Thời con trẻ, mỗi lần Tết đến lại được mẹ may cho quần áo mới. Áo lụa do chính tay người chăn tằm, dệt vải, nhuộm nâu. Mùi vải mới thơm phức quyện với cảm giác lâng lâng bởi sợi tơ tằm còn nguyên lần hồ cọ vào da thịt. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dường như vẫn còn vẹn nguyên trong con cái tâm trạng đặc biệt ấy, hương lụa tơ tằm quyện mùi dâu, mùi phù sa bãi sông, sợi vải thô mà ấm, ấm như lòng mẹ ấp ủ con mỗi bận đông về.

Rồi mẹ nấu những món ăn ngày Tết rất riêng của quê mình, đến bây giờ mùi vị vẫn còn in trong tâm khảm con. Rau cải bẹ mướt xanh xào miến dong thơm nồng mùi lá tỏi. Canh gà nấu miến với nấm meo (mộc nhĩ). Thịt gà xương băm vo viên, kho nước nghệ vàng sóng sánh. Cá chép, cá trắm ao nhà kho nghệ, vị thơm ngon thấm tận chân răng. Thịt lợn nấu đông, nước mỡ sền sệt. Rồi dưa cải, hành tím muối. Và cả món mọc dày công chế biến, thịt thì ít mà gia vị thì nhiều nhưng ăn vào đọng mãi tâm can.

Mẹ là người nội trợ đảm đang, khéo léo. Những món ăn ngày thường cũng như ngày Tết đều do mẹ làm ra, chúng con một bầy sáu bảy đứa chỉ giỏi ăn, giỏi nếm. Nhưng với mẹ, đó là hạnh phúc, đó là tình yêu.

{keywords}
Mẹ của con

Chẳng hay mẹ có ưu ái gì không mà có lần con nhớ mãi, mẹ để dành cho con cả cái đùi gà vàng hươm, thơm nức mũi. Ấy là hồi con còn học cấp 1, hình như là lớp 3 hay lớp 4 gì đó con nhớ không rõ lắm. Con đi dự một kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện tổ chức tại xã Hồng Long cách nhà bốn năm cây số, nơi gần đền Nhạn Tháp, ngôi đền cổ có từ thời Lý.

Chiều hôm đó, xong kỳ thi, một mình con đi bộ dọc kênh thủy lợi 1 về nhà. Kể ra như thế cũng thật to gan đối với một cậu bé 10 tuổi lần đầu tiên xa nhà, tự lập mọi sinh hoạt trong mấy ngày thi thố, không như bây giờ, các cô cậu học sinh lớp 12 rồi mà mỗi khi đi thi, bố mẹ và cả nhà phải tiền hô hậu ủng.

Về đến nhà, cất sách vở, túi quần áo xong, mẹ dắt con ra sau nhà, nơi có những luống cải, su hào đang lên xanh đợi Tết. Mẹ dúi vào tay con một cái đùi gà kho nghệ to tướng, bảo con ăn đi, để dành cho con đấy. Con cầm cái đùi gà trong tay mà lòng rưng rưng. Nhà đông em, sao mẹ chỉ để dành cho con?

Rồi những lúc con trái gió trở trời, bàn tay mẹ như như có phép tiên, làm dịu bớt cái nóng đang hầm hập trên trán, làm lặng đi cơn đau bụng vốn rất phổ biến đối với trẻ nhỏ ở nông thôn thời bấy giờ. Cái món trứng gà lá mơ bác (từ địa phương có nghĩa là chiên, rán) trên lá chuối - bài thuốc dân gian trị các chứng đau bụng, đường ruột - làm mê hoặc lòng con, để bây giờ, mỗi khi nhớ đến lại thấy thèm. Chẳng biết nó có tác dụng y học ra làm sao, nhưng chỉ cần được ăn món trứng gà lá mơ ấy của mẹ là mọi cơn đau bụng, tiêu chảy đều biến mất.

Thời khốn khó, thịt thà là thứ cực hiếm, nhất là thịt heo, thịt bò - những gia súc độc quyền của hợp tác xã dù là dân nuôi. Hiếm hoi lắm hợp tác mới mổ bò, mổ heo, thường là vào dịp lễ Quốc khánh hay Tết Nguyên đán. Con thích lắm món canh thịt bò nấu với cà chua cho thêm ít lá hẹ.

