thêm 2-3 năm.
Tuy nhiên tôi cũng xin nói rõ đây là một dự án lớn nhất từ trước tới nay
và chưa bao giờ chúng ta thực hiện nên việc có nhiều lúng túng trong
việc triển khai là điều rất dễ hiểu. Chúng ta không nên đổ lỗi cho bất
cứ ai mà nên nhìn kỹ lại quá khứ để rút kinh nghiệm và đừng để nó tái
diễn ở các dự án khác trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông !
******
Bàn giao và đi vào SXKD từ tháng 6/2010, đến nay Nhà máy Lọc dầu
Dung Quất đã chế biến 6,75 triệu tấn sản phẩm, xuất bán 6,66 triệu tấn
xăng dầu các loại và đạt doanh thu 53.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 9. 500
tỷ. Năm 2011, nhà máy sẽ phấn đấu đạt mức doanh thu 74.000 tỷ đồng và
nộp ngân sách 14.500 tỷ đồng.