Công tử tiệm vàng giàu nhất phố cổ Hà Nội kể chuyện Tết xưa
Trong buổi chiều cuối năm, dù bận rộn với công việc bốc thuốc đông y và chuẩn bị Tết, ông Phạm Ngọc Giao vẫn dành chút ít thời gian rảnh để trò chuyện cùng tôi về "vị" Tết xưa của người giàu Hà Nội.
Ông Giao là con trai thứ 4 trong 8 người con của chủ tiệm vàng "Sư Tử" nổi tiếng nhất nhì phố Hàng Bạc một thời. Bố mẹ ông là vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh - Phạm Thị Tề từng là người nổi tiếng tài giỏi trong giới buôn vàng bạc của miền Bắc.
Đã tròn 80 tuổi nhưng ông vẫn rất minh mẫn, nhớ rõ từng mốc thời gian phát triển của tiệm vàng và những kỷ niệm về ngày Tết xưa cùng những món ăn "đắt đỏ" chỉ những nhà có điều kiện mới dám mua về dùng.
Mâm cơm tất niên với nhiều "sơn hào hải vị"
Năm 1936, từ 2 lạng vàng đi vay, bố mẹ ông Giao đã gây dựng nên 1 tiệm vàng nổi tiếng khắp miền Bắc. Thuở ấy, miền Nam nổi tiếng với tiệm vàng Kim Thành, thì miền Bắc được mọi người biết đến tiệm vàng Sư Tử trên phố hàng Bạc.
Vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh - Phạm Thị Tề, chủ tiệm vàng Sư Tử nổi tiếng nhất nhì Hà Nội một thời. |
Sau 3 năm gây dựng, với tôn chỉ "lấy công làm lãi", tiệm vàng của gia đình ông Giao ngày một thịnh vượng. Nói đến vàng Sư Tử họ nể nhất là vàng chuẩn.
"Trong nhà tôi hồi đó có không biết bao nhiêu vàng, cậu mợ (bố, mẹ) tôi mua liên tiếp 3 căn nhà trong 3 năm. Lần lượt là nhà 22 Hàng Vôi, 45 Hàng Bè và nhà 96 Cầu Gỗ", ông Giao nhớ lại thời kỳ huy hoàng của tiệm vàng.
Ông Giao hồi tưởng về thời "vàng son" của tiệm vàng Sư Tử. |
Đến năm 1945, gia đình ông Giao bán cả 3 căn nhà trên để mua căn biệt thự rộng gần 700m2, được xây theo lối kiến trúc cổ, một mặt thông ra số 6 Đinh Liệt, mặt còn lại thông ra số 115 Hàng Bạc. Ông Giao tiết lộ, năm 1945, căn nhà này được mua với giá hơn 1000 cây vàng.
Gia đình ông Giao với hơn 30 nhân khẩu của 4 thế hệ hiện đang sinh sống trong căn biệt thự này. Đây cũng là ngôi nhà có diện tích rộng nhất con phố sầm uất quanh năm giao thương buôn bán tấp nập ở Hà Nội. Trong buổi chiều cuối năm hối hả, mọi người trong gia đình ông Giao cũng tất bật với công tác chuẩn bị Tết.
Ngôi biệt thự 2 tầng trong khuôn viên rộng gần 700 m2, hiện là nơi sinh sống của hơn 30 nhân khẩu. |
Năm nào cũng vậy, sau Tết ông Công ông Táo, dù bận rộn với công việc buôn bán vàng bạc nhưng cụ Phạm Thị Tề luôn tự tay gói bánh chưng, chuẩn bị một cái Tết tươm tất cho gia đình. Đến năm 90 tuổi, cụ Tề vẫn minh mẫn, gói cả trăm cái bánh chưng cho người nước ngoài xem vào những ngày cận Tết.
Theo ông Giao, ngày xưa người dân Hà Nội gọi là ăn Tết chứ không phải chơi Tết. Trong đó, quan trọng nhất là bữa ăn tất niên, tập hợp tất cả mọi người của cả gia tộc. Bữa ăn này thường tổ chức vào chiều 30 Tết, trước thời khắc giao thừa.
Trong ký ức của một công tử nhà giàu Hà Nội thời xưa, điều đọng lại sâu nhất trong ông Giao là sự cầu kỳ của mâm cơm ngày Tết, với những món ăn ít xuất hiện trong những ngày thường. Vì vậy, ai ai cũng háo hức mong Tết đến.
"Mỗi dịp Tết đến, tôi nhớ nhất món canh bóng tôm bao của mợ (mẹ). Mợ chọn loại tôm nõn, sau đó giã tay, trộn với bột nếp, đúc vào khuôn để tạo thành các hình thù khác nhau rồi cho vào nấm, nước luộc gà nấu lên", ông Giao bồi hồi nhớ lại.
