Ngay đầu tháng 3, trong khuôn khổ sự kiện “Ngày đầu tư”, các nhà hoạch định chính sách tới từ Tesla – hãng ô tô điện hàng đầu thế giới hiện nay, đã công bố bản kế hoạch Mast 3, trong đó nêu lên quy trình sản xuất mới của hãng, có thể giúp giảm tới 50% chi phí sản xuất xe so với hiện nay.
Kế hoạch này ngay lập tức được các nhà phân tích đánh giá là “táo bạo” và nếu nó thành hiện thực, có thể giúp cho Tesla bỏ xa mọi đối thủ trong ngành ô tô, bất kể là các ông lớn về ô tô truyền thống hay những tập đoàn khởi nghiệp về ô tô điện.
Ông Adam Jonas – Nhà phân tích ô tô hàng đầu tới từ Ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ Morgan Stanley bình luận: “Chúng tôi nghiêm túc đặt ra câu hỏi làm sao các nhà sản xuất cạnh tranh có thể theo kịp Tesla nếu đây là sự thật”.
Với chi phí sản xuất mỗi xe hiện nay là 39.000 USD, nếu giảm đi 50% chi phí sản xuất, mỗi xe chỉ còn 20.000 USD, thì đây sẽ là một bước “đại nhảy vọt” về giá của Tesla, trực tiếp đưa hãng xe về phân khúc bình dân nhất và cạnh tranh với những mẫu xe điện mới giá rẻ tới từ Trung Quốc.
Trong thời gian vừa qua, giới quan sát đã đánh giá rằng, Tesla chỉ tập trung vào phân khúc xe sang, khiến cho khách hàng có cảm giác rằng xe điện rất đắt đỏ, nhưng đồng thời đã khiến Tesla để mất thị phần xe điện bình dân vào tay những hãng xe điện Trung Quốc, Hàn Quốc hay đối thủ "đồng hương" Chevrolet.
Với bản kế hoạch Mast 3 đầy tham vọng, cho thấy Tesla sẽ không bao giờ bỏ qua phân khúc xe điện bình dân giá rẻ, mà lập tức sử dụng các ưu thế hiện có để gây áp lực cực lớn với các đối thủ tiềm năng.
Theo Tổ chức Morgan Stanley, Tesla đang có sẵn các lợi thế khá lớn trước các nhà sản xuất ô tô truyền thống, gồm 3 lợi thế như sau.
Hiệu quả và quy mô
Tesla giữ cho phạm vi sản phẩm của mình ở mức độ ít và sản xuất từ 1 tới 2 triệu chiếc mỗi năm cho những sản phẩm đó. Trái ngược với những hãng xe hơi truyền thống, vốn duy trì rất nhiều các sản phẩm xe.
Việc tập trung vào số ít mẫu xe cho phép Tesla có thể chế tạo những máy đúc nguyên khối cỡ lớn chuyên dụng (máy đúc Giga), cho phép sản xuất xe đơn giản, giảm giá thành và đồng bộ cao. Trong khi đó, nếu phải sản xuất nhiều mẫu xe song song, hãng xe buộc phải duy trì cơ sở lớn, tốn kém thời gian và nhiều linh kiện, bộ phận cho từng mẫu xe khác nhau, từ đó gây tiêu tốn khá nhiều tiền bạc.
Kế hoạch chi 170 tỷ đô la lần này của Tesla, hoàn toàn được kỳ vọng có thể giúp Tesla có thể công nghiệp hóa dây chuyền sản xuất ô tô của mình như cách mà Henry Ford và sau này là Toyota làm để trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghiệp ô tô thời đại.
Các nhà cung cấp sẽ phải học hỏi
Morgan Stanley cũng đưa ra một góc nhìn thú vị rằng, cho đến nay, ngành công nghiệp ô tô dường như “đã thích thú” với sự phức tạp và cồng kềnh, đồng thời quen với mức độ mua các linh kiện từ bên ngoài với số lượng lớn vốn đang tồn tại. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất xe hơi, thấy rõ nhất khi Covid-19 bùng phát đã ngay lập tức làm đứt gãy các chuỗi cung ứng.
Tesla lại “tư duy ngược” khi chủ trương xóa bỏ các linh kiện không cần thiết, giảm khối lượng công việc và độ phức tạp, đồng thời mang đến nhiều sản phẩm “tự chủ hóa” hơn.
Cũng trong sự kiện "Ngày đầu tư", Tesla đã đưa ra chi tiết về dây dẫn nhỏ hơn, ít chip silicon carbide hơn và việc loại bỏ đất hiếm khỏi động cơ điện, cho thấy họ ngày một táo bạo đi tìm hướng đi mới.
Lợi thế về sản xuất pin
Tesla đã cho thấy những lợi ích đáng kể trong quy trình làm khô các điện cực của mình, qua đó nếu tiếp tục mở rộng, phát triển, thì quy trình này là một yếu tố quan trọng thay đổi hoàn toàn cuộc chơi đối bởi chi phí sản xuất pin hiện vẫn đang khiến giá ô tô điện còn ở mức cao.
Hùng Dũng (theo Thedriven)
Bạn có bình luận thế nào về kế hoạch của Tesla? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!