Mùa hè đến, mẹ nấu canh cà, canh rau muống với hến hoặc chắt chắt. Hến, chắt chắt sông Lam ngon, ngọt nổi tiếng trong vùng. Buổi sáng, mặt trời mới lên được nửa đoạn sào, mẹ đã đi chợ Liệu về, bên hông nách một rổ đầy. Trong đó thế nào cũng có bó chè xanh, đùm hến hay chắt chắt kèm chai nước luộc trắng đục và không quên chút quà quê cho mấy anh em, khi thì khúc mía, khi thì con tò he hay mấy cái kẹo văn hoặc vài khoanh sắn chạc. Những đứa con của mẹ không giấu được niềm vui khi cả buổi mong ngóng trước cửa đợi mẹ về chợ.

Với con, mẹ còn là cô giáo với những bài học đầu tiên trong đời là ca dao, tục ngữ, là chuyện cổ tích, là thơ ca. Cha con là cán bộ xã nên thường hay mang báo Nhân dân, Quân đội nhân dân sau mỗi ngày làm việc trở về nhà. Mỗi lần có báo mới, mẹ lại đọc cho con nghe.

Con còn nhớ, hình như năm 1965, con thuộc các bài thơ “Hòn đá to”, “Con cáo và tổ ong” của Bác Hồ nhờ giọng đọc ấm êm của mẹ ngày ấy.

Năm tháng trôi qua. Những đứa con của mẹ lớn dần lên, phổng phao, tồng ngồng. Rồi đến tuổi trưởng thành, mỗi đứa một phương trời. Con là anh cả nhưng lại đi xa nhất, tít tận Tây Nguyên xa xôi. Còn mẹ, sức khỏe mòn mỏi dần theo năm tháng. Bao nhiêu tươi trẻ của tuổi thanh xuân, của thì con gái, mẹ dành hết, san hết cho bảy đứa con. Thế mà mỗi lần về với mẹ, bên người, con vẫn cảm thấy mình trẻ con như ngày nào.

Có lần, trong một chuyến đi dài bằng tàu hỏa từ TP.HCM về quê cùng cậu con thứ đang học đại học kiến trúc năm thứ hai, bỗng dưng cái lưng con trệp xuống, không đứng dậy nổi. Tối hôm ấy, mẹ bảo con nằm sấp giữa tấm chiếu trải trên nền nhà để mẹ lấy dầu xoa bóp cho. Lúc đó, lòng con lâng lâng, như được sống lại một thời mà mỗi khi nhức đầu sổ mũi được mẹ nâng niu, chiều chuộng. Ôi, năm mươi tuổi, đầu hai thứ tóc rồi mà chẳng chịu lớn.

Thế mà, mấy đận mẹ ốm, con chỉ về thăm như chuồn chuồn thắp nước. Cũng còn chút an ủi bởi đôi ba lần được mát xa, đấm lưng, bóp chân cho mẹ. Nhưng chao ôi, nào có bõ bèn gì so với công ơn trời biển mà cả cuộc đời mẹ dành cho chúng con.

Khi còn mẹ, con chưa cảm nhận hết điều thiêng liêng trong tình mẫu tử. Giờ mẹ đi xa rồi, mới thấy, dẫu hối hận bao nhiêu cũng không thể, không thể nữa. Tất cả chỉ còn trong ký ức, trong nỗi nhớ niềm thương. Đó là cách duy nhất để chúng con cảm thấy mẹ luôn bên mình, quanh đâu đây dõi theo từng bước đi trong cuộc sống của đàn con, đàn cháu.

Mùa xuân này, mùa xuân đầu tiên, cái Tết đầu tiên vắng mẹ. Con không còn được gọi điện qua Zalo để mừng tuổi mẹ, để được nghe giọng nói của mẹ, được ngắm nhìn nụ cười nở trên môi như một món quà Tết người dành tặng con cháu.

Nguyễn Duy Xuân

Sau loạt bài "Cha mẹ trong tim tôi", Ban Đời sống sẽ đăng tải các bài viết chủ đề "Thanh xuân của chúng ta". Mời độc giả gửi bài viết phù hợp về email: [email protected]. Toà soạn khuyến khích độc giả gửi kèm ảnh phù hợp. Trân trọng!

 

Những năm gian khổ, cha lo việc nước, mẹ gánh vác việc nhà

Những năm gian khổ, cha lo việc nước, mẹ gánh vác việc nhà

Tài sản vô giá của cha mẹ là bảy giọt máu các cụ sinh ra, nuôi dưỡng, trưởng thành. Những năm khó khăn gian khổ, cha lo gánh vác việc nước, mình mẹ chu toàn việc nhà.