Không đơn vị nào có điểm số dưới trung bình

DDCI Tây Ninh 2022 được khảo sát trên 1.010 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã (gọi tắt là DN) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả thu về được 908 phiếu khảo sát, tương ứng với 1.453 ý kiến đánh giá của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, có 387 ý kiến đánh giá chính quyền địa phương và 1.066 ý kiến đánh giá các sở, ban, ngành tỉnh. Với phương pháp chọn mẫu được lựa chọn, kết quả khảo sát cho thấy bức tranh chung về các DN cũng như cảm nhận của họ về năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thuộc tỉnh Tây Ninh.

Chiều 3/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) thuộc tỉnh Tây Ninh năm 2022. 

Hoinghi.png
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến

Theo công bố kết quả đánh giá DDCI 2022 tỉnh Tây Ninh, điểm số trung vị các Sở, ban, ngành đạt 62,77/100 điểm, không có đơn vị nào có điểm số dưới trung bình (50 điểm). Trong đó có 1 đơn vị thuộc nhóm tốt, 7 đơn vị thuộc nhóm khá tốt, 4 đơn vị thuộc nhóm khá, 4 đơn vị thuộc nhóm trung bình khá. Sở Giao thông vận tải Tây Ninh là đơn vị dẫn đầu DDCI 2022 khối cấp Sở, ban, ngành tỉnh với 64,28 điểm.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố, điểm số DDCI trung vị đạt mức 61,44/100 điểm, không có đơn vị nào có điểm số dưới trung bình (50 điểm). Khoảng cách giữa địa phương đứng đầu và địa phương đứng cuối là 4,24 điểm, trong đó cao nhất là thị xã Hoà Thành đạt 63,68 điểm và địa phương thấp nhất là huyện Dương Minh Châu đạt 59,45 điểm.

Rà soát lại bộ tiêu chí, chỉ số thành phần cho từng khối

Đánh giá DDCI 2022 cho thấy có sự tương đồng với kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022 của tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt các tiêu chí, chỉ tiêu thành phần chưa tốt nổi lên như tính minh bạch tiếp cận thông tin, tính năng động; việc triển khai các chính sách của Trung ương và tỉnh đến doanh nghiệp còn chậm; các phản ánh của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời, kéo dài; chi phí thời gian, chi phí không chính thức còn cao.

hoinghi.png
Đại diện các đơn vị tham dự Hội nghị

Với quan điểm, kết quả DDCI 2022 để các Sở, ban, ngành, địa phương của Tây Ninh nhìn nhận, "tự soi, tự sửa" trong công tác chỉ đạo, điều hành, tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đó mỗi Sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh có biện pháp, giải pháp hiệu quả, cải thiện hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh lên tầm cao mới, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đang chỉ đạo quyết liệt nhằm cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đồng thời cải thiện điểm số, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tây Ninh.

Cụ thể, ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, đề nghị Sở Nội vụ và các Sở, ban, ngành, địa phương rà soát lại bộ tiêu chí, chỉ số thành phần cho từng khối.

Thời gian tới có thể lập 3 khối (khối các Sở, ngành (có bổ sung thêm một số sở); khối cơ quan ngành dọc và khối huyện, thị xã, thành phố), có khối trưởng và rà soát tiêu chí, chỉ tiêu thành phần phù hợp, sát thực với từng ngành, từng cấp.

UBND tỉnh Tây Ninh giao cho Sở Nội vụ tiếp tục nghiên cứu đánh giá DDCI với hình thức, phương pháp khảo sát phù hợp, bảo đảm hiệu quả về kinh tế và có độ chính xác cao để duy trì việc đánh giá chỉ số DDCI trong thời gian tiếp theo.

Từ năm 2024, tỉnh Tây Ninh sẽ đưa chỉ số DDCI vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đặc biệt là đối với người đứng đầu và có thi đua khen thưởng. Do đó, mỗi Sở, ban, ngành, địa phương cần quan tâm khắc phục tồn tại, hạn chế, nhất là quan tâm các yếu tố: con người, quy trình, công nghệ và tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hoà Thành