Bởi vì cứ mỗi năm qua đi, người người nhà nhà lại hân hoan đón Tết như đón một thành viên đi xa lâu ngày gặp lại. Tết về, mang theo không khí muôn đời không sai khác, vẫn cảm xúc ấy, mùi vị ấy, hương thơm ấy, hình thái ấy, những tất bật bộn bề không bao giờ thay đổi.
Trong suốt một năm, chúng ta đã đi qua rất nhiều nơi, dừng chân ở bao nhiêu ngã rẽ, bao buồn vui lớn nhỏ, thất bại hoặc thành công... Nhưng cứ lúc Tết quay lại, chỉ có một nơi duy nhất ta muốn được trở về, để được thả lỏng tâm thái, nhẹ nhõm đắm mình vào, đó là nhà, là nơi có mẹ cha, là nơi chốn chứa chan tình cảm khiến lòng ta chùng xuống với những cảm xúc mềm mại, yên bình.
Tết về rồi Tết lại đi, chỉ để mùa xuân ở lại, tưới tắm tâm hồn ta êm ả, nhu mì. Mỗi cuộc đời bận rộn, chỉ đợi Tết về tích trữ thêm năng lượng, chuẩn bị cho những hành trình mới trong tương lai.
Những ngày giáp Tết ai ai cũng túi bụi với ngàn vạn lý do: Cố hoàn thành công việc đang còn dang dở, sửa soạn sắm sanh, gặp gỡ những người mình trân quý, cùng hẹn hò ăn một bữa tất niên, giải quyết nốt vướng mắc, làm cho xong những việc chưa xong.
Có khi phải hối hả tất bật đến tận những giây cuối cùng của năm cũ, nhưng chỉ cần chuông đồng hồ điểm thời khắc giao thừa, tất cả mọi lo toan bận rộn đều được gác lại. 12h đêm, người người nhà nhà chắp tay trước ban thờ gia tiên cầu nguyện một năm mới bình an, khỏe mạnh, gia đạo thuận hòa, sự nghiệp hanh thông, may mắn mỉm cười...
Tết vừa hiện hữu cụ thể, vừa vương vất xa xôi.
Tại sao là cụ thể? Là vì nhắc đến Tết là nhắc đến tiền, là nói đến chi tiêu. Bất kể giàu nghèo, nhà nào cũng phải mua bằng được cành đào ưng ý, chậu quất, cành hoa tươi, treo lên tường quyển lịch mới, sửa soạn cỗ bàn, dâng lộc gia tiên... Dù bận rộn vất vả cỡ nào, dù có khi mỏi mệt thì vẫn không thể phủ nhận Tết về làm lòng ta xao xuyến vô ngần.
Tại sao nói Tết vương vất, xa xôi? Là bởi vì Tết đẹp nhất khi ta cảm nhận bằng tâm khảm. Cảm nhận Tết từ trong tiềm thức, sẽ nhận ra Tết về mang theo mùi vị rất riêng. Tết có mùi của rộn ràng tấp nập, Tết có mùi của tiết trời xuân giá, Tết có vị của đắm say khó diễn tả thành lời. Mùi của Tết lẩn khuất trong âm thanh của gió, vị ẩm của mưa. Mùi của Tết nằm trong cả sự vui tươi ồn ã của những giai điệu tình ca phát ra từ tiếng loa trong các căn nhà.
Tết có mùi vị ngay cả khi tĩnh lặng nhất, khi mà tận sâu trái tim ta nhận ra mùi, vị, sắc, hương dưới mỗi mái ấm gia đình, có hương thơm của trầm hương, của rau mùi già bắc bếp, mùi của hoa đào, hoa quất hòa quyện trong không gian, len lỏi theo từng bước chân đi. Tết có vị của về nhà, vị của cỏ cây hoa lá, vị của âm thanh già trẻ chúc tụng hân hoan.
Hít một hơi thở sâu, sửa soạn một tâm hồn thanh thản, ta sẽ cảm nhận rất rõ ràng hương vị xưa cũ nhưng đẹp đẽ vô cùng của mùa xuân. Tết về là về trong từng người, về trong từng nhà.
Độc giả: Như Ý Cát Tường
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: [email protected] |