Từ thực trạng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tộc người ở Tây Bắc, TS Nguyễn Thị Thu Hoài (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đề xuất các kiến nghị trong việc bảo tồn, khai thác di sản văn hóa tộc người nhằm mục tiêu phát triển bền vững văn hóa vùng Tây Bắc như sau:

Thực hiện giáo dục song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc

Vùng Tây Bắc trước đây, tiếng Thái được xem là “ngôn ngữ giao tiếp vùng” và đa số các tộc người ở đây đều nói được tiếng Thái. Tiếng Thái, văn hóa Thái đã trở thành một nét đặc sắc gắn với địa danh miền Tây Bắc. Với lợi thế dân số đông, sống tập trung và có một nền văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, văn hóa Thái đã tạo ra một sức thu hút và sức lan tỏa cao ở khu vực này.

Tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, trong cộng đồng người Khơ Mú và người Lào ở xã Pa Thơm và xã Mường Lói, đa phần người Lào và người Khơ Mú đều nghe nói được tiếng Thái, bên cạnh việc duy trì tiếng Lào và tiếng Khơ Mú. Tiếng Việt chủ yếu sử dụng trong môi trường trường học và hành chính. Trong gia đình, chủ yếu vẫn sử dụng tiếng dân tộc. Hiện tượng này một phần là do ở các vùng Pa Thơm và Mường Lói, đặc biệt là Pa Thơm, giao thông đi lại khó khăn, người dân chủ yếu vẫn sống bằng canh tác tự túc tự cấp, ít có giao du với bên ngoài. Nhiều học sinh khi được hỏi: Nếu để lựa chọn học tiếng Việt hoặc tiếng Khơ Mú, em sẽ học tiếng gì thì đa số câu trả lời là: Tiếng Việt. Lý do chủ yếu đưa ra là: (1) sách giáo khoa, giáo viên sử dụng tiếng Việt trong dạy học; (2) có cảm giác xấu hổ khi nói tiếng Việt không thành thạo và khi sử dụng tiếng nói của dân tộc mình. Do đó, việc giáo dục ngôn ngữ dân tộc hiện nay được thực hiện chủ yếu trong môi trường gia đình một cách tự nhiên, bởi lẽ, ông bà, thậm chí bố mẹ không nói được tiếng Việt nên việc sử dụng tiếng dân tộc như một đòi hỏi bắt buộc khi thực hiện giao tiếp. Trong 15 đến 20 năm tiếp, khi các bậc cao niên không còn nữa, thay vào đó là lớp người đã sử dụng thành thạo tiếng Việt, việc giáo dục về ngôn ngữ, văn hóa trong gia đình người dân tộc thiểu số không được thực hiện.

Ở Việt Nam nói chung và Tây Bắc nói riêng, với các tộc người thiểu số, nhu cầu sử dụng tiếng Việt là chính đáng, phục vụ mục tiêu phát triển, còn tiếng mẹ đẻ có giá trị như là một “công cụ duy trì bản sắc của từng dân tộc”, đảm bảo tính đa dạng của văn hóa quốc gia dân tộc. Với quan điểm đó, các nghiên cứu về chính sách đã khẳng định: “Nhà nước luôn kiên trì đặt vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số phải được giáo dục tiếng mẹ đẻ theo như yêu cầu của họ và trách nhiệm của chính quyền nhân dân là phải đáp ứng nhu cầu ấy. Chỉ có như vậy, một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa mới đủ điều kiện đảm bảo cho quốc gia phát triển bền vững trong xu thế hội nhập của toàn thế giới”.

Tăng cường giáo dục đa dạng văn hóa cho các chủ thể văn hóa dân tộc thiểu số

Chấp nhận đa dạng văn hóa, hội nhập để phát triển là một vấn đề quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người, bởi lẽ, không có một nền văn hóa nào có thể phát triển được nếu nền văn hóa ấy bị cô lập hay lựa chọn “khép kín”, “đóng cửa”. Việc giao lưu và tiếp biến văn hóa một cách có chọn lọc sẽ là một tất yếu hành trình của mỗi nền văn hóa.

Ở Việt Nam nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng, di sản văn hóa dân tộc thiểu số là sản phẩm sáng tạo do cộng đồng các dân tộc thiểu số trong trường kỳ lịch sử sáng tạo ra, trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa Việt Nam, làm nên một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, giàu bản sắc. Giáo dục đa văn hóa là việc giáo dục nhiều loại văn hóa, không phải chỉ là văn hóa của một tộc người nào đó mà là tổng hợp văn hóa của nhiều tộc người. Do đó, mỗi người không chỉ được giáo dục về văn hóa của tộc người đa số mà cần tiếp thu văn hóa của các tộc người thiểu số. Để có thể hình thành được tư tưởng này, việc thấu hiểu, chấp nhận và tôn trọng văn hóa lẫn nhau để cùng phát triển là điều hết sức cần thiết.

Giáo dục đa văn hóa nên được thực hiện ở cấp độ toàn dân, quần chúng hóa. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người sống trong một quốc gia, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, khu vực cư trú, địa vị xã hội… đều cần thiết phải được giáo dục về đa văn hóa. Đây chính là một việc làm quan trọng đối với việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia đa tộc người nói chung.

