Ngồi rỗi lật xem lại Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam nhất thống toàn đồ mới thấy nước Nam ta thời vua Minh Mạng rộng lớn thật. Đất nước rộng lớn, để đảm bảo phát triển thì phải có chính sách quản trị tốt nhất. Muốn quản trị tốt nhất thì phải có nền hành chính tốt nhất. Vua Minh Mạng đã thực hiện công cuộc cải cách hành chính năm 1831. Người đời sau đánh giá đó là một trong hai cuộc cải cách hành chính tốt nhất trong lịch sử Việt Nam. Cuộc cải cách lần thứ nhất là của vua Lê Thánh Tông năm 1466. 

Trong cải cách, sau việc sắp xếp tổ chức lại chính quyền ở Trung ương, vua Minh Mạng đã sắp xếp lại chính quyền địa phương. Cả nước được chia làm 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên để quản lý vùng kinh đô. Bắc Kỳ có 13 tỉnh, Trung Kỳ 11 tỉnh và một phủ, Nam Kỳ 6 tỉnh. Đơn vị hành chính cấp tỉnh ở ta có từ ngày đó. 

W-laocaingaynay.jpg
Lào Cai ngày nay. Ảnh: Hoàng Hà

Năm 1858 người Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta. Từ ngày đó, người Pháp đã ép triều Nguyễn phải lần lượt ký nhiều hiệp ước bán dần nước ta cho Pháp. Cuối cùng là Hiệp ước Patenôtre 1884. Theo các hiệp ước, Nam Kỳ là thuộc địa, Bắc Kỳ là đất bảo hộ, Trung Kỳ là đất tự trị. 

Sáu tỉnh Nam Kỳ đã được người Pháp chia nhỏ thành các tỉnh theo quy định của người Pháp.

Đất Trung Kỳ là vùng đất tự trị nên người Pháp không can thiệp nhiều. Các tỉnh cơ bản giữ nguyên, chỉ cắt nhiều phần đất của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị sang nước khác theo nghị định hoạch định biên giới 3 nước của Toàn quyền Đông Dương và chuyển phủ Ninh Thuận của tỉnh Bình Thuận thành tỉnh Ninh Thuận.

Đất Bắc Kỳ bị xáo trộn nhiều nhất. Đây là vùng đất có nhiều cuộc nổi dậy của tất cả dân tộc chống lại thực dân Pháp, cả của người Kinh và người miền núi, như các cuộc nổi dậy của Hoàng Hoa Thám, Đốc Ngữ, Đốc Tít... Cho nên buổi đầu người Pháp dùng chính quyền quân sự để cai trị, lập ra 5 đạo quan binh. Sau khi đã bình định được phong trào chống đối, họ bắt đầu chia lại tỉnh.

Bằng chính sách “chia để trị”, họ chia nhỏ Bắc Kỳ 13 tỉnh thành hơn 30 tỉnh. Có lúc cụ Nguyễn Khuyến đã tính có đến 36 tỉnh thể hiện trong một vế đối mừng bà me Tây Tư Hồng: “Có tàn, có tán, có hương án thờ vua; danh tiếng lẫy lừng 36 tỉnh”. Cụ muốn nói lên sự nổi tiếng trên toàn đất Bắc Kỳ của bà me Tây lúc đó. 

Bắc Kỳ chia ra trên 30 tỉnh gần như cùng thời thì không khỏi bất cập, áp đặt và tuỳ tiện khi đặt tên. Thời đó có những tên tỉnh nghe rất buồn cười, sau đó đã phải sửa lại, nhưng cũng có những cái tên vẫn dùng cho tới ngày nay. Người Pháp thời đó có cách đặt tên theo nơi đóng dinh của quan cai trị đầu tỉnh.

Năm 1896, khi nội thành Hà Nội và vùng phụ cận trở thành nhượng địa của Pháp, người Pháp quyết định chuyển các cơ quan cai trị của phần còn lại của tỉnh Hà Nội cũ về làng Đơ thuộc huyện Thanh Oai. Làng này có cây cầu bắc qua sông Nhuệ lợp ngói rất đẹp. Mọi người gọi là cầu Đơ. Tỉnh đường đóng ở bên cạnh cầu Đơ nên người Pháp đặt tên cho vùng đất còn lại của tỉnh Hà Nội xưa là tỉnh Cầu Đơ! Sau này quan Tổng đốc cai trị tỉnh Cầu Đơ là người có học mới xin đổi lại là tỉnh Hà Đông!

Tên của tỉnh Hoà Bình xưa nghe cũng vui. Người Pháp thấy tỉnh Hưng Hoá quá rộng lớn, phải chia nhỏ tỉnh. Họ khảo sát thấy có nhiều huyện của tỉnh là vùng đất đa phần là người Mường, bên Lạc Sơn, Lạc Thủy của tỉnh Ninh Bình cũng là vùng đất người Mường. Họ quyết định gộp các vùng đất này lại lập một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Mường.

