Jonathan McDowell, nhà thiên văn học thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) cho rằng Long March 5B có thể đã rơi xuống Trái Đất và bị phá hủy. Theo SpaceTrack, tên lửa sẽ đi qua Nam Thái Bình Dương vào lúc 8h30 9/5 (giờ Việt Nam) nếu vẫn tồn tại.
Theo Independent, ngay cả khi rơi xuống Trái Đất, phần lớn mảnh vỡ của Long March 5B có thể không được nhìn thấy, hoặc sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm. Nếu tên lửa bị thiêu cháy hoàn toàn trên tầng khí quyển, nó sẽ không bao giờ được tìm thấy.
Tên lửa Long March 5B dự kiến đáp xuống Trái Đất vào sáng nay. Ảnh: Getty Images. |
Trước đó, SpaceTrack dự đoán tên lửa Long March 5B sẽ đáp xuống Trái Đất vào 2h11 ngày 9/5 (UTC), tức 9h11 cùng ngày (giờ Việt Nam), độ lệch 1 tiếng. Bản đồ của SpaceTrack cũng cho thấy hướng đi của tên lửa. 90% đường rơi của nó hướng xuống đại dương.
Theo Lực lượng Không gian Mỹ, mảnh vỡ của tên lửa có thể rơi xuống khu vực thuộc các quốc gia Costa Rica, Haiti, Iberia, Sardinia, Italy, Hy Lạp và đảo Crete, Israel, Jordan, Ả-Rập Xê út, Australia và New Zealand.
Trước đó khoảng 1 tiếng, Long March 5B đã bay qua vùng trời châu Âu. Tại Lisbon (Bồ Đào Nha) có thể nhìn thấy vệt sáng của tên lửa trên trời. Hướng đi và thời gian rơi dự kiến của tên lửa cũng liên tục được thay đổi, do sự mất kiểm soát gây khó khăn cho việc tính toán.
Ngày 8/5, Trung Quốc cho biết khả năng Long March 5B gây thiệt hại là "cực kỳ thấp". Theo AP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói rằng hầu hết mảnh vỡ của tên lửa sẽ bị đốt cháy khi lao vào khí quyển Trái Đất.
Roscosmos, cơ quan vũ trụ của Nga cũng đang theo dõi tên lửa, cho biết nó không có khả năng gây thiệt hại, ít nhất là trong lãnh thổ Liên bang Nga. Hướng đi và thời gian rơi của tên lửa cũng được nhiều cơ quan Mỹ, châu Âu và Australia theo dõi.
Ngày 6/5, kính thiên văn thuộc Dự án Kính thiên văn Trực tuyến (Virtual Telescope Project) đã chụp được vệt sáng của Long March 5B, cách kính khoảng 700 km. Hợp tác với đài thiên văn Bellatrix (Italy), dự án này sử dụng kính thiên văn điều khiển từ xa để quan sát những vật thể ngoài không gian như sao chổi, tiểu hành tinh và rác vũ trụ.
Hình ảnh tên lửa Long March 5B chụp bởi kính thiên văn ngày 6/5. Ảnh: Virtual Telescope Project. |
Tên lửa Long March 5B được phóng ngày 28/4 để đưa module Tianhe (Thiên Hà) lên trạm vũ trụ do Trung Quốc phát triển. Tuy nhiên thay vì rơi xuống biển theo tính toán, Long March 5B đang bay quanh Trái Đất và mất kiểm soát.
Quỹ đạo thất thường có thể khiến tên lửa rơi xuống các khu dân cư. Tuy nhiên với diện tích bề mặt hành tinh lên tới 75% là nước, và cũng có nhiều phần mặt đất không có người sinh sống, xác suất để các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống nơi có người là rất thấp.
Đây là sự cố thứ 2 liên quan đến dòng tên lửa Long March 5B. Năm ngoái, một mảnh vỡ 12 m của tên lửa này đã rơi xuống ngôi làng tại Bờ Biển Ngà, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và nhà ở.
(Theo Zingnews)