Mấy năm gần đây, lượng khách đổ lên Tây Bắc nhiều hơn, song, chủ yếu vẫn là khách du lịch nội địa. Các tỉnh Tây Bắc vẫn loay hoay chưa biết cách kiếm tỷ đô từ khách quốc tế.

Hạ tầng phát triển, khách đến ùn ùn

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, khoảng 5 năm lại đây, lượng khách lên Tây Bắc tăng trưởng mạnh. Năm 2015, khách du lịch đến toàn vùng đạt 8,9 triệu lượt, nhưng khách quốc tế chỉ 1,6 triệu lượt.

Lượng khách du lịch hàng năm có tăng nhưng thấp hơn nhiều so với các vùng miền khác, đã thế, thời gian lưu lại trung bình lại rất ngắn, dưới 1,5 ngày. Quy mô khách chiếm từ 5-7% so với cả nước. Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Những hạn chế đó khiến hiệu quả kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ, không tương xứng với tiềm năng.

{keywords}
Lượng khách nước ngoài đến Tây Bắc còn nhỏ so với tiềm năng (ảnh Lao động)

Điểm đáng lưu ý, khách đến Tây Bắc không đồng đều giữa các địa phương, chỉ tập trung ở một số nơi thuận lợi về giao thông, có cửa khẩu và gần trung tâm Hà Nội như Lào Cai, Lạng Sơn, Hòa Bình, Phú Thọ.

Riêng tại Lào Cai, lượng khách năm qua tăng mạnh, trên 42% so với năm 2014 do có yếu tố đột biến về hạ tầng giao thông khi cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi vào hoạt động. Ngoài ra, một số địa phương mới nổi, tăng trưởng mạnh nhờ biết tổ chức sự kiện như Lễ hội hoa Tam giác mạnh (Hà Giang), ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái),... song, tỷ trọng khách quốc tế vẫn rất thấp, chỉ dưới 18% so với tổng lượng khách, và cũng chỉ tập trung ở một số địa phương như Lào Cai, Lạng Sơn, Điện Biên. Các tỉnh còn lại khách rất èo uột, rời rạc, thưa thớt, chỉ dồn dập vào các mùa lễ hội.

Trong khi đó, khách nội địa đi Tây Bắc thì khám phá là chính, lại ngắn ngày, chi tiêu ít, chủ yếu là cho ăn, ngủ và tham quan, trải nghiệm đơn giản.

Chỉ vài năm lại đây, khách từ các thị trường xa, các tỉnh miền Nam mới tăng lên, còn khách quốc tế chỉ lác đác từ châu Âu, Úc và Nhật Bản, khách Trung Quốc thì qua cửa khẩu đến Lạng Sơn và Lào Cai là hết.

Từ thực trạng trên cũng phải nhìn lại, bản thân du lịch Tây Bắc cũng còn đầy hạn chế, như sản phẩm du lịch đơn điệu và rời rạc, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa thực sự hấp nhà đầu tư.

Chẳng hạn, toàn vùng có 307 cơ sở lưu trú, nhưng chỉ có 3 khách sạn 4 sao, 13 khách sạn 3 sao còn đâu là dưới 2 sao. Chưa có khách sạn 5 sao nào. Công suất phòng vì vậy chỉ đạt 60%. Cơ sở vật chất lưu trú, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí còn hết sức sơ sài, thiếu thốn. Thế nên, mỗi khi có sự kiện tầm quốc gia là không đáp ứng được nhu cầu.

Bà Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban tiếp thị - truyền thông Công ty CP Du lịch Vietravel nhận xét, Tây Bắc thiếu trầm trọng khách sạn 3 sao, chưa kể tình trạng giá tăng đột biến vào mùa cao điểm (điển hình là Lào Cai).

Ngoài ra, các tuyến điểm du lịch đã quá cũ kỹ. Dù mạng lưới giao thông đường bộ hiện nay đã trải nhựa, thông suốt nhưng có đoạn vài ba tháng sau đã bong tróc, ổ gà, ổ voi chằng chịt. Nhiều tour tuyến đã quá cũ kỹ - ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, đánh giá.