Sau đó, tỉnh đường đóng ở chợ Bờ, để thống nhất với cách đặt tên chung, tỉnh đổi tên là tỉnh Chợ Bờ. Tỉnh lỵ đón Pháp. Chính quyền Pháp phải di chuyển tỉnh đường về xuôi, là xã Hoà Bình cách đó khoảng 30km. Tên Hoà Bình có từ đó. Cũng may Hoà Bình là một cái tên đẹp nên không bị đổi! 

Tên của tỉnh Lào Cai cũng là chuyện nhiều người bàn. Đến bây giờ có người thì nói Lào Cai, người thì gọi Lao Cai, có người lại nói là Lào Kay hoặc Lao Kay. Nguyên nhân cũng vì nguồn gốc cái tên của nó!

Tỉnh Lào Cai thời Pháp là một phần phủ Quy Hoá và phủ An Tây tỉnh Hưng Hoá thời Minh Mạng. Người Pháp thấy đây là vùng đất trọng yếu nên lập nên một đạo quan binh, trải dài dọc biên giới từ Simacai đến Phong Thổ. Sau khi tình hình ổn định thì dân sự hoá, đổi gọi là tỉnh Lao Cai (Lào Cai, Lao Kay, Lào Kay). 

cauCocleu LaoCai.jpg
 Cầu Cốc Lếu Lào Cai xưa. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Lào Cai

Tên đó xuất phát từ một xóm phố do người Hoa xâm cư lập nên bên ngã ba sông Hồng với suối Nậm Thi trong lãnh thổ Đại Việt. Ít lâu sau, một số người Việt, người Tày, người Nùng cũng di cư đến và lập nên một khu chợ buôn bán ở phía hạ lưu sông Hồng cách đó vài kilomet. 

Dân ở xóm phố bên ngã ba Nậm Thi phần lớn nói tiếng Quan Hỏa, vỗ ngực tự xưng mình là dân phố đến trước, nói mình là lão nhai (theo nghĩa Hán Việt là dân phố cũ), dân phố lập sau là tân nhai, dân phố mới, từ đó có tên Phố Mới ngày nay. Chữ lão nhai nói theo tiếng Quan Hỏa, tiếng Tày Nùng, tiếng Mông thành ra Lao Cai và các biến thể như trên. 

Khi lập đạo quan binh và chuyển thành tỉnh, lỵ sở (trung tâm hành chính) của tỉnh đóng ở xóm phố cũ. Vì thế, tên tỉnh cũng gọi theo tên xóm phố cũ, tỉnh Lao Cai (Lào Cai, Lào Kay, Lao Kay, Lão Nhai). Tên đó đã được dùng để gọi cho cả một vùng biên cương rộng lớn vốn xưa cha ông ta đã có những cái tên gọi rất đẹp và rất ý nghĩa. Nó chỉ xứng để đặt tên cho một khu phố hoặc thị trấn, thị xã. Thật là một cách đặt tên rất áp đặt, tuỳ tiện và hồ đồ của người Pháp. 

Cách đặt tên đó cũng được người Pháp áp dụng cho nhiều tỉnh thành khác ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ xưa! Có nhiều tên nay vẫn được dùng.

Nhà nước ta đang thực hiện một công cuộc cải cách hành chính thật sự to lớn để mở ra cho Việt Nam một kỷ nguyên mới, một thời kỳ phát triển mới của dân tộc. 

Mong rằng lịch sử sẽ ghi nhận đây là cuộc cải cách hành chính thứ 3 thành công ở Việt Nam.

Mong rằng tên của một tỉnh mới sẽ kế thừa truyền thống dân tộc, kế thừa di sản tổ tiên, loại bỏ những tàn tích không phù hợp của thời kỳ thực dân, thể hiện khí thế đi lên của kỷ nguyên mới!

Mong chờ một kỷ nguyên mới!

Sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp xã: Nghe dân nói

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cơ bản thống nhất chủ trương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, dự kiến cả nước sẽ thực hiện sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện và tiếp tục sáp nhập cấp xã.

Đây là một chủ trương hệ trọng, tác động sâu rộng đến toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hàng triệu người dân trên cả nước. VietNamNet mở diễn đàn: “Sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp xã: Nghe dân nói” nhằm thu hút ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân trong cả nước, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện chủ trương này.

Các ý kiến góp ý, hiến kế trực tiếp comment vào phần bình luận phía dưới hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ mail: [email protected]. Những bài phân tích sâu, tập trung vào giải pháp sẽ được trích đăng riêng.

Trân trọng cảm ơn!