Canh bóng trong các gia đình khác thường sử dụng bì lợn nhưng nhà ông Giao có điều kiện hơn nên sử dụng tôm nõn cùng nhiều nguyên liệu khác, làm nên bát canh bóng đặc biệt, in mãi trong trí nhớ của ông.
Là một trong những "đại gia" Hà Nội thời đó nên mỗi khi Tết đến, trong mâm cơm nhà ông Giao còn có món măng tây được nhập khẩu từ Pháp, thường được bán ở phố Hàng Buồm. Những cây măng đựng trong chiếc hộp vuông và nấu với cua bể, xào với thịt bò ăn 1 lần là nhớ mãi.
Món ăn "đặc biệt" nữa khiến nhiều người trong gia đình ông thích thú vào mỗi dịp năm mới là bún thang. Bún thang nhà ông Giao còn được ăn cùng với cà cuống, bọng tinh dầu cà cuống rất thơm, làm món bún dậy mùi, hấp dẫn.
Mâm cơm Tết của nhà giàu Hà Nội xưa rất cầu kỳ, nhiều món. |
Bên cạnh những món "sơn hào hải vị", mâm cơm ngày Tết nhà ông Giao không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa hành, cá kho, thịt đông… Tất cả đều do mợ ông tự tay làm.
Ngoài những món ăn chính còn có các món chè tráng miệng: Chè kho, chè bà cốt ấm nóng rất hợp với những ngày lạnh của Tết.
Về quê ăn Tết bằng xe ngựa
Thời tiệm vàng Sư Tử "ăn nên làm ra", trong nhà ông Giao lúc nào cũng có 10 gia nhân (giúp việc) làm các công việc bếp núc, chăm sóc trẻ con, phụ giúp công việc buôn bán của cửa tiệm.
Mỗi dịp Tết đến, nhà cửa được sửa sang, trang trí lại bàn thờ, mua sắm quần áo mới cho trẻ con, gia nhân. Ông giao cho biết, năm nào mợ ông cũng sắm cho mỗi gia nhân 1 bộ quần áo mới vì họ ở lại ăn tết cùng gia đình.
"Tết đến, bọn trẻ chúng tôi được mặc áo lương ta, đi giày da, đeo khánh bạc. Chị em tôi có khánh bạc đeo là hãnh diện lắm, vì không phải nhà nào cũng có điều kiện sắm cho con cái để đeo đi chơi Tết", ông Giao nhớ lại.
Năm nào, cả đại gia đình cùng gia nhân cũng đi chùa cầu may, du xuân và chụp ảnh kỷ niệm. Sau đó, vào khoảng mùng 3 Tết, cả gia đình sẽ đi xe ngựa về quê (xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương) để ăn Tết.
Tết năm 1956 của đại gia đình ông Giao. |
Quãng đường về quê chỉ 50km nhưng đi bằng ngựa nên phải vừa đi vừa nghỉ, mất nửa ngày mới về đến nơi. Tất cả gia nhân đều về quê ăn Tết cùng gia đình, cậu mợ ông luôn coi gia nhân như người nhà, thậm chí còn đứng ra tổ chức tiệc cưới cho 1 trong những người đó.
Theo ông Giao, Tết xưa của người Hà Nội lấy đoàn tụ là chính, xa đến đâu cũng phải về đoàn tụ chiều 30 Tết với ý nghĩa rũ bỏ đi tất cả những gì còn đọng lại, vướng víu trong năm cũ.
Ông Giao cho biết thêm, Tết đến, những gia đình có điều kiện thường tặng nhau câu đối. |
Có thể là câu đối bằng giấy, lụa, gỗ, trang trọng hơn là bằng gỗ sơn son thếp vàng. Tặng nhau câu đối với ước mong mang đến sự cân đối, hoàn chỉnh, may mắn và lễ nghĩa trong gia đình.
Dù giàu có nhưng cậu mợ luôn khắt khe trong việc cho con cái tiền bạc. "Tôi luôn biết ơn vì cậu mợ đã không nuông chiều và dạy cho chúng tôi cách chi tiêu, trân quý đồng tiền. Bây giờ tôi áp dụng dạy lại cho con cháu", Ông Giao chia sẻ.
Hàng ngày, ông Giao cùng các con cháu giữ gìn, chăm sóc khuôn viên căn biệt thự cổ, gia tài bố mẹ ông để lại. |
Năm 1958, Nhà nước có chính sách quản lý vàng bạc nên gia đình ông Giao bán lại toàn bộ vàng bạc, ngọc trai cho Nhà nước, rồi mỗi người làm 1 công việc khác. Hiện ông Giao là một thầy thuốc Đông y, hàng ngày vẫn bận rộn với công việc bốc thuốc, thời rảnh rỗi, ông chăm sóc vườn trong khuôn viên ngôi nhà, chơi với con cháu và đi du lịch.
(Theo Dân Trí)