Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Tây Ninh chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số nhằm tạo không gian và động lực mới cho phát triển. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, đưa Tây Ninh vào nhóm khá về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số đã đạt kết quả ban đầu khả quan

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Tây Ninh đang ở giai đoạn cuối của chính quyền điện tử, cần phải cố gắng đạt được 2 mục tiêu là tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tỉnh cũng đã bước đầu xây dựng các nền tảng để tiến tới xây dựng chính quyền số giai đoạn 2026-2030. Đánh giá theo các đặc trưng cơ bản của chính quyền số, tỉnh đã đạt được một số kết quả ban đầu.

Chinh quyen so.jpg
Người dân liên hệ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Thanh Điền.

Cụ thể như, tỉnh có khả năng cung cấp dịch vụ mới. Tỉnh hoàn toàn có khả năng xây dựng và triển khai cung cấp cho người dân và doanh nghiệp các dịch vụ số mới; đã triển khai các dịch vụ số mới nhằm tăng cường giao tiếp giữa người dân và chính quyền tỉnh thông qua các kênh Zalo, ứng dụng Tây Ninh Smart, Fanpage, hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp… Tính đến ngày 30.9.2024, có 2.133 tài khoản đăng ký trên ứng dụng Tây Ninh Smart; có 609 phản ánh, trong đó đã xử lý 580 phản ánh (tỷ lệ 95,23%).

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thí điểm triển khai Trang thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và giám sát đầu tư, nhằm cung cấp các thông tin kêu gọi đầu tư, giám sát quá trình xử lý hồ sơ yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư, kênh tiếp nhận trao đổi về đầu tư...

Tỉnh có khả năng hỗ trợ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. Bước đầu đã xây dựng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) nhằm tổng hợp, cung cấp số liệu, thông tin kịp thời cho lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, IOC hiện chỉ ở bước tổng hợp và cung cấp số liệu, chưa thực hiện phân tích xu hướng, đưa ra khuyến nghị để chỉ đạo, điều hành.

Địa phương có khả năng giải quyết các bài toán khó về y tế, giáo dục. Đối với lĩnh vực y tế, hiện nay, ngành Y tế đã triển khai các nền tảng hỗ trợ hoạt động khám, chữa bệnh như: quản lý tiêm chủng; thí điểm nền tảng hồ sơ sức khoẻ điện tử cho người dân; nền tảng khám, chữa bệnh VNPT-HIS; phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh lao, quản lý bệnh không lây nhiễm… đã góp phần quản lý tốt công tác khám, chữa bệnh của người dân.

Đối với lĩnh vực giáo dục, đã tổ chức triển khai thí điểm dạy học qua internet. 100% các đơn vị, trường học đã sử dụng phần mềm quản lý thông tin trường học, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và nhiều phần mềm ứng dụng trong giáo dục, hoạt động quản lý trường học, học sinh, nhân sự, tài chính... Đồng thời đã triển khai cho các đơn vị, cơ sở giáo dục quản lý phí, thu phí điện tử, bảo đảm sẵn sàng thu chi không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, đạt 84,9% (377/444 trường học).

Lĩnh vực giao thông - vận tải, đã kết nối chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe; triển khai phần mềm nhắn tin thời hạn giấy phép lái xe nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân đổi giấy phép lái xe đúng thời hạn. Vận hành, khai thác phần mềm Quản lý hoạt động cảng, bến thuỷ nội địa; phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đối với từng chuyến xe buýt và xe khách trên ứng dụng Tây Ninh Smart. Qua đó, giúp người dân thuận tiện tra cứu phương tiện di chuyển, nâng cao tiện ích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh.

Lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn, tỉnh đã triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm TE-food truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh; hoàn thành việc xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh - giai đoạn 1 (nhằm xây dựng hệ thống quản lý thông tin hiện đại và đồng bộ, tạo liên kết chặt chẽ trong việc quản lý vận hành, khai thác công trình thuỷ lợi và bảo vệ công trình phục vụ sản xuất) và phần mềm Citywork quản lý khách hàng sử dụng nước sạch khu vực nông thôn, in hoá đơn thu tiền nước trên 69 công trình cấp nước tập trung.

Phấn đấu vào nhóm các tỉnh, thành thực hiện chuyển đổi số khá

Tây Ninh đưa chuyển đổi số thành phương thức phát triển mới góp phần thúc đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; trở thành tỉnh có mức độ chuyển đổi số khá, thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số vào năm 2030 hoặc có điểm DTI đạt ở mức khá cả nước.

Giai đoạn 2025-2030, tỉnh phát triển và nâng cấp hạ tầng số, nâng cấp hạ tầng viễn thông và internet tốc độ cao, bảo đảm phủ sóng di động tốc độ cao (4G) ở 100% xóm, ấp, khu phố, khu dân cư được Nhà nước quy hoạch. Đồng thời, triển khai sóng dịch vụ 5G tại 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp.

Thiết lập các điểm wifi công cộng miễn phí tại các khu vực trung tâm, du lịch, trường học, bệnh viện và cơ quan nhà nước… tạo điều kiện để người dân sử dụng các dịch vụ số, dịch vụ trực tuyến; nâng cấp trung tâm dữ liệu địa phương nhằm bảo đảm an toàn dữ liệu và tối ưu hoá các dịch vụ số của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, cung cấp gói hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) áp dụng các giải pháp số trong quản lý và vận hành; thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp số nhằm khuyến khích các ý tưởng đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ nông nghiệp (AgriTech) và du lịch số.

Tây Ninh hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, cung cấp dịch vụ số; đẩy nhanh quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, bảo đảm đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp toàn trình và tối thiểu 80% hồ sơ được xử lý dưới dạng toàn trình.

Tây Ninh áp dụng chữ ký số và xác thực điện tử để đơn giản hoá các thủ tục hành chính và giảm thời gian xử lý hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp; nâng cấp App Tây Ninh Smart giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin và thực hiện các giao dịch hành chính một cách tiện lợi, trực tuyến.

Bên cạnh đó, tỉnh phát triển thương mại điện tử và kinh tế số nông thôn, khuyến khích nông dân và hợp tác xã sử dụng nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận thị trường, bán sản phẩm trực tuyến.

Đồng thời tổ chức các khoá tập huấn về tiếp thị số, quản lý cửa hàng trực tuyến và sử dụng các nền tảng thương mại điện tử cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp địa phương cũng như tập trung củng cố và nâng cấp sàn thương mại điện tử, giúp kết nối người tiêu dùng với các sản phẩm đặc sản của tỉnh.

Theo Nhi Trần (Báo Tây Ninh)