Nam bệnh nhân được chuyển từ phòng khám đa khoa khu vực Trịnh Tường đến Bệnh viện Đa khoa Bát Xát (Lào Cai) lúc 1h sáng 13/1. Anh S. kể, loại hạt anh mua ở chợ có vỏ cứng, lõi màu trắng cứng, theo nhận diện của bệnh nhân là hạt mã tiền.
Khoảng hơn một giờ sau, bệnh nhân thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tê cứng chân tay và miệng, nói khó, cử động khó.
Tại Bệnh viện Đa khoa Bát Xát, bệnh nhân đã được rửa dạ dày, lợi tiểu, dùng an thần, truyền dịch. Bảy giờ sau khi nhập viện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
Loại hạt mã tiền mà anh S. sử dụng từng khiến không ít người nhập viện cấp cứu vì ngộ độc. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn la tiếp nhận bệnh nhân nam 56 tuổi vào cấp cứu, chẩn đoán ngộ độc rượu ngâm hạt mã tiền.
Sau uống khoảng 30 phút, bệnh nhân khó thở, co cứng 2 chân, không đi lại được. Vào cấp cứu, bệnh nhân phải truyền dịch thải độc gấp.
Theo BSCKI Bùi Nhung Hằng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, mã tiền là vị thuốc quý nhưng kịch độc. Theo Đông y, mã tiền vị đắng, tính hàn, rất độc. Dân gian thường dùng rượu ngâm mã tiền để trừ phong thấp tỳ, ung thư sang độc, tổn thương sưng đau; co rút tê dại, liệt, trị các chứng đau khớp, bệnh ngoài da.
Hạt cây mã tiền và một số cây cùng loại chứa 2 Alcaloid chính: Strycnin và Brucin. Các hoạt tố này được dùng trong nông nghiệp để diệt chuột, diệt thú có hại và trong y tế với mục đích điều trị (kích thích thần kinh cơ...). Ngộ độc cấp có thể xảy ra do tự tử, đầu độc hoặc do nhầm lẫn.
Strychin hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa hoặc niêm mạc mũi. Liều gây ngộ độc từ 30-100mg ở người lớn có thể gây tử vong. Thậm chí y văn từng ghi nhận ca bệnh tử vong chỉ với liều 16mg. Tử vong có thể xảy ra trong vòng 30 phút. Bất cứ liều uống nào có chủ ý đều có khả năng gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị sớm.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không được uống rượu ngâm hạt mã tiền. Khi có vấn đề sức khỏe, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc và hạt cây rừng để chữa bệnh mà cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.