Kinh tế có dấu hiệu hồi phục
Nửa đầu năm 2021, Tây Ninh không phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn tỉnh như cùng kỳ năm trước, kết hợp cùng các cấp chính quyền Tây Ninh quyết tâm thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kinh tế theo lộ trình; vì vậy các hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghiệp, thương mại, dịch vụ vẫn duy trì hoạt động và có những điểm sáng so với cùng kỳ.
Theo Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,04% so cùng kỳ, xếp thứ 22 cả nước. Trong đó, tăng trưởng cao nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng (tăng 9,77%), theo sau là khu vực dịch vụ (tăng 6,41%), khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản cũng tăng nhẹ 2,64%...
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng nhanh và chiếm tỷ trọng trong GRDP cao nhất (45,33%), kế đến là khu vực dịch vụ (29,45%). Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm chuyển dịch cây trồng, vật nuôi diễn tiến chậm, khiến ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản có dấu hiệu giảm và chiếm tỷ trọng thấp nhất (20,17%).
Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp có mức phát triển khá, tăng 12,63% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động dịch vụ, lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 8.694 tỷ đồng - tăng 15,27% so cùng kỳ.
Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt 5.793 tỷ đồng, bằng 55,17% dự toán năm, tăng 21,0% so cùng kỳ.
Có thể thấy, tổng quan kinh tế Tây Ninh đã có dấu hiệu hồi phục, mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vẫn làm ảnh hưởng đến một số lĩnh vực, đặc biệt là thị trường tiêu thụ; chuyển dịch cây trồng, vật nuôi.
Để phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tây Ninh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng, tập trung chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ khó khăn, những bất cập, điểm nghẽn trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng để tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển và thu hút nguồn lực đầu tư mạnh hơn nữa.
Quyết liệt “đương đầu” với dịch bệnh
Bên cạnh những nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, các cấp chính quyền Tây Ninh còn đặt mục tiêu chống dịch lên hàng đầu; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống Covid-19; triển khai một cách quán triệt các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh.
Khi Tây Ninh phát hiện thêm 5 ca mắc Covid-19 tại Công ty TNHH Winga Việt Nam (KCN Thành Thành Công) vào ngày 24/6/2021 và mới đây nhất là ghi nhận một ca nghi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, là tài xế của Công ty TNHH SXTM Chung Vượng (KCN Trảng Bàng), tỉnh đã nhanh chóng triển khai các hoạt động khoanh vùng, truy vết các trường hợp F1, F2; tổ chức tiến hành lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1; đồng thời tiếp tục xét nghiệm F1, F2 phát hiện bổ sung.
Đặc biệt, trong tháng 6/2021, tỉnh Tây Ninh đã đồng loạt triển khai tiên vắc xin phòng Covid-19 cho 22.566 người được ưu tiên. Trong đó, các đơn vị y tế tiêm mũi 1 cho 17.548 người thuộc các nhóm: y tế tư nhân, ban chỉ đạo, khu vực biên giới, người làm tại khu cách ly tham gia phòng, chống dịch phát sinh, nhóm giáo viên toàn tỉnh; Tiêm mũi 2 cho 5.108 người thuộc các nhóm: nhân viên y tế, lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại các khu cách ly.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, Tây Ninh cũng đã chủ động đề ra các kịch bản ứng phó dịch bệnh theo 5 cấp độ, từ cấp độ có trường hợp xâm nhập cho đến kịch bản có trên 3.000 trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay của địa phương, Tây Ninh tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ phù hợp với từng nguy cơ đã nhận diện. Tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong nhân dân; đồng thời quản lý chặt chẽ các chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các KCN, bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là bảo đảm việc cách ly đúng quy định khi nhập cảnh.
Trên hết, tỉnh Tây Ninh quyết tâm chống dịch Covid-19 trong mọi hoạt động, có giải pháp linh hoạt và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong phát triển kinh tế - xã hội, không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, không làm “đứt gãy” chuỗi sản xuất và kinh doanh.
“Chúng tôi xác định việc thực hiện “mục tiêu kép” là rất khó khăn trong điều kiện hiện nay, song càng khó thì càng phải quyết tâm, chủ động, sáng tạo vượt qua để đạt kết quả tốt nhất có thể”, ông Nguyễn Thanh Ngọc nói.
Ngô Linh