Chồng là trưởng họ, lại là con trai một, bao nhiêu lễ lạt, giỗ chạp đều đổ lên đầu nàng dâu. Quanh năm suốt tháng tất bật làm đầu bếp bất đắc dĩ, đến Tết cứ tưởng được rảng rang hóa ra vẫn cắm mặt vào bếp!

Cứ nghĩ đến Tết là tôi lại rùng mình, Tết của người ta là đoàn viên, còn Tết với tôi là cực hình, là đi hành xác. Ai bảo tôi quyết lấy chồng là trưởng họ cơ!

Quê gốc nhà tôi không phải Hà Nội nhưng sống ở đây đã 2 đời rồi, còn quê chồng ở vùng chiêm trũng cách thủ đô gần 60 km. Ngày lấy chồng, thấy anh là con trai một, lại có 3 “bà” chị chồng và một tá họ hàng không đếm xuể, mẹ tôi cũng ra sức can ngăn nhưng vì tình yêu tôi vẫn quyết đi theo tiếng gọi của con tim.

{keywords}

Tết đầu tiên về nhà chồng, tôi vừa lo lắng vừa háo hức lắm vì thích quang cảnh yên bình, vườn cây tươi mát ở quê. Về đến nhà, chưa kịp thưởng hoa ngắm cảnh thì đã được mẹ chồng gọi xuống bếp nói chuyện. Dù đã được mẹ dặn dò kỹ lưỡng và chuẩn bị tư tưởng, tôi vẫn không thể tin là Tết đầu tiên mẹ chồng đã trao hết “quyền” cho con dâu mới.

Từ mua sắm, dọn dẹp nhà cửa đến trang trí bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị cỗ bàn, tiền lì xì cho các cháu, nghe mẹ chồng kể mà đầu óc tôi quay cuồng. Bà nhắc lấy một cuốn sổ ra ghi, năm đầu tiên bà dạy, các năm tiếp theo cứ thế mà làm.

Tôi thích nấu nướng nên cũng đã làm quen với công việc bếp núc từ nhỏ. Ấy thế mà cỗ bàn chuẩn bị cho Tết nhà chồng tôi vẫn phải bó tay. Khẩu vị, cách làm khác nhau, và nhiều quá sức tưởng tượng. Tôi về từ hôm 27 Tết thì một ngày quét dọn, 1 ngày mua sắm, 1 ngày trang trí, luôn chân luôn tay, đến đêm 30 vẫn lọ mọ làm gà, ninh măng, chuẩn bị đồ để sáng Mùng 1 tiếp 5 mâm khách.

Đang quen với việc đón giao thừa thảnh thơi bên tivi, đêm 30 mẹ gọi điện vào hỏi thăm, tôi tủi quá nhờ nhà nhớ mẹ khóc thành tiếng luôn. May là chồng nghe thấy xuống dỗ dành, chứ mẹ chồng mà nghe thấy chắc to chuyện. Chuẩn bị xong đồ tiếp khách cũng đã gần giao thừa, mệt quá tôi lăn ra ngủ luôn chả còn thiết xem pháo bông gì nữa.

Mẹ chồng đã dặn trước, sáng Mùng 1 dậy từ 5 giờ sáng vào bếp, 6 giờ cả nhà ăn sáng rồi chờ đón khách. Tôi thì vẫn lụi cụi trong bếp chuẩn bị cỗ. Chồng thấy vợ vất vả cũng xắn tay vào giúp nhưng bị mẹ mắng bắt lên nhà tiếp khách. Ở quê dậy sớm lắm, 7 giờ sáng các cháu trong họ đã sang chúc Tết. Có người sang là tôi được gọi lên nhà, lên nhà còn đau đầu hơn vì nhiệm vụ bây giờ là nhớ mặt nhớ tên nhớ mối quan hệ với từng người một. Bao lì xì phát hơn 100 cái, được cái ở quê mừng ít cũng được, các cụ 50, các cháu 10, 20 là lệ chung rồi.

Đến 9 giờ bắt đầu dọn cỗ, lúc này có mấy cô thanh niên trong họ cùng ra đỡ. Bữa ăn kéo dài từ 9 giờ sáng đến tận 2 giờ chiều, cứ người này ăn xong đi về lại có người khác sang chúc Tết. Vừa rửa bát bữa trưa thì lại chuẩn bị bữa tối, bữa tối ít khách hơn nhưng ăn xong rửa bát cũng phải hơn 7 giờ. Ba ngày Tết từ Mùng 1 đến Mùng 3, hôm nào cũng nấu, sắp mâm, dọn mâm, rửa bát như thế vì nhiều anh em họ hàng ở xa về chúc Tết.

Những ngày sau thì hai vợ chồng đi chào hỏi từng nhà lớn tuổi trong họ. Đến nhà ai cũng giữ lại ăn cơm, lại phải vào bếp phụ bưng bê rửa bát. Công cuộc nấu nướng, bưng bê rửa bát kéo dài đến ngày mùng 6 hai vợ chồng lên xe ra Hà Nội.

Kết thúc cái Tết đầu tiên tôi oải quá, nói với chồng là may cả năm chỉ có một ngày Tết nên em chịu khó cho đẹp mặt chồng vậy. Ai ngờ nhà anh nhiều giỗ chạp thế. Hai vợ chồng ở Hà Nội trung bình mỗi tháng về quê một lần, có tháng đôi ba lần, lúc làm cỗ tại nhà, lúc góp giỗ chỗ này chỗ kia trong họ. Giỗ nào dâu trưởng là tôi đây cũng phải có mặt, cũng phải quán xuyến chuyện bếp núc. May là các giỗ đều có chị chồng và cô bác giúp sức, nhưng tôi là dâu trưởng nên nhiều thứ vẫn phải đến tay.

Vậy mà cũng 4 năm như vậy rồi đấy. Giờ nghe đến Tết là rùng mình, con thì nhỏ, Tết về lại đồ ăn thức uống quanh quẩn trong căn bếp. Mình không trách nhà chồng vì đó là tục lệ của dâu trưởng xưa nay rồi. Chỉ thấy tủi cho phụ nữ chúng mình, không biết có ai đồng cảnh ngộ không.

Độc giả Lê Huyền