- "Giờ đây, nhắc đến Quận
4, người ta nhắc đến những cây cầu. Má tôi đã qua lại biết bao nhiêu lần trên
cầu Calmette, ra chợ Bến Thành bán dạo nuôi con, buổi còn lại đến trường dạy
học..." - bài dự thi của độc giả Trần Thị Minh Ngọc.
Giờ nhắc tới Quận 4, dường như nhiều người đã thôi không còn nhắc nhiều tới
“thành tích lẫy lừng” của khu vực được mệnh danh là Tam giác vàng năm xưa nữa.
Thay vào đó, họ nhắc đến những cây cầu, cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ và nhất
là cầu Calmette.
Cách đây 2 năm, vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Tý, cầu Calmette đã thông xe
hướng vượt kênh Bến Nghé xuống đường Hoàng Diệu (quận 4). Cây cầu này gắn liền
với đa số người dân nơi đây bởi ngày trước, muốn ra khỏi quận 4, ngoài đi đò
sang Trần Xuân Soạn (Q.7), Bến Chương Dương (Q.1) thì chỉ có thể vượt cầu Khánh
Hội hoặc Calmette để ra trung tâm thành phố.
Má tôi đã qua lại biết bao nhiêu lần trên cầu Calmette, ra chợ Bến Thành bán dạo
nuôi con, buổi còn lại đến trường dạy học. Con lớn thêm chút nữa, Má đạp xe đạp
qua cầu mỗi sáng sớm, chở hàng bỏ mối cho người ta. Càng Tết túi hàng sau xe
càng nặng trĩu. Bận rộn là vậy, nhưng đến Tết, Má vẫn chuẩn bị và làm vô số việc
không tên khác để khép lại năm cũ, đón chào năm mới.
Có lần đọc báo điện tử xong, tôi nói với Má: "Ở Trung Quốc, người ta đã bắt đầu
cúng kiếng trên mạng, tảo mộ trên mạng ... rồi đó Má". Má nghiêm mặt: "Dù có bận
rộn gì thì cũng phải giữ lễ nghi bao đời chứ con!". Và như thế, mỗi năm khi ông
Táo về trời, Má lại chuẩn bị nhang đèn hoa quả cho Ba và con đi "dẫy mả" (tảo
mộ).
Hồi tôi còn bé tí, cứ đến đầu tháng Chạp âm lịch, cả nhà lại rộn rịp chuẩn bị
làm bánh mứt Tết. Nào mứt dừa làm từ dừa hái trong sân nhà, nào mứt dẻo, bánh
thuẫn, bánh tét ... Nhịp sống Sài Gòn hối hả, bánh mứt làm hàng năm cũng dần
được thay thế bởi các loại mứt làm sẵn bày bán ngoài chợ hay trong siêu thị. Duy
có bánh tét là cả nhà vẫn tranh thủ một ngày xúm xít lại cùng nhau chuẩn bị, gói
và nấu.
Má ngâm nếp, đãi đậu làm nhân
bánh. Tôi phơi lá chuối, rửa và lau khô, chuẩn bị thêm vài bó dây lạt, dây
nilon. Ba và chị gói bánh. Đến chiều tối, cả nhà chuẩn bị ba chồng gạch làm bếp,
thêm cái nồi nhỏ dùng nấu nước châm trong quá trình luộc bánh. Sau cùng là chất
bánh vào nồi, nổi lửa, luộc bánh suốt đêm.
Ánh lửa nho nhỏ tí tách reo. Vì còn sớm, còn có người trông nên những cành củi
nhỏ được tranh thủ "tiêu thụ". Lửa reo tí tách, lửa nhảy múa sinh động, cũng như
cái thời tuổi trẻ của mỗi người. Đến khi đêm xuống rồi thì cành to, gốc gộc sẽ
được dùng. Lúc ấy bếp mới ấm, mới nồng hơn lúc nào hết. Người trông bếp lửa cũng
vì thế mà có chút thời gian ngẫm nghĩ về một ít quãng đời đã qua, về những bão,
giông, sấm giật, những... tí tách thanh âm cuộc đời, những vầng dương rạng ngời
ở phía bên kia đồi núi...
Nửa đêm về sáng, khi tiết trời se lạnh, tôi thích lùi những củ khoai lang vào
bếp tro, hơ tay quanh bếp than rực hồng giữa tiếng nước sôi rạo rực. Khói ấm bốc
lên từ bếp lửa làm mấy nụ mai nở sớm se mình. Sáng mai ra, bọc vội vài ba củ
khoai còn ấm đi làm, trưa về còn kịp vớt bánh treo lên giàn. Những chiếc bánh
tét chắc nịch, tuy gói không được khéo như bánh bán ngoài chợ, nhưng quan trọng
là bánh ít bị "lại nếp", và có thể để được đến tận Tết nguyên tiêu.
Trời buổi sáng những ngày giáp Tết năm nay không lạnh bằng những ngày đầu tháng
1 dương lịch. Nhưng có một cái lạnh khác đang len lỏi vào lòng... Cái lạnh xộc
vào người dù suốt đêm đã trùm kín chăn và sáng dậy khoác thêm áo len trước khi
rời khỏi giường. Bật cười, tự mắng mình "hư" khi không chịu chầm chậm thong thả
tận hưởng những phút giây bình yên đầu ngày, rồi ... bật khóc ... vì hạnh phúc.
Phải rồi, buổi sáng thức dậy gặp Má than thở "sao con chóng mặt quá", thể nào
cũng bị Má “mắng” cho vài câu, bắt ngồi xuống, xoa đôi bàn tay lạnh ngắt cho ấm
dần lên – là hạnh phúc đó!
Giờ cái lạnh se se ... Mai cũng nở sớm ... Bất giác đọc mấy dòng "Xuân đến sớm
trong sắc mai năm mới", và thấy mùa xuân ấm đang đến, thật gần …
Sài Gòn, 22 tháng Chạp Canh Dần
Trần Thị Minh Ngọc