Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định về chủ trương xây dựng Đề án thí điểm taxi bay hoạt động tại địa bàn tỉnh.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết, ủng hộ các địa phương nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng nghiên cứu để có thể triển khai những loại hình phương tiện giao thông phù hợp, an toàn và bảo đảm trật tự an ninh xã hội, trong đó có taxi bay.

Việc triển khai những loại hình này theo Bộ GTVT để tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người dân và kết nối các điểm đến, từng bước hình thành phương thức giao thông tiên tiến, hiện đại, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh, tạo điểm nhấn, phát triển hoạt động du lịch tại địa phương.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định về Đề án thí điểm taxi bay mới đề cập đến thông tin chung, chưa có các nội dung cụ thể cũng như chưa có các đề xuất liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế quản lý, kế hoạch thực hiện để có thể triển khai nên Bộ GTVT chưa đủ cơ sở để xem xét, tham gia ý kiến.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật Phòng không nhân dân, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Theo đó, Quốc hội đã thảo luận về khái niệm “tàu bay không người lái” tại Luật Phòng không nhân dân theo hướng quy định đảm bảo phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với những thiết bị bay khác không người lái có trong tương lai như taxi bay, motor bay.

taxi bay .jpeg
Chưa thể triển khai mô hình taxi bay. Ảnh: Tư liệu 

Bộ GTVT nhận thấy đây sẽ là tiền đề bước đầu hình thành cơ sở pháp lý trong việc quản lý và khai thác loại hình taxi bay.

Do vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Định tiếp tục nghiên cứu và bám sát quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Phòng không nhân dân để bổ sung, cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến việc xây dựng Đề án và báo cáo xin chủ trương theo đúng thẩm quyền của các bộ, ngành có liên quan.

Trước đó, cuối tháng 10/2024, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để UBND tỉnh xây dựng Đề án thí điểm taxi bay hoạt động trên địa bàn tỉnh. Văn bản gửi Bộ GTVT về việc hướng dẫn thí điểm hoạt động thủy phi cơ trên biển.

Theo UBND tỉnh Bình Định, việc dùng thủy phi cơ tối ưu hơn so với trực thăng hay máy bay mặt đất về địa bàn cất cánh và hạ cánh, đặc điểm kích cỡ cũng như khả năng đáp ứng nhiên liệu.

Hiện nay vẫn chưa có phương tiện vận tải nào phù hợp để có thể khám phá hết các vẻ đẹp thiên nhiên biển của tỉnh Bình Định, cũng như giúp di chuyển giữa các điểm du lịch một cách thuận lợi, nhanh chóng. Do đó, việc phát triển hoạt động thủy phi cơ để phục vụ du lịch là một hướng đi đột phá mới, tạo điểm nhấn đặc sắc riêng cho ngành du lịch của tỉnh.

UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT có hướng dẫn cụ thể đối với các dòng thủy phi cơ được phép sử dụng tại Việt Nam và thủ tục đăng ký cấp phép sử dụng dòng thủy phi cơ M80 để phục vụ vận chuyển khách du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Phải thiết kế đường bay cố định, không thể bay "lung tung" 

Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia giao thông Nguyễn Thiện Tống ủng hộ đề xuất của Bình Định. Tuy nhiên, ông lưu ý các chuyến bay đó phải thiết kế đường bay cố định như xe buýt chứ không phải bay "lung tung”. 

“Phải quy hoạch các đường bay trên không của taxi bay giống như thiết lập mạng xe buýt trên đường bộ. Đó là xa lộ trên không, xe buýt trên không của từng thành phố. Hành khách đến các điểm bay để lựa chọn cho mình lộ trình phù hợp.

Với loại hình giao thông này, tôi cho rằng phù hợp với những thành phố như Huế hay Quảng Ninh đã từng triển khai dịch vụ bay trực thăng ngắm cảnh - đây là dịch vụ vừa đắt mà độ an toàn không cao như taxi bay”, ông Nguyễn Thiện Tống nói. 

Được biết, Việt Nam chưa có các quy định trong việc quản lý, khai thác đối với hoạt động kinh doanh, thực hiện vận chuyển bằng loại hình taxi bay.

Việc nghiên cứu triển khai đưa vào khai thác taxi bay, cũng như các loại hình phương tiện giao thông khác, cần có một lộ trình bảo đảm an toàn, bền vững với những bước đi thận trọng, khoa học và chặt chẽ.

Theo đó, cần đánh giá, làm rõ những vấn đề liên quan trực tiếp đến quá trình triển khai đưa vào khai thác, như: Thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước; chủ thể vận chuyển, điều kiện kinh doanh; thẩm quyền cấp phép bay; nhà sản xuất, chủng loại taxi bay…

“Những vấn đề này, trong quá trình nghiên cứu, đánh giá triển khai cần có ý kiến của các cơ quan, các bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.