Thói quen dùng tiền lẻ mới để đi lễ, mừng tuổi dịp Tết của nhiều người khiến "thị trường đen" đổi tiền lẻ mới vẫn lén lút nhộn nhịp trong những ngày cuối năm âm lịch.
Không chỉ tại các điểm đổi tiền lẻ cố định, những năm gần đây, thị trường mua bán, trao đổi tiền lẻ trên Internet trở nên lấn lướt các điểm truyền thống như trước cửa phủ Tây Hồ, phố Đinh Lễ (Hà Nội),... Nhiều website được lập ra để cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ mới. Thậm chí, trên các trang mạng xã hội có vô vàn những hội nhóm tập hợp những người cung cấp dịch vụ này, với đủ mức phí khác nhau.
Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, mệnh giá tiền phổ biến được trao đổi là tiền 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng,... Phần lớn là tiền mới 100% còn nguyên cọc, nguyên seri, mức phí đổi tiền cũng vô cùng đang dạng.
“Mức phí từ 30.000-50.000 đồng đổi lấy 1 triệu đồng tiền mới, tuy nhiên chỉ khách thân quen hoặc khách đổi với số lượng lớn từ 10 triệu đồng trở lên mới có thể được tính phí 50.000 đồng/1 triệu”, người phụ nữ tên Kim Lan - một đầu mối đổi tiền tại Hà Nội - cho biết.
Theo người đổi tiền này, nhu cầu tiền lẻ tăng vọt trong khoảng hai tuần trở lại đây, nhưng với “đại lý” như chị thì luôn có đủ nguồn tiền để cung cấp sỉ - lẻ cho khách hàng. Thậm chí, các đầu mối còn đánh cả ô tô đến ngân hàng để chở tiền lẻ về đổi cho khách. Không chỉ tiền VND mệnh giá thấp, ngay cả tiền 2 USD cũng luôn có sẵn. Mỗi mùa Tết, một đầu mối tầm trung có thể kiếm vài trăm triệu lời lãi từ dịch vụ trái phép này.
Tuy nhiên, không ít khách hàng vì sốt sắng đổi tiền lẻ mới đã sập bẫy lừa của các đối tượng trên mạng. Hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là các đối tượng nhận tiền đặt cọc của những người ở xa thông qua chuyển khoản, sau khi nhận được tiền đối tượng lập tức chặn mọi kênh liên lạc và không ship (vận chuyển) tiền lẻ cho khách như đã thoả thuận.
Cách nhiều người vận dụng là nhờ cậy người thân, bạn bè làm việc ở các ngân hàng đổi giúp tiền lẻ mới. Điều này cũng là “ác mộng” đối với cán bộ nhân viên đang làm việc tại các ngân hàng vào mỗi dịp cuối năm.
Chị Thanh Xuân., một nhân viên ngân hàng Vietcombank tại Hà Nội, chia sẻ, những ngày này chị sợ nhất là nhận các cuộc gọi, tin nhắn của họ hàng và bạn bè, bởi hầu hết các cuộc gọi và tin nhắn là nhờ đổi tiền lẻ.
“Nếu đổi cho một vài người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết thì không sao, nhưng có những người bạn vài năm không gặp cũng nhắn tin nhờ vả thì thực sự là rất phiền”, chị Thanh Xuân than thở.
Nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp Tết Nguyên đán. Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước - việc hạn chế in tiền lẻ mới phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng.
Từ năm 2021, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các chi nhánh tuyệt đối không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả nhân viên, cán bộ Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, cơ quan này cũng nghiêm cấm cán bộ Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó,...
Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch có thể bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Các cuộc gọi nhờ đổi tiền lại gây thêm áp lực, làm giảm hiệu quả công việc của nhân viên ngân hàng, khi mỗi dịp Tết cận kề.