Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định tại buổi họp báo tổng kết ngành ngân hàng năm 2020, định hướng nhiệm vụ 2021 sáng 24/12.
Ông Tú cho hay, năm nay Ngân hàng Nhà nước vẫn siết chặt câu chuyện đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết. Theo đó, Tết Nguyên Đán 2021, chính sách đối với việc in tiền lẻ mới vẫn được áp dụng như các năm trước. Tức là, cơ quan này sẽ không in tiền mới mệnh giá nhỏ vào dịp Tết.
Theo ông Tú, việc hạn chế in tiền lẻ mới dịp Tết Nguyên đán các năm qua đã giúp ngân sách tiết kiệm được hơn 3.500 tỷ đồng. Ông Tú cho rằng, việc người dân đi lễ đền chùa đầu năm không nên đặt nặng vấn đề tiền bạc.
Đây là năm thứ 7, Ngân hàng Nhà nước không chủ trương in tiền lẻ mới dịp Tết |
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành năm 2020, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất, từ 1,5-2,0%/năm.
Đồng thời, do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Ông Tú thông tin, lạm phát năm nay đạt dưới 4%. Việc điều hành thị trường ngoại tệ, giá vàng, lãi suất ổn định.
Trước ý kiến DN cho rằng lãi suất cho vay vẫn cao và trả lời báo giới về khả năng có giảm được nữa không, Phó Thống đốc Tú cho hay việc điều hành lãi suất phụ thuộc vào điều kiện tình hình thực tế của thị trường. Cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định ở mức phù hợp. Trong bối cảnh nền kinh tế ổn định, ngăn chặn được dịch bệnh và kiểm soát được lạm phát ở mức hợp lý, lãi suất thấp sẽ được duy trì.
Để hỗ trợ các DN gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.
Ngoài ra, cho vay mới với lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.
Về tăng trưởng tín dụng, năm nay ngành ngân hàng có mức tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21/12, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019. Ước tính, tín dụng cả năm tăng 11%.
PV