Màn hạ cánh thành công diễn ra sau 4 lần thử nghiệm thất bại, và là một phần trong cuộc đua công nghệ vũ trụ giữa các tỷ phú đang muốn cách mạng hóa ngành du lịch không gian.
Trước đó Falcon 9 rời bệ phóng với đồ tiếp tế và các thiết bị thử nghiệm lúc 16 giờ 43 phút (giờ địa phương) từ Mũi Canaveral, Florida. Các nhân viên của SpaceX đã tập trung quanh Trung tâm Điều khiển của công ty tại Hawthorne, California để chứng kiến màn hạ cánh, trước khi vỡ òa trong sung sướng. Họ chúc mừng nhau và hô vang “USA” khi thiết bị đẩy của tên lửa đáp xuống một thiết bị nổi không người lái ngoài khơi Mũi Canaveral.
Tên lửa Falcon được điều khiển hạ cánh sau khi đưa gần 3500 kg hàng tiếp tế cùng một căn phòng thí nghiệm lên trạm ISS. Các nhà du hành sẽ sống thử trong căn phòng có thể xếp lại này.
Tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu SpaceX, từng cho biết ông hy vọng sẽ đi tiên phong trong công nghệ tên lửa có thể sử dụng nhiều lần, để giúp giảm mạnh giá thành mỗi đợt phóng tên lửa. Nhiều thử nghiệm đã được SpaceX thực hiện nhưng chỉ có duy nhất một lần đáp thành công tại bãi phóng trên mặt đất, cho tới lần thử nghiệm tối qua.
Ông Musk quyết tâm cho tên lửa hạ cánh trên một bãi đáp không người lái trên biển, bởi việc này sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu tên lửa và an toàn hơn cho con người so với hạ cánh trên mặt đất. Bãi đáp không người lái có thể được điều khiển tới vị trí tên lửa hạ cánh khi nó đang hạ độ cao.
Công ty của ông Musk hiện đang chạy đua với nhà sáng lập hãng Amazon - tỷ phú Jeff Bezos, người đồng thời sở hữu công ty du lịch không gian Blue Origin. Công ty này đã thực hiện thành công 3 cuộc hạ cánh trên mặt đất của một thiết bị nhỏ hơn. Tuy vậy, các tên lửa của Blue Origin đến nay chưa mang hàng hóa lên trạm ISS.
Căn phòng thử nghiệm được Falcon9 mang lên trạm ISS sẽ được các nhà du hành sử dụng thử trong 2 năm, để kiểm nghiệm khả năng chịu đựng trong các điều kiện khắc nghiệt của vũ trụ.
Theo AP/Dân Trí