Bảo vệ môi trường sinh thái - cơ sở của các thực hành văn hóa

Ở Tây bắc, người Thái sinh tụ chủ yếu ở vùng thung lũng, gần nguồn nước và họ đã tạo ra những tri thức nước rất đặc sắc với hệ thống mương phai lái lín lốc cọn, những đặc sắc văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử xung quanh môi trường nước này. Người Khơ Mú cư trú chủ yếu ở vùng rẻo giữa, canh tác chủ yếu trên các nương rẫy, tạo ra một nền văn minh nương rẫy với hệ thống các tri thức, tập tục xung quanh môi trường này.

Trang phục dân tộc La Ha

Người Mông do lịch sử di cư và tập tính tộc người, họ sống chủ yếu ở vùng rẻo cao khuất nẻo, trên các cao nguyên đá, chính vì thế, họ có một nền văn hóa rực rỡ từ ẩm thực, kiến trúc, trang phục đến các lễ hội, tập tục trong hôn nhân, tang ma. Chẳng thế mà dân gian có câu: Thái ăn theo nước, Xá (Khơ Mú) ăn theo lửa và Mông ăn theo sương mù.

Rõ ràng, văn hóa của mỗi tộc người được nảy sinh từ chính điều kiện sinh tụ của họ và hiển nhiên, để lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống đó, bảo vệ môi trường sinh thái là một điều căn bản, cấp thiết. Khi môi trường nương rẫy không còn thì có còn những tập tục về cúng rừng hay tri thức làm nương của người Khơ Mú; không còn các con sông, con suối, không còn những lạch nước tự nhiên để sinh hoạt, người Thái không còn tri thức bản địa về hệ thống tưới tiêu.

Nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, bảo đảm nguyên tắc mối quan hệ tương hỗ giữa kinh tế và văn hóa

Những năm gần đây, Tây Bắc đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhiều tổ chức trong và ngoài nước trong việc phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Ví dụ như du lịch cộng đồng bản Nà Củng, Xã Mường Xo, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; bản Mai Hịch, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, Hòa Bình. Hai bản này được xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng theo hướng bền vững do các dự án EU (bản Nà Cọ) và dự án Trung tâm Sức khỏe và Phát triển cộng đồng COHED (bản Mai Hịch) nhằm đảm bảo sự phát triển cộng đồng ở góc độ rộng lớn hơn và cơ sở lập kế hoạch không chỉ có sự tham gia, mà còn có sự kiểm soát của cộng đồng. Đây là những dự án đã được kiểm nghiệm trong thực tế, được thực tế chứng minh về tính khả thi là những mô hình đáng để chúng ta quan tâm tìm hiểu và ứng dụng.

Hiện nay, sản phẩm văn hóa cộng đồng của người Thái, người Mường đã được quan tâm hỗ trợ và xây dựng để đưa đến du khách; các cộng đồng tộc người khác có điều kiện cư trú tập trung thành thôn bản, như: người Mông, người Khơ Mú, người Lào, người Hà Nhì… cũng có thể được nghiên cứu đánh giá và xây dựng với sản phẩm du lịch cộng đồng đặc thù. Các bản Che Căn (Mường Phăng, Điện Biên), Bản Mển (Thanh Nưa, Điện Biên), Cọ Mỵ (Điện Biên), Bản Bó (Chiềng An, Sơn La), bản Hùn (Chiềng Cọ, Sơn La), bản Hon (Tam Đường, Lai Châu)... đã ít nhiều xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng theo mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, mỗi thôn bản thường làm theo mô hình cử ra 15-20 người tham gia làm du lịch cộng đồng với các công việc như cung cấp sản phẩm ẩm thực, hướng dẫn tham quan...

Xét về phát triển kinh tế, việc tổ chức du lịch cộng đồng có thể nói đã làm thay đổi diện mạo của thôn bản, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống, sản phẩm văn hóa ẩm thực truyền thống, âm nhạc dân vũ truyền thống của đồng bào có điều kiện trở thành những sản phẩm kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, làm thay đổi nhận thức về việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác du lịch cộng đồng, việc phát triển thiếu bền vững hay “phát triển nóng” vẫn diễn ra, gây nhiều tác động tiêu cực. Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trong cộng đồng dân tộc thiểu số là cần thiết, khả thi nhưng rõ ràng, việc khai thác như thế nào, trách nhiệm của chính quyền đến đâu, sự phối hợp các bên liên quan, sự phân chia lợi nhuận, quyền và trách nhiệm của cộng đồng như thế nào là việc mỗi địa phương cần xây dựng phương án riêng, phù hợp với tình hình địa phương một cách rõ ràng.

Để làm được điều này, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các viện nghiên cứu về du lịch và các tổ chức phát triển là hết sức cần thiết trong việc thu thập, phân tích thông tin, định hướng nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm... để cùng với cộng đồng từng bước xác định các cơ hội thích hợp với địa phương, bảo đảm phát triển bền vững, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc

Thanh Bình, Tuấn Kiệt, Bạt Tuấn