Thu hút nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn
Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, trong đó hồ Dầu Tiếng cùng với hệ thống kênh mương rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi ở Tây Ninh thu hút nhiều dự án quy mô lớn, tạo sự chuyển biến rõ nét.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay tỷ trọng ngành chăn nuôi ở Tây Ninh mới chiếm khoảng 17%, so với trồng trọt. Với đà này, đến 2030, có thể hy vọng đưa tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi so với tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 30%.
Trong vài năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh được quan tâm đầu tư quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học.
Từ năm 2016 đến nay, địa phương thu hút 162 dự án xin chủ trương đầu tư, trong đó, có 113 dự án chăn nuôi quy mô lớn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, gồm có: 32 dự án chăn nuôi gà với quy mô 9.457.500 con; 77 dự án chăn nuôi heo với quy mô 959.084 con; 1 dự án nuôi 450 bò thịt; 2 dự án nuôi 8.050 con bò sữa đã đi vào hoạt động…
Hầu hết những dự án đầu tư đến với Tây Ninh đều có quy mô lớn, hiện đại đóng góp không nhỏ vào ngành chăn nuôi tại địa phương. Nhiều trang trại chăn nuôi bò sữa, heo, gà thịt theo công nghệ hiện đại đã kích thích, tạo ra động lực mới góp phần đưa ngành nông nghiệp của Tây Ninh phát triển theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ, cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi.
Hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao, sinh học
Theo Sở NN-PTNT tỉnh, định hướng của Tây Ninh giai đoạn 2022-2025 và trong giai đoạn tới là phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, an toàn.
Năm ngoái, ngành chức năng đã thẩm định, cho ý kiến kịp thời và đúng quy định 113 dự án đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư chuyển đổi dần sang chăn nuôi quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án chăn nuôi với tổng mức đầu tư 384 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu các sản phẩm từ heo, bò, gà thịt.
Việc xây dựng các chuỗi giá trị chăn nuôi của tỉnh nhằm gắn kết chặt chẽ giữa chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản, nâng cao đời sống nông dân, khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội và truyền thống chăn nuôi cũng như khai thác tốt thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, tỉnh phấn đấu hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi, giết mổ công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu với mục tiêu dến năm 2025 chiếm 10% sản lượng thịt heo của tỉnh (hiện nay chưa có chuỗi này).
Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi heo, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp 2 chuỗi đã hình thành: chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các chợ truyền thống và chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các điểm cung cấp thịt heo an toàn.
Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị đã hình thành như chuỗi thịt bò tươi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh; chuỗi thịt bò được giết mổ, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sản phẩm; mục tiêu đến năm 2025, chuỗi này sẽ chiếm 15% sản lượng thịt bò của tỉnh (hiện nay là 7,4%).
Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sữa tươi được chế biến tại các nhà máy ngoài địa bàn tỉnh chiếm 50%; tỷ lệ sữa tươi được chế biến tại các nhà máy trong tỉnh chiếm 50% (hiện nay, sữa tươi chưa dược chế biến trên địa bàn tỉnh).
Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị đã hình thành, xây dựng các chuỗi giá trị mới; mục tiêu đến năm 2025 có 50% gà thịt được giết mổ theo chuỗi tại địa bàn tỉnh (hiện nay là 25%).
Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi chiếm 90% sản lượng trứng gà của tỉnh (hiện nay là 88%). Đối với chuỗi giá trị chim yến, mục tiêu của tỉnh là thu hút đầu tư ít nhất 1 cơ sở chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào năm 2025; nâng tỷ lệ chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là 30% vào năm 2025 (hiện nay chưa có).
Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng cơ sở chế biến yến sào đạt chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp với Hiệp hội Yến sào Việt Nam và các đơn vị có liên quan cấp mã số định danh cho từng nhà yến, qua đó kiểm soát được nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, nâng cao giá trị ngành hàng mà tỉnh đang có lợi thế.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tỉnh Tây Ninh đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về vốn, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Một trong những chính sách nổi bật là hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025.
Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh: "Trong một, hai năm tới chúng ta có thể đặt kỳ vọng, chăn nuôi sẽ thu được mỗi năm trên 3.000 tỷ đồng về doanh số và trên 300 tỷ đồng về lợi nhuận. Với mức này thì chúng ta sẽ đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp từ 15-17% hiện nay lên ít nhất là 30% trong vòng 2 năm tới. Như vậy làm cho cán cân giữa trồng trọt và chăn nuôi sẽ có đột phá và sẽ hoàn thành được mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, tức là nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp theo hướng hiện đại và công nghệ cao".