Từ việc làm “hoa tiêu” cho những nhà nghiên cứu, thạc sỹ Lương Văn Dũng dần mê đắm rồi “mắc nợ” hoa trà mi tự lúc nào không biết.


Chấp nhận mọi gian khổ, lao vào cuộc chơi khoa học đầy thử thách, giữa trăm vạt rừng bao la, ông vỡ òa hạnh phúc khi phát hiện những quần thể hoa trà mi tưởng chừng đã tuyệt diệt từ thế kỷ trước. Khát khao bảo tồn, giới thiệu hoa quý ra thế giới, dù công bố hơn 11 loài trà mi, cận ngày lễ Tết, ông vẫn chưa muốn dừng hành trình xuyên rừng kiếm tìm loài hoa tượng trưng cho nét đẹp kiêu hãnh, trinh nguyên.

{keywords}

Những loài trà mi do chính tay thạc sỹ Lương Văn Dũng phát hiện, nghiên cứu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).


Loài hoa của niềm kiêu hãnh Được mệnh danh là “kẻ nghiện trà mi”, mỗi khi có thời gian, thạc sỹ Lương Văn Dũng – Phó chủ nhiệm khoa Sinh học (trường ĐH Đà Lạt) chỉ chuyên tâm vào rong ruổi trong các khu rừng nguyên sinh tìm kiếm loài hoa quý. Bất chấp khó khăn, nguy hiểm chốn rừng thiêng nước độc, ông dành hết đam mê, nhiệt huyết của mình cho loài hoa quý. Tuy nhiên, ít ai hiểu được, sự mê đắm ấy bắt nguồn từ một lần nhận làm người dẫn đường cho các nhà khoa học Nhật Bản đến Lâm Đồng tìm trà mi. Ông nhớ lại: “Đó là năm 2008. Khi ấy, PGS.TS Trần Ninh đang là giảng viên đại học Quốc gia Hà Nội đưa ông Hakoda (Chủ tịch hiệp hội Trà mi Nhật Bản), cùng đoàn khách Nhật đến nhờ tôi hướng dẫn đi tìm hoa trà mi ở vùng rừng núi Lâm Đồng”.

“Đó là một công việc khó khăn, đầy thử thách, vì những tài liệu nghiên cứu về trà mi vô cùng ít ỏi. Ngoài những tài liệu được các nhà khoa học nghiên cứu từ đầu thế kỷ XX, tôi không có thêm bất kỳ thông tin nào khác. Chúng hiếm gặp và ít thông tin, nhiều người đã lầm tưởng hoa trà mi ở Việt Nam đã tuyệt diệt từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, khi được PGS.TS Trần Ninh ngỏ lời, tôi cũng đánh liều nhận giúp đỡ dù rất lo lắng”, thạc sỹ Dũng chia sẻ.

Gói gém những tài liệu nghiên cứu ít ỏi trước đó, ông tư vấn cho đoàn nghiên cứu tìm về vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Tuy nhiên, hành trình vượt đèo dốc, rừng rậm chỉ đem về sự hoang vu, tĩnh mịch. Hành trình đi tìm hoa trà mi không khác gì trò chơi trốn tìm giữa rừng hoang. Tung tích về loài hoa quý, từng nhiều lần xuất hiện trong thơ văn, y học vẫn bặt vô âm tín. Anh kể: “Cứ thế, chúng tôi đi dưới những tán rừng âm u, hoang vắng. Càng đi, càng thấy sự thất vọng hiển hiện. Qua ngày thứ hai, thất vọng, mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt từng người”. Chúng tôi đã lang thang trong rừng rất nhiều ngày của mùa xuân. Và, chính vì thời điểm đó mà chúng tôi đã có nhiều hy vọng”.

{keywords}

Thạc sỹ Lương Văn Dũng trong vườn nhân giống hoa trà mi tại Đà Lạt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).


“Các nhà khoa học Pháp đã nghiên cứu trà mi ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có xuất bản thành sách. Tuy nhiên, thông tin, tài liệu về loài trà mi tại khu vực vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chỉ được lấy mẫu, ép vào tờ báo, kèm theo tấm ảnh đen trắng giao cho bảo tàng. Quá ít ỏi và mờ mịt. Dù vậy, đoàn cũng cố gắng đi thêm ngày thứ ba.

Cuối cùng, trong lúc đoàn rệu rã và thất vọng nhất, chúng tôi bất ngờ phát hiện một quần thể trà mi mặc dù số lượng không nhiều. Người tôi như lặng đi, lòng nhẹ nhõm, cảm giác thăng hoa lạ thường. Trong khi đó, những người trong đoàn, nhà nghiên cứu người Nhật vỗ tay reo hò, mừng vui như vừa phát hiện ra cả một kho báu của tổ tiên.

