Đánh giá về thực trạng các cơ sở thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là phải tìm ra những giải pháp căn cơ, không để tiếp diễn những việc không có hiệu quả.
Khó phát hiện vi phạm
Theo Phòng Quản lý dịch vụ Y, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, dịch vụ làm đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ đang phát triển rất nhanh do nhu cầu người dân ngày càng tăng cao. Hiện toàn Thành phố có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có dịch vụ/khoa thẩm mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (loại hình chỉ có văn bản thông báo với Sở Y tế).
Khó phát hiện những vi phạm ở các cơ sở thẩm mỹ. Ảnh: CTV |
Quận 10 là nơi tập trung khá nhiều cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, theo Phòng Y tế quận 10, hiện trên địa bàn có 65 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 229 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (chăm sóc da, phun, xăm, spa). Kết quả kiểm tra cho thấy, 4/65 cơ sở phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và19/229 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có vi phạm; 14 cơ sở bị phạt với số tiền trên 400 triệu đồng. Các vi phạm phổ biến là tiêm chất làm đầy, cắt mí không phép, kinh doanh mỹ phẩm không xuất xứ, quảng cáo trên mạng xã hội không phép.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên, Trưởng Phòng Y tế quận 10 chia sẻ: “Hiện công tác quản lý tại địa phương gặp khó khăn do phòng y tế chỉ có 1 bác sĩ, 1 dược sĩ. Số cơ sở thẩm mỹ ngày càng nhiều trên địa bàn, tình trạng phẫu thuật xâm lấn trá hình, bác sĩ thẩm mỹ chạy sô, mổ dạo, mổ chui, tiêm chích chất làm đầy, quảng cáo trên mạng xã hội không phép, nội dung không kiểm soát. Tuy nhiên, để phát hiện vi phạm của cơ sở thẩm mỹ rất khó do cơ sở che giấu hành vi, các kỹ thuật được làm rất nhanh, chỉ trong vòng 15 phút, có camera đối phó, chủ cơ sở né tránh đoàn kiểm tra... Ngoài ra, không xác định được khách hàng, cơ sở không tiết lộ thông tin bác sĩ”.
Về thực trạng và công tác kiểm tra về các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Mạnh Cường, Quyền chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, hàng năm công tác kiểm tra, thanh tra đã được thực hiện thường xuyên, liên tục. Quá trình thanh kiểm tra, đơn vị ghi nhận các cơ sở trên thường có các sai phạm như quảng cáo chưa được phê duyệt hoặc vượt quá phạm vi; hành nghề không có chứng chỉ, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn; hồ sơ bệnh án không được ghi chép đầy đủ; hoạt động chưa có giấy phép; thuốc, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, cơ sở vật chất thay đổi hoặc chưa được thẩm định…
Tại Hội nghị Quản lý Nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2019, do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều 7/11, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ông Tăng Chí Thượng, cho rằng, hiện nay số lượng các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp đang gia tăng theo thời gian. Đây là một sự phát triển khách quan khi người dân có điều kiện kinh tế, nhu cầu làm đẹp cũng ngày càng tăng. Cũng trong thời gian vừa qua, ngành y tế TP đã trình lên UBND TP Hồ Chí Minh đề án du lịch y tế. Theo đó, nhiều khách trong nước và quốc tế đến TP Hồ Chí Minh để sử dụng các dịch vụ y tế, trong đó có các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều sự cố y khoa liên quan đến các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp.
“Bên cạnh những cơ sở được cấp phép, thì cũng còn nhiều cơ sở không được cấp phép liên tục bị phản ánh. Tỉ lệ tai biến xảy ra ở các cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép hay các cơ sở trá hình, chui là rất cao. Việc quản lý những cơ sở này khá phức tạp và là một thách thức lớn đối với các nhà quản lý. Do đó, nếu chỉ tăng cường và đẩy mạnh kiểm tra như thời gian qua thì vẫn chưa đủ mà cần phải có thêm giải pháp mới quyết liệt và thực tiễn hơn, đòi hỏi sự vào cuộc gắt gao của các ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng”, ông Thượng cho biết thêm.
Dẹp loạn quảng cáo thẩm mỹ
Tình trạng phẫu thuật xâm lấn trá hình ngày càng nhiều và khó kiểm soát. Ảnh: ĐP |
Theo PGS.TS.BS Lê Hành, Chủ tịch hội thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ tai biến y khoa trong phẫu thuật thẩm mỹ là phải chấp nhận. Tuy nhiên, việc bác sĩ thực hiện theo đúng quy trình đã được quy định, ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ sẽ là yếu tố quyết định kết quả hội chẩn, đánh giá sự việc. Mong chờ nhất của những người làm thẩm mỹ đó chính là sự an toàn cho bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay đang tồn tại một nhóm người hành nghề không an toàn bệnh nhân xuất hiện đa số ở những cơ sở spa, chăm sóc da… thường những nhóm người này được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng.
“Nếu không kiểm soát được việc quảng cáo, để các cơ sở thẩm mỹ tự do thổi phồng, bác sĩ trẻ thì được tung hô thành phó giáo sư, mấy mươi năm kinh nghiệm, thậm chí những người tay ngang, chưa qua trường lớp đào tạo vẫn nghiễm nhiên đứng tên là chuyên gia thẩm mỹ... thì thị trường thẩm mỹ vẫn sẽ còn hỗn loạn. Điều này nguy hiểm cho tính trung thực của ngành, cho những bước tiến của các bác sĩ hành nghề chân chính và là tai hoạ cho bệnh nhân”, bác sĩ Hành chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ông Tăng Chí Thượng, hiện Sở đã đưa vào nghiên cứu dưới sự hỗ trợ của Sở thông tin truyền thông, sắp tới sẽ triển khai các ứng dụng kết nối với người dân, cung cấp thông tin cụ thể về các cơ sở thẩm mỹ (số điểm, chất lượng, những vi phạm...) cũng như dễ dàng tiếp nhận ý kiến đánh giá, các thông tin về tai biến thẩm mỹ một cách kịp thời. Thanh tra Sở sẽ phải trực tiếp nắm bắt thông tin về quảng cáo vượt phép của các cơ sở thẩm mỹ.
Để hạn chế, ngăn chặn những sự cố y khoa, trong thời gian tới Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường công tác kiểm tra. Theo đó, phối hợp với các sở, phòng y tế kiểm tra toàn diện các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, spa, chăm sóc da, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn; rà soát, hướng dẫn các cơ sở hoạt động đúng qui định; tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân và các cơ sở hành nghề về các qui định của pháp luật. Bên cạnh đó, sẽ xử lý nghiêm và triệt để các cơ sở có vi phạm; công khai các cơ sở vi phạm trên thông tin đại chúng để người dân biết….
Theo Báo Tin tức (TTXVN)