![]() |
Năm 2010, Tencent đạt doanh thu hơn 3 tỉ USD, trở thành công ty Internet lớn nhất Trung Quốc. |
Kẻ bắt chước
Bạn không thể chưa nghe qua hay không biết chút ít về Tencent - gã khổng lồ của Internet Trung Quốc. Có tới 674 triệu người Trung Quốc thường xuyên sử dụng dịch vụ QQ (phần mềm nhắn tin tức thời trực tuyến) và linh vật chú chim cánh cụt quàng khăn là một trong những hình ảnh quen thuộc nhất trên đất nước hơn 1 tỉ dân này. Với 11.400 nhân viên và hơn 3 tỉ USD doanh thu năm 2010, Tencent trở thành công ty Internet lớn nhất, và cũng bị chỉ trích nhiều nhất tại Trung Quốc.
Tencent được thành lập năm 1998. Hiện nay, cùng với chat và trò chơi, Tencent còn sở hữu đơn vị tiền tệ ảo Q Coins, một cỗ máy tìm kiếm, chợ điện tử, hai mạng xã hội pengyou.com và Qzone – với hơn 500 triệu thành viên. Tencent cũng đang phát triển Tencent Weibo - một dịch vụ giống Twitter đang được 200 triệu người Trung Quốc sử dụng và cạnh tranh với đối thru portalSina.com. Giá trị thương mại của công ty là 48 tỉ USD. Năm ngoái, công ty thu về 1,2 tỉ USD lợi nhuận – phần lớn từ việc bán các hàng hóa ảo như quần áo hay các đề-can đua xe cho phép người trẻ khẳng định mình trên mạng.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Tencent không nhận được nhiều ủng hộ. Các đối thủ, đối tác và các nhà phân tích đều mối quan ngại về vị trí thống trị của Tencent. Sản phẩm của Tencent có bóng dáng của AOL, Yahoo, Facebook, Twitter. Charles Zhang, CEO Sohu.com – đối thủ của Tencent – phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: “Tencent là kẻ bắt chước. Công ty đó không tạo ra bất cứ điều gì”.
“Micro-innovation” – chìa khóa thành công
Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với BusinessWeek, ông chủ của Tencent - Ma Huateng chỉ giải quyết đúng một câu hỏi: Tại sao công ty không đổi mới. Ma cho rằng chiến lược của Tencent cũng như các công ty công nghệ khác tại châu Âu và châu Á, nhằm vào “micro-innovation” – thêm vào các chi tiết nhỏ để tạo thành một dịch vụ phù hợp với vùng miền. Anh phủ nhận ý kiến cho rằng Tencent đã sao chép trực tiếp thành quả của mọi công ty khác.
![]() |
Ông chủ của Tencent |
Sản phẩm ban đầu của Ma là dịch vụ chat ICQ dựa trên nền tảng Unix. AOL đã mua ICQ năm 1998 với giá 407 triệu USD – một con số khá “khủng” thời điểm đó. Được ủng hộ tài chính từ mẹ và sự giúp đỡ từ bạn bè, Ma nghỉ việc và tự mình mở ra dịch vụ nhắn tin riêng cho thị trường Trung Quốc, mang tên OICQ. Thời gian đầu, những người làm việc tại OICQ đều không hề có kinh nghiệm làm việc mà chỉ có ưu điểm duy nhất là “tập trung cao độ”, Paul Hsiao – một thành viên của công ty đầu tư New Enterprise Associates (Sillicon Valley) nhận xét. “Họ có thể giam mình trong phòng và làm việc hàng tiếng đồng hồ để giải quyết rắc rối. Họ luôn sợ một ai khác có thể làm nhanh hơn mình”. Những người sáng lập đã thêm vào các tính năng chat nhóm, hẹn hò trực tuyến và nhiều thứ khác vào phần mềm chat của mình và vượt xa các đối thủ “nhái” như PICQ hay CICQ. Cuối năm 1999, Ma có 100.000 triệu người dùng và bị AOL chú ý, yêu cầu đổi tên doanh nghiệp. Ma lựa chọn tên Tengxun (tin nhắn nước đại) cho thị trường nội địa và Tencent cho trị trường quốc tế, dịch vụ tin nhắn được đổi thành QQ.
