Đó là hình ảnh tại những phiên chợ vùng cao được ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel chia sẻ khi nói về xu hướng không dùng tiền mặt
Đi chợ cầm tiền chẵn, mua gì cũng bị từ chối
Theo ông Việt cho hay, người sống ở thành phố sáng đi ăn bát phở không cần mang theo ví, gửi xe mà chẳng cần lo tiền lẻ, hay đi chợ mua mớ rau con cá chỉ cần cần quét QR chuyển tiền thanh toán là xong.
Ông cũng kể lại câu chuyện về gia đình người bạn làm nông ở Hải Hậu (Nam Định) lên tỉnh rút tiền mặt để trả tiền thuê xe vận chuyển lúa. Về đến nhà thì phát hiện rơi mất tiền. Rồi chuyện đi ra chợ sớm mua đồ, còn mỗi đồng tiền chẵn, đến hàng nào, người bán hàng cũng lắc đầu không có tiền lẻ trả lại. Mỗi lần như thế lại đi đổi mãi mới có tiền để trả.
"Với Mobile Money hay Viettel Money, những câu chuyện dở khóc dở cười như vậy sẽ không còn nữa", ông nói.
Hình ảnh người nông dân mua bán ở những phiên chợ vùng cao không dùng tiền mặt |
Theo ông Việt, cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi cách thức tác nghiệp của người nông dân, Mobile Money nói chung hay Viettel Money nói riêng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc mang lại cuộc sống thuận tiện hơn, khá giả hơn, đầy đủ hơn cho người dân vùng nông thôn.
Bà con giờ đây được tiếp xúc với tất cả mọi dịch vụ tài chính số, phạm vi mua bán, mở rộng giao thương giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, thậm chí còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại so với khi dùng tiền mặt, ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thảo - chủ một đại lý vật tư nông nghiệp tại Tam Dương (Vĩnh Phúc) - chia sẻ, trước đây tới mua hàng, dù ít hay nhiều, bà con nông dân đều thanh toán bằng tiền mặt. Khi kiểm đếm ông lo đủ thứ chuyện, từ tiền đếm đủ đếm thiếu, tiền rách tiền giả,... Giờ ở ngay quầy thanh toán có dán mã QR, bà con mua hàng chỉ dùng smartphone quét mấy giây là thanh toán xong.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNH) Phạm Tiến Dũng, ngành nông nghiệp, người nông dân chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển. Xu hướng chuyển đổi số, sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều tác động lớn tới cách thức chúng ta sống và làm việc. Một trong số đó là sự chuyển dịch dần thói quen tiêu dùng sang môi trường số thuận tiện và an toàn hơn.
Ông cho biết, NHNN đã nghiên cứu, ban hành quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cụ thể, phía ngân hàng đang giúp người dân mở tài khoản thanh toán mà không cần đến điểm giao dịch ngân hàng; thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và Mobifone triển khai thí điểm dịch vụ này.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn
Theo NHNN, trong 9 tháng năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng gần 42,6% về giá trị. Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Người dân nông thôn được khuyến khích thanh toán không không dùng tiền mặt (ảnh: N.T) |
Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh, như thanh toán qua di động tăng từ 50-80%/năm về số lượng, thanh toán qua Internet tăng từ 35-40%/năm. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 40%.
Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, NHNH sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt chú trọng tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo...
Được cho là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0, đem lại nhiều tiện lợi, song Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho rằng, việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn vẫn gặp khó khăn nếu không có các giải pháp quyết liệt.
Ông lý giải, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Chưa kể, còn tồn tại những khó khăn về hạ tầng viễn thông; cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý; vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trước rủi ro an ninh mạng, các hành vi lừa đảo; gian lận; đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân,...
Do vậy, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để họ tự đưa ra quyết định phù hợp.
Quan trọng hơn, cần đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn, ông Nam nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông (NHNH), nhìn nhận, khu vực nông thôn chiếm 60% dân số nên thay đổi trước hết phải từ khu vực này.
Với phương châm lấy người dân là trung tâm, NHNN tập trung cung cấp những thông tin thiết thực liên quan đến dịch vụ ngân hàng, như giới thiệu quy trình, thủ tục, các lưu ý trong việc vay vốn ngân hàng; các quy định, sản phẩm, lưu ý khi gửi tiết kiệm; các sản phẩm, dịch vụ thanh toán như mobile banking, Internet banking, mobile money, ví điện tử, các kỹ năng để hạn chế rủi ro,... Tới đây, NHNN tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính tới khu vực này.
Tâm An
Thay đổi thói quen, 'bùng nổ' thanh toán không dùng tiền mặt
Hậu đại dịch Covid, người dân đã hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Việt Nam đã thay đổi rất nhanh và thanh toán không dùng tiền mặt dần trở nên phổ biến.