- Chỉ còn 2 ngày nữa, ba thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ sẽ ngừng phủ sóng 7 kênh truyền hình analog không thiết yếu.
Rất nhiều người dân muốn biết, sau thời điểm này, họ sẽ được xem những kênh gì, và việc thu xem những nội dung giải trí quen thuộc như phim, bóng đá.. có bị ảnh hưởng hay không.
Người dân vẫn xem được các chương trình yêu thích sau thời điểm tắt sóng mềm 7 kênh không thiết yếu. |
Cụ thể, từ ngày 15/6 tới, Hà Nội sẽ ngừng phát sóng 3 kênh analog VTV6, H2 và VTC9; TP.HCM ngừng phát VTV6, VTV9, VTC9, HTV7 trong khi Cần Thơ tắt các kênh VTV Cần Thơ 1, VTV Cần thơ 2, VTC9. Thành phố lớn còn lại dự kiến tắt sóng cũng trong giai đoạn 1 là Hải Phòng tạm thời chưa tắt sóng mềm kênh nào trong đợt này. Với các kênh còn lại, người dân vẫn xem được bình thường.
Nhiều lựa chọn về kênh
Thậm chí, theo Diễn đàn Số hóa truyền hình DVB-T2 trên Facebook thì nếu người dân tại các khu vực này chủ động chuyển đổi từ analog sang đầu thu DVB-T2 (hoặc mua TV DVB-T2) sớm, họ sẽ có thể xem các trận bóng đá của Giải Euro 2016 với độ phân giải cao qua các kênh như VTV3 HD, VTV6 HD và VTV9 HD.
Theo tiến độ của Đề án, các đài sẽ ngừng phủ sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh từ 15/8 và giai đoạn 1 của Đề án số hóa truyền hình mặt đất Việt Nam sẽ hoàn thành. Khi đó, khoảng 40% dân số cả nước sẽ được chuyển đổi từ analog sang số hóa.
Sau khi chuyển đổi, người dân sẽ có thể xem được hơn 50 kênh truyền hình của VTV, VTC, AVG và RTB. Cụ thể, danh sách kênh DVB-T2 do VTV truyền dẫn bao gồm VTV1HD Dolby, VTV2HD, VTV3HD Dolby, VTV4, VTV5, VTV6HD Dolby, VTV7, VTV8, VTV9HD. Ngoài ra còn có thêm một số kênh địa phương - tùy theo khu vực như kênh Vĩnh Phúc, Hưng Yên tại Hà Nội, kênh Hanam (Hà Nam), NTV (Nam Định, NTV (Ninh Bình) và TBTV (Thái Bình) tại Nam Định; DRT2 (Đà Nẵng) và QRT (Quảng Nam) tại Đà Nẵng; THBT (Truyền hình Bến Tre) ở Bến Tre; VTV5 Tây Nam Bộ tại Cần Thơ...
Đối với VTC, các kênh DVB-T2 do đài này truyền dẫn gồm có VTC1, VTC2, VTC3, VTC4, VTC5, VTC6, VTC7, VTC8, VTC9, VTC10, VTC11, VTC12, ITV (VTC13), VTC14, VTC16, VTV1, MTV Vietnam, QPVN, Quốc hội SD, SCTV10, VOV TV, VOV1, VOV3, Quốc hội (Chuẩn SD), H1, H2, VGS Shop.
MobiTV (thương hiệu mới của AVG) hiện đang phát sóng quảng bá 6 kênh trên toàn quốc, gồm ANTV, TTXVN, VTV1 HD, VietTeen, Thông tin An viên và Đọc sách. Riêng tại đồng bằng sông Hồng, MobiTV phát sóng quảng bá thêm 5 kênh là VTC1 HD (chuẩn SD), VTC16, VTV2 HD (chuẩn SD), THP (Hải Phòng) và H1; tại khu vực Nam Bộ, MobiTV phát sóng quảng bá thêm kênh Nhân Dân (chuẩn SD).
