Tại cuộc họp với nhà đầu tư cá nhân ngày 24/1, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2023 đã tính đến tác động từ các sự kiện trái phiếu, bất động sản và kinh tế thế giới.
“Tuy nhiên năm 2023 vẫn có nhiều làn gió ngược hơn dự kiến với biến động chính trị, các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng chậm. Trong bối cảnh đó, ngân hàng vững chắc vượt qua nhiều cơn gió ngược, đặc biệt là vào nửa sau 2023”, ông Hưng nói.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng năm 2023 đạt 40.060 tỷ, giảm nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên riêng quý IV/2023, TOI của Techcombank đạt mức cao kỷ lục, tăng gần 18% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế cả năm đạt 22.900 tỷ đồng giảm 10% so với cùng kỳ song cũng là điều nằm trong dự tính của nhà băng. So với kế hoạch tài chính đặt ra từ đầu năm, con số này vượt 4%.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng huy động (CASA) của Techcombank sau giai đoạn đi xuống theo diễn biến chung của thị trường, cũng đã phục hồi mạnh từ quý III/2023. Hết năm 2023, CASA của Techcombank lên gần 40% so với mức 33,6% vào cuối quý III và được lãnh đạo nhà băng dự báo tiếp tục cải thiện trong năm nay.
Một trong những động lực quan trọng giúp cải thiện tỷ lệ CASA, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Khối ngân hàng Bán lẻ Techcombank, là nhờ vào nhóm giải pháp quản trị cho khách hàng doanh nghiệp.
Năm 2023, Techcombank triển khai giải pháp thanh toán và thu hộ QR247 cho các đối tác lớn như Vincommerce hay GoldenGate và khối SME, giúp dòng tiền khách hàng luân chuyển tốt hơn. Số giao dịch thông qua phương thức QR247 của nhóm SME trong quý IV tăng 3,3 lần so với quý trước đó, từ đó giúp thu hút CASA đáng kể.
Bên cạnh đó, chiến lược quản lý gia sản thông qua cung cấp các lựa chọn đầu tư phù hợp cho nhóm khách hàng thu nhập cao, cũng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng CASA về mặt dài hạn.
Về chất lượng tài sản, Techcombank cũng đã đồng thời giảm được tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm hai so với quý III/2023. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II của nhà băng duy trì ở mức lành mạnh 14,4%, thuộc top cao nhất ngành ngân hàng.
Động lực chính cho tăng trưởng tín dụng 2023 của Techcombank đến từ nhóm doanh nghiệp, dẫn dắt bởi nhóm xây dựng, bất động sản vốn là thế mạnh truyền thống của Techcombank. Bên cạnh đó, tỷ trọng cho vay nhóm doanh nghiệp khác tăng từ 10% cuối 2022 lên 15% vào cuối 2023, cho thấy sự chuyển dịch từ thế mạnh truyền thống sang các mảng mới.
Mảng cho vay cá nhân của ngân hàng năm qua gần như đi ngang trước diễn biến bất động sản trầm lắng và dự án mở bán mới hạn chế cùng nhu cầu trả trước khoản vay dài hạn tăng lên. Tuy nhiên, điểm sáng là dư nợ cho vay mua nhà thứ cấp tăng tới 40% và dư nợ thẻ tín dụng cũng tăng trưởng tích cực.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Khối ngân hàng Bán lẻ Techcombank cho biết, cho vay bất động sản chiếm khoảng 40% tổng dư nợ của nhà băng, gồm cho vay các nhà phát triển bất động sản, doanh nghiệp xây dựng, sản xuất cung cấp vật liệu xây dựng…
“Techcombank có mô hình quản trị rủi ro khác biệt với chuỗi giá trị quản trị từ đầu vào cho tới đầu ra. Cách làm đồng bộ này tới nay, đã chứng minh được hiệu quả quản lý toàn trình từ đầu đến cuối dòng tiền và kiểm soát rủi ro”, ông Tuấn nói.
Năm 2023 với nhiều thách thức nhưng tỷ lệ nợ xấu của nhà băng đến cuối 2023 là 1,19%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 1,5% đề ra. Đây cũng là tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất ngành, trong khi Techcombank luôn trích lập chi phí dự phòng rủi ro một cách thận trọng và an toàn nhất, ông Tuấn nói.
Tại cuộc họp với nhà đầu tư, ông Phùng Quang Hưng cũng thông tin về kế hoạch chia cổ tức sau 10 năm giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư.
“2023 là năm chúng tôi kết thúc chính sách 10 năm không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2024, chúng tôi sẽ trình đại hội cổ đông kế hoạch chia cổ tức bằng cách trích 20% lợi nhuận sau thuế. Ước tính, tỷ lệ trả cổ tức tương đương 15% so với mệnh giá hiện nay. Điều này sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá dựa trên vị thế dẫn đầu của Ngân hàng tại thị trường tài chính Việt Nam”, ông Hưng nói.
Thanh Hà