Bước ngoặt chuyển đổi phương thức mua bán truyền thống sang nền tảng số
Thời gian vừa qua, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới các hoạt động phân phối, tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp (HSXNN) trong tình trạng “được mùa, mất giá”, thậm chí phải để chín hỏng, bỏ đi do không kết nối được với các thương lái. Nhiều trường hợp phải nhờ sự kêu gọi chung tay giải cứu trên các trang mạng xã hội, nhưng cách làm này chỉ bộc phát ở một vài nơi, không thể giải quyết thấu đáo cho tất cả HSXNN trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, hồi năm ngoái, sau thoả thuận hợp tác và phát triển trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tiến tới đô thị thông minh giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính viễn thông, đến nay, Tập đoàn Bưu chính viễn thông xây dựng xong sàn nông sản điện tử của tỉnh triển khai thí điểm trong sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội.
Để đưa vào vận hành sàn nông sản điện tử tỉnh Tây Ninh hiệu quả, góp phần giới thiệu, quảng bá các nông sản có chất lượng của tỉnh trên môi trường điện tử, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương quản lý tài khoản quản trị để xét duyệt các doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký đưa sản phẩm lên sàn thuộc lĩnh vực mình quản lý.
Trong đó, Sở Công Thương giám sát các hoạt động mua bán trên sàn theo quy định về thương mại điện tử. Viễn thông Tây Ninh triển khai sàn, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho các doanh nghiệp tham gia sàn; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án thu phí tham gia sàn của các doanh nghiệp khi đủ điều kiện.
Sở Thông tin và Truyền thông cài đặt hệ thống tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh bảo đảm an toàn an ninh thông tin; phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương và Viễn thông Tây Ninh tổ chức tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp quan tâm và tham gia sàn.
Thực hiện việc triển khai, thiết lập hệ thống sàn nông sản điện tử tỉnh (https://sannongsan.tayninh.gov.vn/), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị các Trạm trồng trọt và BVTV các huyện, thành phố rà soát, lập danh sách các tổ chức và cá nhân đăng ký đưa sản phẩm tham gia sàn nông sản điện tử tỉnh.
Đối tượng tham gia là tổ chức/cá nhân có sản phẩm nông sản (rau, củ, quả…) trên địa bàn tỉnh. Điều kiện tham gia phải đạt ít nhất 1 trong 4 giấy sau: giấy phép đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận VietGAP; giấy chứng nhận GlobalGAP.
Khuyến khích phát triển các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới
Hôm 18/3, Hội Nông dân và Bưu điện Tây Ninh ký kết kế hoạch phối hợp tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử năm 2022.
Được biết, hai đơn vị phối hợp kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmat.vn và hệ thống bán hàng của hai bên.
Mục tiêu sắp tới là thu thập thông tin của tối thiểu 9.000 hộ hội viên sản xuất nông nghiệp, cập nhật giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmat.vn.
Trong đó, tập trung lựa chọn những hộ nông dân sản xuất giỏi, sản xuất quy mô trang trại, nhóm hộ nông dân sản xuất hàng hoá, bao gồm hộ sản xuất nông nghiệp thuần tuý, hộ chuyên làm các ngành nghề cơ khí, mộc, rèn, nguyên vật liệu xây dựng, vận tải, thủ công mỹ nghệ, dệt may, dịch vụ kỹ thuật cho nông nghiệp, hộ vừa làm nông nghiệp, vừa làm nghề tiểu thủ công nghiệp nhưng nguồn thu nhập từ nông nghiệp là chính.
Các loại hàng nông sản giới thiệu phải bảo đảm an toàn, chất lượng, ưu tiên những sản phẩm có giấy chứng nhận VietGap, Global Gap, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…
Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng, hướng dẫn Hội Nông dân huyện, thị, thành phố thực hiện tối thiểu 1 chương trình phối hợp kết nối, tiêu thụ nông sản trên phạm vi toàn tỉnh. Mỗi xã phát triển tối thiểu 1 cộng tác viên, đại lý bán hàng sản phẩm dịch vụ của Vietnam Post. Chương trình bắt đầu áp dụng vào tháng 10.2022.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 chủ thể, doanh nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, gồm: Công ty TNHH Tân Nhiên với các sản phẩm bánh tráng đưa lên các sàn TMĐT trong nước như Sendo, Tiki, Adayroi, Lazada, Hotdeal và các sàn quốc tế như Amazone, Alibaba, Ebay, Bestbuy, Walmart; Trại dế Oanh Vĩnh với các sản phẩm từ dế lên sàn TMĐT Postmart, Shopee; Công ty TNHH MTV Ong Mật Bảo An Tây Ninh với các sản phẩm mật ong lên sàn TMĐT Postmart; Cơ sở chế biến kỹ nghệ thực phẩm Phú Gia Bảo với các sản phẩm muối ớt, muối tôm, chao lên sàn TMĐT Postmart.
Trong nửa đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp còn phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Công ty Digital Kingdom JSC triển khai tập huấn sàn giao dịch thương mại điện tử B2B sản phẩm hợp tác xã, OCOP hợp tác xã và cổng BLOCKCHAIN số hóa hợp tác xã, hợp tác xã OCOP cho phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện; phòng Kinh tế các thị xã, thành phố và hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, trang trại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, việc khuyến khích phát triển các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa nhằm đa dạng hóa các kênh phân phối, từng bước mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản tỉnh nhà là yêu cầu bắt buộc, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tân Châu