2019 là năm "trăm hoa đua nở" của mảng payment. GrabPay by Moca song hành cùng Momo, VnPay tại các quầy thanh toán của các quán ăn, cà phê, trà sữa. Viettel Pay đẩy mạnh mảng thanh toán điện, nước, và cũng chen chân vào quầy thanh toán cùng những đối thủ đi trước.
Airpay - ví điện tử của "họ" nhà SEA cũng vừa được tích hợp thanh toán vào app của "người anh em" cùng mẹ Shopee ngày 25/4.
"Chúng tôi luôn ủng hộ cạnh tranh và tin rằng cạnh tranh sẽ tốt cho cả thị trường và người dùng", ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Grab Financial Group Việt Nam - chia sẻ khi được hỏi về các đối thủ của GrabPay by Moca, đặc biệt là Momo - đối thủ ví điện tử "đời đầu" chính thức ra mắt tại Việt Nam từ năm 2014.
"Không quan trọng bạn là người đi trước hay tới sau, bạn là công ty nhỏ hay lớn; quan trọng là sản phẩm, dịch vụ của bạn có đáp ứng đúng nhu cầu thị trường theo chiến lược dài hạn hay không. Về điểm này, chúng tôi tin vào những thế mạnh mà GrabPay by Moca đang có".
* Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những thế mạnh này...
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Grab Financial Group Việt Nam: Thứ nhất, GrabPay by Moca nằm trong hệ sinh thái Grab - một siêu ứng dụng cho cuộc sống hằng ngày của người Việt.
Thứ hai, GrabPay by Moca sở hữu những thế mạnh công nghệ, được kết hợp từ những công nghệ hàng đầu của Grab như máy học, trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng dữ liệu lớn (big data), phân tích dữ liệu (data analytics)... và nền tảng công nghệ của Moca.
Thứ ba, chúng tôi có sự hậu thuẫn từ những nhà đầu tư và công ty tài chính hàng đầu thế giới.
Điều này sẽ giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2019.
Riêng với mảng thanh toán di động, với việc mở rộng GrabPay by Moca ra ngoài lĩnh vực di chuyển, cả khách hàng và đối tác tài xế, kinh doanh của Grab đều có thể thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt một cách liền mạch, minh bạch và an toàn hơn. Đặc biệt, các hộ kinh doanh nhỏ, các hàng quán đường phố... vốn ưa chuộng sử dụng tiền mặt nay có thể tăng hiệu suất và giảm chi phí kinh doanh nhờ không dùng tiền mặt.
Hiện nay, người dùng Grab có thể sử dụng ví GrabPay by Moca để thanh toán cho các chuyến đi Grab, cho đơn hàng GrabFood và GrabExpress, chuyển tiền trong ví cho nhau (P2P), thanh toán tại cửa hàng (P2M), nạp tiền điện thoại di động (Airtime top-up), mua mã thẻ cào điện thoại, thanh toán hóa đơn cho ví GrabPay by Moca...
Trong năm 2019, chúng tôi sẽ kết hợp với các đối tác tài chính giới thiệu một số dịch vụ tài chính dành riêng cho người dùng Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là đưa tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt đến với ngày càng nhiều người dân Việt Nam và giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm, dịch tài chính hơn nữa.
* Độ phủ sóng tính năng thanh toán tại cửa hàng của GrabPay by Moca hiện ở mức nào?
GrabPay by Moca đã triển khai tính năng thanh toán tại cửa hàng từ giữa tháng 1/2019 nhằm mang đến nhiều tiện ích và ưu đãi hơn nữa cho người dùng Grab. Tính đến cuối tháng 3, tính năng này đã có mặt tại gần 1.500 cửa hàng ở các quận trung tâm tại TPHCM và Hà Nội.
Nhờ triển khai hàng loạt tính năng mới và nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, số lượng người dùng Grab sử dụng ví điện tử GrabPay by Moca nói chung và tính năng thanh toán tại cửa hàng nói riêng đang tăng cao.