Thời gian ban đầu khá khó khăn bởi Thẩm Quyến vốn nối tiếng với lĩnh vực sản xuất chứ không phải phần mềm. Trong “cơn khát” tiền mặt, Ma nhận được 2,2 triệu USD đầu tư từ PCCW – công ty đầu tư của một người con tỉ phú Li Ka-shing và IDG – một trong những công ty phương Tây đầu tư đầu tiên vào Trung Quốc. Năm 2001, Ma lại lâm nguy. Hai doanh nghiệp đầu tư kể trên đồng ý bán cổ phần cho tập đoàn truyền thông Nasper của Nam Phi với 32 triệu USD cho 47% cổ phần Tencent. Khoản đầu tư của Nasper khi ấy tương đương với hơn 16 tỉ USD bây giờ, và là là một trong những món đầu tư tư nhân có giá trị nhất mọi thời đại. Shong (IDG) – người tự an ủi mình vì đã có cổ phần trong Baidu – nói rằng bán cổ phần Tencent là sai sót lớn nhất trong lịch sử sự nghiệp của mình.
Dưới triều đại Naspers, Ma hoàn toàn thoải mái để giải quyết mối đe dọa khác: phiên bản MSN tiếng phổ thông của Microsoft. Ma nói: “Sức ép do MSN tạo ra thực sự lớn. Mọi người nói sớm hay muộn chúng tôi cũng sẽ chết”. Vì thế, Tencent đặt ra mục tiêu thiết lập dịch vụ mà Microsoft – vốn không có sức mạnh riêng biệt từ các kĩ sư địa phương – không thể nào cạnh tranh được.
Một lần nữa, Tencent lại “vay mượn” ý tưởng từ các công ty khác. Đó là mô hình hàng hóa ảo từ mạng xã hội Cyworld của Trung Quốc, cho phép người dùng thể hiện bản thân bằng cách thay đổi hình đại diện. Lãnh đạo Microsoft tại Trung Quốc buộc tội Tencent đã sao chép tính năng từ MSN Messenger. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận đã tính toán sai quy mô thị trường và nguyện vọng của những người dùng Internet trẻ tại Trung Quốc muốn dùng tiền để trang trí ảnh đại diện của mình.
![tencent-game.jpg tencent-game.jpg](https://vnn-imgs-a1.vgcloud.vn/image1.ictnews.vn/6e/70/12/6e70120b5bbe2716bb5c8df1a8116b11_tencent-game.jpg)
Trò chơi trực tuyến – Tham vọng toàn cầu
Tencent quyết định gia nhập thị trường trò chơi một cách nghiêm túc vào năm 2007. Tencent lùng sục thị trường Hàn Quốc tìm kiếm các giấy phép trò chơi mới, cải tạo phù hợp với người Trung Quốc. Tới năm 2008, người dùng phần mềm chat QQ chỉ với một vài thao tác chuột đã có thể chơi các trò chơi phát triển bởi các công ty Hàn Quốc.
Du nhập các trò chơi miễn phí vào thị trường Trung Quốc và liên kết tới phần mềm chat QQ được chứng minh là công thức hủy diệt. Lợi nhuận thu được từ trò chơi đã vượt quá cả NetEase và Shanda, Tencent hiện sở hữu 4/5 trò chơi được ưa thích nhất trong các quán Internet café đại lục.
Steve Gray – người đảm trách bộ phận sản xuất game của Tencent từ năm 2009 thừa nhận phát minh không phải là thế mạnh của công ty. Ông tin sự đổi mới của Tencent theo cách khác: phát hành trò chơi của mình tới số đông khách hàng, mang lại những tính năng khách hàng muốn, và hỗ trợ hàng triệu game thủ trực tuyến cùng một thời điểm.
Benjamin Joffe, nhà tư vấn nghiên cứu thị trường công nghệ châu Á, đặt tên cho hình thức “bắt chước thương mại” này là “chênh lệch cải tiến”. Tencent, cũng như nhiều công ty công nghệ khác, tìm kiếm những thứ từ nước ngoài, thêm vào các yếu tố văn hóa bản địa và biến đổi phù hợp với thị trường địa phương.
Tencent hiện có một đội phát triển game làm việc tại California. Những nhân viên này đang phát triển trò chơi xã hội cho Facebook, phát hành dưới tên Ice Break Games. Tháng 2/2011, Tencent đã bỏ 400 triệu USD mua lại lượng cổ phần lớn của studio trò chơi Riot Games (Los Angeles) và cải tiến game League of Legends cho thị trường Trung Quốc. Đây là những bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng toàn cầu của Tencent bằng kinh doanh trò chơi trực tuyến.
Theo BusinessWeek
Nội dung được đăng trên báo Bưu Điện Việt Nam số 94 ra ngày 8/8/11