Truyền hình OTT xuyên biên giới phải chấp hành quy định quản lý của Việt Nam
Dịch vụ xem phim trực tuyến của "hai ông lớn" Tencent và Baidu đã chính thức mở bán dịch vụ truyền hình OTT có thu phí tại Việt Nam. Cụ thể, Tencent cung cấp hàng chục ngàn bộ phim qua ứng dụng We TV, tương tự Baidu cung cấp dịch vụ iQiYi. Trước đó, Netflix, iFlix, Apple TV cũng xâm nhập thị trường Việt Nam. Các ứng dụng này bán dịch vụ cho người dùng Việt Nam và thu phí bằng tiền Việt Nam. Sắp tới, Disney+ và Amazon có thể cũng sẽ bán dịch vụ truyền hình OTT tại thị trường Việt Nam.
Thực tế này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khai thác dịch vụ tại Việt Nam có hợp pháp hay không?
Hiện nay, các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (dịch vụ có thu phí) ở Việt Nam đang được quản lý theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP. Theo Nghị định 06, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình phải đảm bảo các điều kiện sau: Phải là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đồng thời phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Các chương trình, nội dung nước ngoài trước khi cung cấp cho người dùng phải tuân thủ quy định về biên tập, biên dịch và quản lý nội dung theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, phải được một đơn vị được nhà nước chỉ định thực hiện biên tập, biên dịch trước khi cung cấp cho người dùng Việt Nam. Tuy nhiên, trong Nghị định 06 chưa có quy định cụ thể điều chỉnh đối với các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam (dịch vụ OTT).
Bộ TT&TT đang tiến hành sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình, trong đó sẽ bổ sung thêm các quy định về quản lý dịch vụ nội dung cung cấp trên Internet, trên di động, nội dung cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Dự thảo sửa đổi đang được trình Chính phủ xem xét ban hành.
Theo một nguồn tin riêng của ICTnews từ Bộ TT&TT, dù quy định quản lý dịch vụ OTT chưa chính thức được ban hành, nhưng trên thực tế thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có thể cung cấp dịch vụ một cách hợp pháp vào Việt Nam theo thông qua hai hình thức.
Thứ nhất, các đơn vị nước ngoài có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, trường hợp này doanh nghiệp nước ngoài chỉ được phép liên doanh với một đơn vị trong nước để thành lập doanh nghiệp và số vốn nước ngoài sở hữu tối đa 49% tại liên doanh. Việc thành lập liên doanh cung cấp truyền hình có vốn đầu tư nước ngoài phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp này tương tự như Canal+ (của Pháp) liên doanh với VTV để thành lập Công ty VSTV cung cấp dịch vụ truyền hình K+ tại Việt Nam trong 10 năm qua.
Trường hợp thứ hai, doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác với một doanh nghiệp truyền hình của Việt Nam để bán gói dịch vụ trên nền tảng trực tuyến, giống như gói HBO GO mà HBO đang phân phối trên dịch vụ truyền hình của FPT Play. FPT sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện biên tập, biên dịch các nội dung trên HBO GO khi cung cấp gói dịch vụ này.
“Những đơn vị nào bán dịch vụ tại Việt Nam mà không đảm bảo các điều kiện trên đều là cung cấp dịch vụ bất hợp pháp”, nguồn tin này cho hay.
Dịch vụ xem phim trực truyến We TV (của Tencent) đang khai thác thị trường truyền hình OTT của Việt Nam. |
Ngành nội dung số Việt Nam trước nguy cơ bị "xâm chiếm" bởi các ông lớn OTT nước ngoài
Việc các nền tảng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến xuyên biên giới vào Việt Nam như Netflix, iFlix, Apple TV, Tencent, Baidu, sắp tới có thể là Disney+, Amazon, cho thấy Việt Nam là một thị trường béo bở để khai thác dịch vụ giải trí trực tuyến. Dịch vụ OTT có lợi thế là có thể cung cấp dịch vụ mà không cần phải triển khai hạ tầng (khác với dịch vụ truyền hình cáp, vệ tinh hay IPTV đơn vị cung cấp dịch vụ phải đầu tư hạ tầng truyền dẫn), do đó các ông lớn công nghệ giải trí hàng đầu thế giới có thể nhanh chóng cung cấp dịch vụ toàn cầu trên nền tảng Internet mà không có một rào cản nào về mặt công nghệ, cũng như pháp lý.
Sự bành trướng của ngành Over-The-Top Television (OTT truyền hình) trên toàn thế giới sẽ đẩy các doanh nghiệp OTT truyền hình trong nước phải đối mặt với nguy cơ bị mất thị trường ngay trên sân nhà. Ngành truyền hình sẽ rơi vào tình cảnh tương tự như các ngành game online khi mà các nhà phát hành game xuyên biên giới đã phát hành game cho người chơi Việt Nam trên hai App Store và Google Store mà không bị quản lý.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, ông Trần Văn Úy đã lên tiếng đề nghị nhà nước phải có chính sách quản lý bình đẳng giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trong nước, với các OTT của nước ngoài, tránh tình trạng “bảo hộ ngược” cho doanh nghiệp nước ngoài.
Một bộ phim nước ngoài có bản quyền được người dùng mua trên nền tảng truyền hình trực tuyến của doanh nghiệp Việt Nam đang chịu 3 loại thuế: Thuế bản quyền 10%, thuế giá trị gia tăng 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 20%. Do vậy, chi phí cho thuế để duy trì nền tảng là áp lực rất lớn, nhưng áp lực này lại chỉ dành cho doanh nghiệp OTT nội. Còn các doanh nghiệp nước ngoài như Netflix, iFlix, Apple TV, Tencent và Baidu thì không phải chấp hành nghĩa vụ về thuế, không phải xin giấy phép hay chịu sự quản lý nội dung khi khai thác thị trường Việt Nam.