Theo thống kê, tháng 12/2018 số lượng giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab đã tăng đến hơn 370% so với cùng kỳ năm trước và chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2019.
*Ông nhìn nhận thế nào về thị trường thanh toán trên mobile ở thời điểm hiện tại, khi nhiều ông lớn như Vingroup và Viettel đã có động thái bước chân vào địa hạt này?
Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là nhân tố chủ chốt giúp tăng trưởng nền kinh tế số. Thị trường đang có rất nhiều tiềm năng rộng mở. Đây cũng là một trong những trọng tâm phát triển của Grab tại Việt Nam trong năm 2019 - mang lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt đến với ngày càng nhiều người dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
* Trong mảng thanh toán bằng QR, Grab coi ai là đối thủ?
Thay vì xác định xem đối thủ của mình là ai, chúng tôi tin vào việc tập trung xác định những thách thức của thị trường và phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình để giải quyết tốt nhất những thách thức đó.
Thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào thuyết phục được người dùng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán tại cửa hàng nói riêng.
Chúng tôi tin rằng chỉ cần công nghệ thanh toán có thể đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của khách hàng thì họ sẽ sẵn sàng tin dùng, đặc biệt là cho những giao dịch có giá trị nhỏ trong cuộc sống hằng ngày.
*Có thể nói là Grab đang "đốt tiền" để giành thị phần trong mảng thanh toán. Ông có cho là cách này khá tốn kém không?
Chúng tôi nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam là rất lớn, nhưng đồng thời, làm thế nào để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt là một thách thức không nhỏ.
Thay đổi thói quen rất khó, nhưng không phải không thể làm được. Để làm được điều này, chúng tôi cần hoàn thiện hệ sinh thái để người dùng thấy không dùng tiền mặt rất đơn giản, thuận tiện.
Nhưng tiện thôi chưa đủ, phải thấy lợi hơn họ mới chọn. Phải làm sao để người tiêu dùng thấy, cầm 1.000 đồng tiền mặt không có lợi bằng 1.000 đồng để trong ví GrabPay by Moca vì họ sẽ có thêm nhiều ưu đãi, mỗi giao dịch còn được cộng điểm GrabRewards gấp 3 lần so với tiền mặt. Khi người tiêu dùng nhận ra điều đó, họ sẽ sử dụng ví GrabPay by Moca nhiều hơn. Khi đó, chúng tôi lại mở ra những dịch vụ tài chính tốt hơn để tiếp tục đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Chúng tôi đang liên tục triển khai thêm nhiều tính năng mới, giới thiệu nhiều sản phẩm mới trên ví điện tử GrabPay by Moca để người dùng có thể thanh toán dễ dàng, chi tiêu an toàn và tận hưởng nhiều ưu đãi. Đến nay, khoảng 35% số lượng giao dịch trên nền tảng Grab được thực hiện không dùng tiền mặt, đây là điều rất đáng khích lệ khi có đến hơn 90% giao dịch ở Việt Nam là bằng tiền mặt.
Năm 2014 khi Grab vừa vào Việt Nam, lúc đó rất ít người hiểu đặt xe công nghệ là gì. Giờ đây sau 5 năm, bằng nỗ lực mang đến những dịch vụ di chuyển an toàn, nhanh chóng và đáng tin cậy cho mọi người, chúng tôi đã tạo ra một thói quen di chuyển mới, đưa việc đặt xe công nghệ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Grab đã thay đổi được thói quen đi lại của người dân nên chúng tôi tin rằng với những nỗ lực của mình và đối tác Moca, chúng tôi cũng sẽ góp phần tạo ra thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân trong tương lai gần.
Điều này cũng sẽ góp phần mang đến những lợi ích to lớn cho nền kinh tế, phù hợp với định hướng chính sách của Chính phủ Việt Nam hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt trước năm 2020.
* Xin cảm ơn ông!