Đường phố TP. Hồ Chí Minh trong những ngày Tết nguyên đán Mậu Tý 2008. Ảnh: Internet |
ICTnews - Trong đêm giao thừa, vẫn có tin nhắn gửi đi không đến được với người nhận, các thuê bao di động không liên lạc được với nhau nhưng theo đánh giá chung, tình trạng nghẽn mạng di động đã được cải thiện hơn nhiều so với trước.
Theo quan sát của các phóng viên, cộng tác viên ICTnews từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Tây, Phú Thọ, Nghệ An, Tiền Giang, Đà Lạt, các mạng thông tin di động hầu như đều xảy ra nghẽn mạch vào đêm giao thừa. Thời điểm diễn ra không kéo dài, chỉ khoảng trên dưới 15 phút sau thời điểm chuyển giao năm cũ, năm mới. Ở một số địa phương như Phú Thọ, Đà Lạt, phóng viên phản ánh thuê bao di động Viettel không thể thực hiện được cuộc gọi với thuê bao Vinaphone và Mobifone. Tuy nhiên, có thể thực hiện cuộc gọi tới các thuê bao đó từ điện thoại cố định. Còn tại Thái Nguyên, Hà Nội, Tiền Giang… có tình trạng tin nhắn đi nhưng không đến người nhận.
Khi được hỏi về nghẽn mạng di động trong dịp Tết năm nay, nhiều người cho rằng tình hình đã tốt hơn nhiều so với năm trước và đặc biệt năm 2005. Một phần, họ cho rằng năm nay mình sử dụng điện thoại cố định nhiều, tránh gọi di động vào "giờ cao điểm". Có người cho biết tin nhắn của họ không đến được với người nhận và ngược lại, không nhận được tin nhắn người khác cho mình. Cũng có người thú nhận, nghẽn mạch là một cái cớ để chữa ngượng khi quên, hoặc bỏ sót không gọi điện, gửi tin nhắn chúc mừng năm mới.
Năm mới sung túc hơn
Năm mới sang khi miền Bắc vẫn chưa dứt đợt rét đậm, còn miền Nam tràn ngập nắng. Dù thời tiết có mỗi nơi một khác nhưng lòng người Việt đâu đâu cũng hân hoan đón chào năm mới. Xoá bỏ mọi muộn phiền, gạt lo âu cơm áo thường ngày sang một bên, trong ngày đầu tiên của năm mới, mọi người gặp nhau với nụ cười nở trên môi cùng lời chúc tụng một năm sức khoẻ, an lành, an khang, thịnh vượng.
Tại Hà Nội, ngày mồng Một Tết, từ khoảng 10:30 sáng trở đi, đường phố bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nhưng có vẻ không sợ bị công an bắt gặp. Trong ngày Tết, bận rộn nhất là lái xe taxi. Thật khó mà gọi điện cho hãng taxi nào mà không phải chờ đợi khá lâu hoặc bị từ chối nên tốt nhất là cứ ra đường, gặp xe là đi luôn.
Việc người dân ngày càng sử dụng taxi phổ biến là một trong những dấu hiệu cho thấy có sự chuyển biến từ một xã hội tiết kiệm sang tiêu dùng. Sự chuyển biến này xảy ra khi đời sống thịnh vượng hơn. Thực tế, qua quan sát của các phóng viên và công tác viên ICTnews từ các địa phương, Tết năm nay đến với nhiều gia đình thịnh soạn hơn. Điều này thể hiện qua việc mua sắm cho Tết như hoa, đào, mai, quất, thực phẩm… thiên về thưởng thức, đúng là "ăn ngon, mặc đẹp" hơn là về số lượng.
Đón Tết nhớ quê hương
Nhiều báo địa phương California (Mỹ), bang có đông người Việt Nam sinh sống đều có những bài đăng về Tết nguyên đán. Ngày 30 Tết, báo San Jose Mercury News nhắc lại Tết là ngày lễ quan trọng nhất, phổ biến nhất của người Việt. Đó là thời điểm các gia đình đoàn tụ, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, bỏ qua cho nhau những gì không hợp ý. Với nhiều người Việt Nam xa xứ, đó cũng có nghĩa là dịp trở về. Hơn 100.000 người trở về Việt Nam và nhiều người là từ Mỹ, theo San Jose Mercury News.
San Jose Mercury News viết, trước đây để thực hiện một chuyến trở về không dễ như hiện nay. Đại dương rộng lớn. Mà bệnh nhớ quê nhà là một chứng bệnh nan y. Tuy nhiên, những ngày này, Việt Nam chỉ cách 18 giờ bay từ California và người Việt Nam với người Việt sinh sống tại Mỹ chat với nhau qua mạng, gửi tin nhắn hoặc nói chuyện qua Skype. Những người không trở về Việt Nam đón Tết có thể xem truyền hình Việt Nam phát sóng qua vệ tinh. Tất nhiên, họ cũng đón Tết năm con Chuột ở San Jose. Có một tiết mục thu hút hàng nghìn khán giả cộng với các lễ hội với sự tham dự của các ca sĩ Việt Nam, các điệu múa truyền thống.
Còn tờ Los Angeles Times, ngày 30 Tết đăng một câu chuyện đón Tết của bà Trinh Tuyet Tran để dẫn dắt đến việc đón Tết cổ truyền của người Việt, nỗi nhớ của người Việt về không khí Tết nơi quê nhà.
Bài viết bắt đầu bằng nỗi nhớ quê hương đến khi Trinh Tuyet Tran nhớ lại những cái Tết nguyên đán ở nhà, nơi pháo hoa nổ đùng đoàng và múa lân sư rộn ràng trên đường phố Sài gòn hàng tuần liền. Cha mẹ, chú, dì cô bác hội tụ dưới một mái nhà và toàn cả nước tràn ngập không khí Tết - xua tan những nỗi buồn của quá khứ và chào đón một năm mới đến.
Bà Tran, 52 tuổi, và gia đình nay định cư rải rác khắp miền Nam California nhưng giống như hàng nghìn người Việt Nam khác tại Mỹ, họ vẫn giữ những kỷ niệm và truyền thống của quê hương họ đã ra đi từ hàng thập kỷ.
Tết của gia đình bà Tran có lì xì, bánh chưng và chơi bài. Các thế hệ quây tụ lại với nhau để đón Tết Mậu Tý cùng bạn bè và họ hàng thân quyến. Đoàn tụ ngày Tết cũng là cơ hội để dạy cho trẻ em sinh ra tại Mỹ nhớ rõ một điều chúng là người Việt Nam.
Tran nói Tet sống với bà mãi mãi. Hàng tuần, các gia đình Việt Nam tại Mỹ đã chuẩn bị cho Tết, trang trí nhà với cây quất, cành đào hồng hoặc nhành mai vàng.
Mẹ của bà Tran nói "cả nước Việt Nam tràn ngập không khí Tết. Ở đây, lặng lẽ". Tran nói thêm "Cuộc sống ở đây quá bận rộn. Vì vậy, ở đây, lúc này là thời điểm thư giãn nhiều hơn".
Dù vậy, Tran nói bà vẫn nóng lòng chờ đợi Tết đến.
Hà Lan