Tôi quyết mày mò, nghiên cứu, theo dấu chúng khắp những cánh rừng nguyên sinh hoang vu”, ông cho biết thêm. Phát hiện gây tiếng vang toàn cầu Sau ngày đầu chiêm ngưỡng loài hoa tượng trưng cho nét đẹp kiêu hãnh, ông bắt đầu mê đắm trà mi. Càng tìm hiểu, ông càng bị loài hoa này cuốn hút. Những chuỗi hành trình rong ruổi trong rừng ngày xuân, tìm hoa cũng kéo dài thêm. Ông cho biết: “Vạn sự khởi đầu nan. Ban đầu, tôi cũng chỉ mò mẫm, đi theo trực giác, kiểu mò kim đáy bể, dựa vào may mắn.

Tuy nhiên, qua nhiều đợt tìm kiếm, tôi tích góp dần kinh nghiệm, nhận biết khu vực phân bố, sinh sống của trà mi. Khi ấy, việc tìm kiếm mới dễ thở hơn một chút”. Từ những kinh nghiệm đó, ông lăn lóc khắp các vùng rừng núi Lâm Đồng. Những địa danh Đồng Nai Thượng, Đạ Huoai, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, núi Voi đều ghi dấu chân ông. Triền miên trèo đèo lội suối, có những chuyến đi dài ngày khiến ông phải ăn ngủ nơi rừng thiêng nước độc. Có những chuyến đi trong rừng, ông tưởng chừng như không có điểm dừng. Đi ở ngọn núi này, nhìn sang dãy núi kia, thấy sinh cảnh phù hợp với hoa trà mi là tiếp tục đi và tìm.

Cuối cùng, niềm đam mê mà ông tự nhận là cái duyên, cái nợ với loài hoa quý cũng được đáp đền. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông cùng những cộng sự của mình đã tìm ra được 11 loài trà mi trong đó 4 loại trà mi vàng tại Lâm Đồng được chú ý nhiều nhất. Ông cho biết, trong 4 loại trà mi trên có hai loại đặc hữu chỉ có ở Lâm Đồng, là trà mi Đà Lạt (Camellia dalatensis) và trà mi Di Linh (Camellia dilinhensis).

Phát hiện mới này được công bố trên tạp chí khoa học trà mi (International Camellia Joural). Công bố quốc tế này gây tiếng vang trong giới nghiên cứu trà mi trong nước và thế giới. Ông cho biết, đang nuôi mộng trồng trà mi tập trung ở các khu du lịch sinh thái như một đặc sản của địa phương để thu hút khách du lịch.

Những ngày cận Tết, biết tin nhiều loài hoa sẽ trở thành hàng hiếm, đồ trưng Tết, ông cũng băn khoăn nghiên cứu, đưa trà mi góp mặt trong những loài hoa xuân. Ông nhận định: “Ở phía Bắc có loài hoa trà mi tên là hải đường, từ lâu người ta hay chơi trong dịp tết. Trà mi là hoa quý, nét đẹp không thua kém các loài hoa xuân. Chỉ tiếc là mùa hoa trà mi không trùng dịp Tết. Tôi tin, điều này có thể khắc phục được qua việc lai tạo và thuần dưỡng”. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn, những nỗi lo mới đã ập đến.

Ông chia sẻ: “Sau ngày phát hiện, chúng tôi cũng nhận ra rằng, hiện nay, loài hoa quý giá này cũng đối diện nguy cơ tuyệt diệt từ bàn tay con người. Có những lần, chúng tôi thấp thỏm chờ đợi hàng tháng trời, đến khi quay lại thì cả vạt rừng, trong đó có trà mi đã bị vạt trọc để trồng cà phê, ca cao... Những lần như thế, chúng tôi chết lặng vì tiếc nuối. Đáng lo hơn, bây giờ lại xuất hiện thông tin người Trung Quốc thu mua nụ hoa trà mi với giá 1 triệu đồng/kg. Mặc dù chưa trực tiếp chứng kiến và không rõ nguyên nhân, nhưng đây có thể là nguyên nhân khiến loài hoa này đối mặt nguy cơ tuyệt chủng”.

Chung tay đưa trà mi khỏi nguy cơ tuyệt diệt Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Kết – Chủ nhiệm khoa Nông Lâm (trường ĐH Đà Lạt), trà mi là loại hoa quý, không chỉ có ý nghĩa trong nghệ thuật chơi cây cảnh mà còn nhiều tác dụng trong y học. Tuy nhiên, hiện nay, rừng bị phá tan hoang, nguy cơ của loài trà mi đã và đang mất là điều thấy rõ. Vì vậy, thời gian tới, nhóm sẽ nghiên cứu tiếp cận theo hướng phân tích dược tính và các yếu tố bất lợi cho sự phát triển loài trà mi ở Lâm Đồng như tính cạnh tranh về không gian và dinh dưỡng… “Chúng ta phải sớm có sự kết nối chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân để đưa loài trà mi quý hiếm của Lâm Đồng thoát khỏi nguy cơ bị xâm hại và tuyệt diệt”, tiến sỹ Kết nói.

(Theo Đời Sống Pháp Luật)