Hai đơn vị truyền dẫn phát sóng địa phương là SDTV và RTB cũng đã tiến hành phát sóng DVB-T2 trên phạm vi của mình. Trong đó, DTV đang phát sóng quảng bá 21 kênh tại khu vực Nam Bộ, gồm: HTV7 HD, HTV9, HTV2, HTV3, HTV Thể thao, BTV1 (Bình Dương), THVL1, THVL2, LA34 (Long An), THTPCT (Cần Thơ), THĐT1 (Đồng Tháp), ATV1 (An Giang), BRT (Bà Rịa - Vũng Tàu), BPTV1 (Bình Phước), Home TV, Giải trí TV, D Dramas, VGS Shop, Thuần Việt, VTC9 và You TV. Còn RTB đang phát sóng quảng bá 16 kênh tại khu vực đồng bằng sông Hồng, gồm: H1, H2, THP, HANAM, TBTV, QTV1, HY, BTV (Bắc Ninh), THVL1, THVL2, HTV2, Giải Trí TV, HiTV, You TV, Joy FM và VNK Shopping.
Tổng đài hỗ trợ miễn phí
Trên thực tế, so với những dự kiến đầu tiên thì thời điểm tắt sóng mềm tại 4 Thành phố lớn đã được Ban chỉ đạo Đề án điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế cũng như nhu cầu thông tin của người dân về những sự kiện quan trọng của quốc gia như bầu cử. Ban đầu, thời điểm tắt sóng mềm dự kiến là từ ngày 1/3 và tiến tới 1/6 thì tắt sóng toàn bộ. Tuy vậy, do diện hỗ trợ đầu thu đã phải mở rộng nhiều so với kế hoạch (ngoài 4 TP lớn thì còn có 19 tỉnh lân cận chịu ảnh hưởng của việc tắt sóng trong giai đoạn 1), nên tiến độ hỗ trợ sẽ phải kéo dài hơn.
Theo báo cáo từ Cục Tần số Vô tuyến điện tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2016 của Bộ TT&TT, việc hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo đã cơ bản hoàn thành tại 17 địa phương. Tại Hà Nội, công tác hỗ trợ cũng đã khởi động. Như vậy là chỉ còn lại Vĩnh Phúc còn bị vướng ở khâu này.
Tổng đài hỗ trợ 0511 1022 sẽ tư vấn, hỗ trợ thông tin, giải đáp thắc mắc về số hóa truyền hình cho người dân |
Đà Nẵng là thành phố đầu tiên tại Việt Nam cũng như của ASEAN hoàn thành việc số hóa truyền hình. Sau khi tiến hành việc chuyển đổi từ analog sang truyền hình số trên toàn địa bàn, hầu hết phản hồi của người dân đều cho ra kết quả tích cực. Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất chính là truyền hình số có chất lượng âm thanh, hình ảnh trung thực và sắc nét; không còn hiện tượng "bóng ma", "muỗi" như truyền hình tương tự, ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết xấu như trước đây.
Một sự cải thiện nổi bật nữa là người dân có thể xem miễn phí nhiều kênh chương trình truyền hình số, trong đó có nhiều kênh mới phát sóng, có độ phân giải cao (HDTV). Ngoài ra, với các TV hỗ trợ, họ còn có thể hưởng thêm một số tiện ích như Hướng dẫn chương trình điện tử, lịch phát sóng điện tử, truyền hình tương tác....
Theo Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020, các kênh truyền hình thông tin tuyên truyền thiết yếu sẽ không bị khóa mã. Đây là các kênh truyền hình của Trung ương và các kênh truyền hình địa phương được quy định tại Thông tư 09/2012 của Bộ TT&TT. Nói cách khác, sau khi chuyển đổi số hóa, mọi hộ dân có đầu thu DVB-T2 hoặc TV tích hợp DVB-T2 đều có thể thu xem hoàn toàn miễn phí những kênh thiết yếu này mà không phải đóng phí thuê bao hàng tháng.
Để hỗ trợ người dân tối đa trước và trong thời gian chuyển đổi, Bộ TT&TT đã chuẩn bị các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp thông tin về Đề án một cách kịp thời. Các nội dung này được xây dựng theo hướng ngắn gọn, đơn giản, tập trung vào những mối quan tâm chính của người dân khi chuyển đổi như chọn mua đầu thu ra sao, lắp đặt như thế nào, Tổng đài hỗ trợ ở đâu nếu cần hướng dẫn, giải đáp....
Trọng Cầm