{keywords}

Các điểm du lịch trên Tây Bắc chỉ giữ chân được khách du lịch 1 ngày, hoặc thỉnh thoảng được 2 ngày (ảnh Ngọc Hà).

Thậm chí, theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc điều hành Threeland Travel, Tây Bắc đang có xu hướng đi vào vết xe của các tỉnh ĐBSCL, không định vị được chính xác dòng sản phẩm mong muốn. Các điểm du lịch trên Tây Bắc chỉ giữ chân được khách du lịch 1 ngày, hoặc thỉnh thoảng được 2 ngày. Rất nhiều nơi được coi là một điểm dừng chân nghỉ đêm hơn là ở lại và tham gia các hoạt động tham quan nghỉ dưỡng.

Giữ khách bằng trải nghiệm khác biệt

Với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và những nền văn hóa độc đáo, Tây Bắc có quá nhiều dư địa để hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Vì thế, các tỉnh trong vùng đặt mục tiêu đến năm 2020 đón 2,3 triệu lượt khách quốc tế, 14 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 22.000 tỷ đồng.

Đến với Tây Bắc là lựa chọn sự trải nghiệm khác biệt. Vì thế, theo bà Trần Thị Việt Hương, cần chọn một thông điệp chung làm truyền thông cho Tây Bắc, đó là đặc sản văn hóa vùng cao. Theo bà Việt Hương, các tỉnh nên ngồi lại, liên kết lại để tìm ra nét độc đáo riêng của vùng. Hàng tuần, có thể tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa cố định tại sân vận động, quy định cụ thể ngày nào, số lượng ghế, có thể bán vé để lôi kéo khách ở lại.

Bà còn đề xuất xây dựng Bảo tàng văn hóa Tây Bắc, xây dựng các bộ phim chuyên đề về Tây Bắc để chiếu ở các hội chợ nước ngoài, phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá.

Đối với hạ tầng, khi Lào Cai có hệ thống giao thông tốt, khách chuyển sang đi đường bộ nhiều thì lượng khách đường sắt giảm là tất yếu. Vì thế, bà Hương gợi ý, nên chăng phát hành một vé đi lại, tạm gọi là quick-pass, giá khởi điểm khoảng 1 triệu đồng để liên kết vận chuyển gắn kết toàn Tây Bắc. Khách du lịch có thể mua vé này để trải nghiệm ô tô hoặc tàu hỏa, tùy thích, để đi tất cả các điểm đến ở Tây Bắc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành cũng kiến nghị, các địa phương ở Tây Bắc cần đầu tư nhiều hơn cho tuyến du lịch đường sông, đặc biệt là hệ thống sông Gâm và sông Đà, cụ thể là xây dựng các bến bãi, tàu thuyền, cơ sở dịch vụ... Đây là sản phẩm đặc sắc bổ sung cho các tour, tuyến đã bắt đầu nhàm chán ở Tây Bắc.

Trên thực tế, sau nhiều năm tiên phong đưa khách đi đường thủy lộ này kết nối cung đường bộ để đến các điểm du lịch trên Tây Bắc và Đông Bắc thì lượng khách hàng năm tăng đều. Theo số liệu của công ty Thế Hệ Trẻ, số du khách quay trở lại đi tour đường sông Đông Bắc là 16%, riêng Tây Bắc vì mới đưa sông Đà vào hành trình cách đây 3 năm nên đạt khoảng 8%. Ngay sau hội thảo, đại diện Tổng cục Du lịch Nga đã làm việc với lãnh đạo công ty Thế Hệ Trẻ để tìm hiểu kỹ hơn về tour đường sông ở Đông Bắc, Tây Bắc, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đây là tín hiệu tốt cho du lịch Tây Bắc trong tương lai.

Ngọc Hà